Samsung với chiến lược di chuyển nhà máy về Việt Nam

Samsung – hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới có quá trình phát triển mạnh mẽ gắn liền chặt chẽ với lợi nhuận đến từ thị trường lao động rẻ mạt tai Trung Quốc. Tuy nhiên điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới

Samsung với chiến lược di chuyển nhà máy về Việt Nam

 

Bên cạnh chiến lược kinh doanh và khả năng nghiên cứu thị trường hợp lý giúp Samsung có được vị thế như ngày nay thì nguồn nhân công rẻ mạt và dồi dào của Trung Quốc cũng đóng một vai trò rất quan trọng.  Tuy nhiên với việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo đảng và chính phủ thành công của Trung Quốc, dự đoán nền kinh tế của đất nước đông dân nhất thế giới sẽ có nhưng thay đổi lớn mạnh hơn bao giờ hết. Trung Quốc sẽ có vị thế lớn mạnh hơn cả về quân sự  cũng như lĩnh vực kinh tế, điều kiện người lao động sẽ được đảm bảo hơn với mức lương cao hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những tập đoàn kinh tế sử dụng nguồn lao động rẻ mạt tại quốc gia này. Nhằm đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone cao cấp đang sụt giảm, Samsung có kế hoạch chuyển dịch chiến lược các nhà máy về Việt Nam, nơi tiền lương lao động còn thấp hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc.

“Xu hướng các công ty chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam có lẽ sẽ gia tăng trong ít nhất là 2 – 3 năm tới, do giá nhân công tại Trung Quốc cao hơn”, ông Lee Jung Soon, người lãnh đạo đội ngũ hỗ trợ doanh nghiệp tại Văn phòng Thương Mại Hàn Quốc (KOTRA) đặt tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. “Việt Nam đang trở nên mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp”.

Dưới đây là năm lý do chính giải thích cho sự ra đời của kế hoạch này.

1. FDI đang tăng cao

Đến ngày 20/11, chính phủ Việt Nam đã thông qua các dự án đầu tư nước ngoài có tổng trị giá 13,8 tỉ USD, tăng 73% so với năm ngoái, dựa theo con số do Tổng Cục Thống Kê đưa ra. Trong số này, Hàn Quốc dẫn đầu với 3,66 tỉ USD.

Trong vòng 10 tháng đầu năm, nền kinh tế trị giá 8,4 nghìn tỉ USD của Trung Quốc (lớn gấp 59 lần Việt Nam) chỉ nhận được 97 tỉ USD vốn FDI, tăng 6% so với cùng kì năm ngoái.

Intel, công ty sản xuất vi xử lý lớn nhất Việt Nam, đã mở cửa một nhà máy lắp ráp và kiểm thử có trị giá 1 tỉ USD tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010. Nokia cũng cho biết nhà máy ở gần Hà Nội sẽ có thể hoạt động đầy đủ vào quý thứ 3 năm nay để sản xuất các mẫu điện thoại phổ thông Asha. LG, đối thủ của Samsung tại Hàn Quốc, cũng đang xây dựng một nhà máy có diện tích 400.000 mét vuông để sản xuất TV và đồ gia dụng, dựa theo kế hoạch đầu tư có giá 1,5 tỉ USD.

2. Nguồn nhân lực trẻ

“Việt Nam ổn định về mặt chính trị và có nguồn nhân lực trẻ, ngày càng được giáo dục tốt”, LG khẳng định trong một tuyên bố chính thức. “Giống như Hàn Quốc, Việt Nam hiểu được cần phải làm gì để xây dựng lại nền kinh tế sau một cuộc chiến tranh tàn khốc”.

Nhà máy mới của Samsung được dự kiến sẽ sản xuất ra 120 triệu điện thoại vào năm 2015, theo thông tin của 2 nguồn tin nội bộ cung cấp cho hãng tin Bloomberg. Con số này cao gấp 2 lần sản lượng của Samsung tại Việt Nam hiện tại và cũng là rất đáng kể nếu so với tổng sản lượng toàn cầu của Samsung vào năm trước: 400 triệu. Khi được liên hệ qua email, Samsung đã từ chối xác minh các thông tin này.

Khi đang nắm trong tay 1/3 thị trường smartphone toàn cầu, Samsung có thể sẽ sản xuất khoảng 80% tổng sản lượng tại Việt Nam, theo lời ông Lee Seung Woo, một nhà phân tích tại IBK Securities đã từng theo dõi Samsung trong suốt hơn 1 thập kỉ qua.

“Điều làm nên ngành sản xuất điện thoại là phải lắp ráp các linh kiện được sản xuất tốt. Yếu tố quan trọng nhất là nhân lực” – ông Lee khẳng định.

3. Chi phí nhân công của Trung Quốc đang tăng dần

Theo báo cáo của Samsung tung ra vào tháng 6, sau khi đặt chân vào Trung Quốc vào năm 1992, Samsung giờ đã có 13 địa điểm sản xuất và 7 phòng nghiên cứu đặt tại quốc gia này. Nhân công của Samsung tại Trung Quốc đạt 45.660 người, chiếm 19% tổng nhân lực toàn cầu của Samsung Electronics và cũng là nguồn nhân công lớn nhất của Samsung ngoài Hàn Quốc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế kỉ lục đã biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng đã khiến giá nhân công tăng cao, bao gồm cả các công việc cấp thấp. Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO, lương căn bản của công nhân nhà máy tại Bắc Kinh là 466 USD (9,8 triệu đồng), trong khi tại Hà Nội chỉ là vào khoảng 3 triệu đồng.

4. Ưu đãi từ chính phủ Việt Nam

Nhà máy của Samsung tại khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên sẽ được miễn thuế trong vòng 4 năm, được giảm 50% thuế trong vòng 12 năm tiếp theo, dựa theo website của chính quyền địa phương.

Một nhà máy khác, có trị giá 1,2 tỉ USD vừa được thông báo xác nhận, sẽ sản xuất các module camera và mạch điện sẽ được giảm 1/2 tiền thuê cơ sở vật chất giống như các nhà máy khác của Samsung. Theo tuyên bố của Samsung, nhờ vào “mối quan hệ đối tác chiến lược”, Samsung sẽ giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí và đóng tàu.

5. Vị trí địa lý

Mặc dù cả Ấn Độ và Indonesia đều có thể thu hút Samsung nhờ giảm thuế và chi phí nhân công thấp, vị trí gần với các nhà máy có sẵn của Samsung tại Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ là một lợi thế của Việt Nam – theo ông Thân Trọng Phúc, giám đốc điều hành quĩ DFJ VinaCapital LP.

“Các nước khác có thể đưa ra các ưu đãi ngang bằng hoặc thậm chí là vượt cả Việt Nam, nhưng Việt Nam ở rất gần với chuỗi cung ứng của Samsung. Bạn có thể thấy các công ty Hàn Quốc ở bất cứ đâu tại Việt Nam”, ông Phúc khẳng định.

Dương Linh
Theo BloomBerg