10 nhân vật được giới thiệu trong khuôn khổ bài viết là minh chứng cho việc nếu bạn có năng lực, đủ đam mê và lòng dũng cảm để theo đuổi những gì bạn thích, thành công sẽ đến.
1. Steve Jobs – Đồng sáng lập, cựu CEO Apple
Steve Jobs, vị phù thủy công nghệ tài ba, có thể nói là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành công nghiệp điện tử, vi tính. Từ khi mới lọt lòng, mặc dù quyết định không nuôi con, thế nhưng, mẹ đẻ của ông luôn đặt ra một tiêu chuẩn cho bất cứ ai muốn nhận nuôi Jobs đó là chắc chắn phải tạo điều kiện cho ông vào học một trường Đại học.
Năm 1972, Jobs ghi danh học tại Đại học Reed. Tuy nhiên, chỉ sau một học kì ngắn ngủi, ông đã quyết định thôi học. Năm 1976, Jobs thành lập thương hiệu Apple trong một chiếc ga-ra bé nhỏ cùng Wozniak. Apple nhanh chóng giành được nhiều sự chú ý từ cộng đồng và phát triển chóng mặt.
Trải qua rất nhiều những thăng trầm trong sự nghiệp, thậm chí có lúc ông phải rời khỏi chính công ty một tay mình đã xây dựng, Steve Jobs vẫn gắn bó với Apple và mang đến cho thế giới rất nhiều sản phẩm tuyệt vời chưa từng có.
2. Bill Gates – CEO Microsoft
Bill Gates vào học tại Đại học Harvard mùa thu năm 1973. Hai năm sau, ông bỏ học để thành lập Microsoft cùng với người bạn của mình Paul Allen.
Bill Gates luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới và khối tài sản ông đang nắm giữ có giá trị lên tới 72,7 tỷ USD. Bill Gates nổi tiếng với vai trò là một doanh nhân, nhà viết sách và một nhà hoạt động từ thiện nhiệt tình.
3. Mark Zuckerberg – CEO Facebook
Khi đang theo học năm thứ Hai tại trường Đại học Harvard, Mark đã quyết định bỏ học và tạo ra Facebook, một đế chế mạng xã hội không có đối thủ hiện nay với hơn 1 tỷ người dùng.
Năm 2007, nhờ Facebook, Mark ghi tên mình vào danh sách những tỷ phú nước Mỹ lúc bấy giờ. Facebook về sau dính vào không ít những sự vụ pháp lý liên quan đến bản quyền, thế nhưng dưới bàn tay lèo lái vững vàng của vị CEO trẻ tuổi tài ba, mạng xã hội này hiện vẫn không hề có dấu hiệu thoái vị khỏi ngôi vương sân chơi các mạng xã hội trong tương lai gần.
4. Daniel Ek – Người sáng lập Spotify
Daniel Ek là người sáng lập của một trong những dịch vụ cung cấp nhạc số lớn nhất thế giới Spotify. Ông chưa bao giờ có trong tay một tấm bằng đại học bởi mặc dù đã ghi danh vào Học viện Công nghệ Hoàng gia KTH, ông đã không hoàn thành việc học của mình tại đó.
Công ty của Ek hiện nay được định giá lên tới 4 tỷ USD và tài sản ròng của ông cũng chạm ngưỡng 310 triệu USD.
Ek tạo ra công ty đầu tiên khi mới chỉ 14 tuổi vào năm 1997. Trong quá khứ, ông đã từng là CEO của µTorrent.
5. Arash Ferdowsi – Đồng sáng lập DropBox
Arash Ferdowsi, người mang trong mình hai dòng máu Iran và Mỹ, quyết định bỏ học khi anh đang ở năm cuối trường đại học danh tiếng MIT để tập trung vào thứ anh thực sự quan tâm, Dropbox. Với tài sản được ước tính vào khoảng 400 triệu USD, Ferdowsi hiện đang nắm giữ vị trí đồng sáng lập của dịch vụ này.
Ferdowsi và bạn mình Drew Houston bắt đầu thực hiện dự án Dropbox tại trường đại học và nhanh chóng nhận ra những tiềm năng to lớn của nó. Dropbox nhanh chóng thu hút tới 45 triệu người dùng chỉ trong khoảng thời gian 4 năm và hiện nay đã trở thành một trong những dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây được yêu thích nhất thế giới.
6. Matt Mullenweg – Người sáng lập WordPress
Matt Mullenweg chính là người đã phát triển nền tảng mở và miễn phí WordPress, nền tảng đang được sử dụng bởi 16% website trên thế giới.
Mullenweg quyết định thôi học tại Đại học Houston năm 2004 bởi sau khi anh bắt đầu viết những đoạn mã đầu tiên cho WordPress vào năm 20 tuổi, anh đã nhận được quá nhiều lời mời gọi từ các công ty công nghệ.
7. Jerry Yang – Đồng sáng lập Yahoo! Inc.
Jerry Yang, cựu CEO và đồng sáng lập Yahoo! đã từng bỏ ngang chừng khi đang theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Stanford để chuyên tâm dựng lên đế chế Internet một thời Yahoo!.
Yang rời Đài Loan tới San Jose, California cùng với mẹ và anh năm ông lên 10. Tại đây, Yang đã hoàn thành bằng Cử nhân rồi sau đó là bằng Thạc sĩ của Đại học Stanford.
Trong lúc này, ông đã cùng với bạn học của mình David Filo tạo ra một website mang tên gọi “Jerry and Dave’s Guide to the World Wide Web” như một danh bạ chứa địa chỉ các trang web cho người dùng dễ dàng định hướng khi tham gia Internet hơn. Đây chính là tiền thân của Yahoo! mà chúng ta vẫn thấy hôm nay. Về sau, website này nhận được sự ủng hộ to lớn từ người dùng, cả Yang và Filo đều ngưng việc học lại để tập trung cho dự án.
8. David Karp – Người sáng lập Tumblr
Có lẽ ít người biết David Karp, tác giả của Tumblr – trang mạng được truy cập nhiều thứ 9 tại Hoa Kỳ, lại chưa bao giờ tốt nghiệp phổ thông.
Karp cho hay từ lâu anh đã rất quan tâm đến mảng tumbleblogs (một thể loại blog ngắn) và sau một thời gian dài chờ đợi một nền tảng blog như thế được phát triển, anh quyết định tự phát triển một dịch vụ của riêng mình. Chỉ sau 2 tuần ngắn ngủi được giới thiệu đại trà, Tumblr đã thu hút đến 75.000 người dùng.
Vào ngày 20 tháng Năm năm nay, Yahoo! chính thức tuyên bố về việc mua lại Tumblr, tuy nhiên, Karp vẫn tại vị ở chức danh CEO.
9. Dean Kamen – Nhà phát minh của Segway
Nhà phát minh của Segway, Dean Kamen theo học tại Học viện Worcester Polytechnic trong vòng hai năm trước khi quyết định thôi hẳn.
Hiện nay, ông đang nắm trong tay hơn 80 bằng sáng chế. Một trong những phát minh nổi tiếng nhất của ông là chiếc xe đặc biệt Segway PT. Cụ thể, đây là phương tiện hoạt động theo cơ chế tự cân bằng nhờ hệ thống máy tính, động cơ và con quay hồi chuyển đặt bên trong xe. Mặc dù chỉ có hai bánh thế nhưng, Segway PT luôn đạt được thế cân bằng và người dùng chỉ cần ngả người về trước hoặc sau để điều khiển xe tiến hoặc lùi.
10. Jack Dorsey – CEO Twitter
Jack Dorsey, người sáng lập ra Twitter đồng thời là CEO của Square, một công ty thanh toán qua di động, đã không bao giờ hoàn thành khóa học của mình tại trường Đại học New York.
Năm 2008, ông được liệt vào danh sách 35 người tiên phong của thế giới dưới tuổi 30 bởi MIT Technology Review.
Năm ngoái, Jack Dorsey cũng vinh dự nhận giải thưởng “Người tiên phong của năm lĩnh vực công nghệ” do tạp chí danh tiếng Wall Street Journal trao tặng.
Phía trên là danh sách 10 tỷ phú công nghệ thành công mặc dù bỏ học. Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng không phải bất kì ai bỏ học cũng có thể thành công ngoài dự kiến, phần lớn sinh viên bỏ học đều hối hận với quyết định của mình và phải chấp nhận làm những công việc với đồng lương thấp kém. Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công nhưng nó là con đường ngắn nhất và đơn giản nhất đối với bất kì ai.
Dương Linh
( Theo TTVN )