Lí do phiên bản Android mới luôn cập nhật chậm?

Khi phiên bản Android mới ra mắt trong vòng 3 tháng, chỉ có 2% người dùng Android được tiếp cận với nền tảng mới nhất Android 4.1 Jelly Bean. Nguyên nhân là từ đâu?

 

Google, Android, phiên bản mới, cập nhật, Update
Hiện chỉ có smartphone Galaxy Nexus, máy tính bảng Nexus 7 và một số ít các thiết bị khác nằm trong danh sách chạy Android 4.1.

Google có thể tự hào với con số 1,3 triệu thiết bị Android mới được kích hoạt mỗi ngày, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa nhiều với người dùng – những người kỳ vọng vào việc thiết bị hiện có của họ sẽ được cập nhật một cách sớm nhất lên phiên bản hệ điều hành mới.

Nếu đem so sánh với iOS, hẳn người dùng Android có lý do để chạnh lòng. Ba tháng sau khi ra mắt, chỉ 2% người dùng Android được trải nghiệm phiên bản 4.1 Jelly Bean mới nhất, trong khi chưa đầy 2 tuần sau khi phát hành, lượng iPhone, iPad và iPod Touch chạy iOS 6 đã lên đến 60%.

Ở thời điểm hiện tại, phiên bản Android phổ biến nhất vẫn là 2.3 Gingerbread. Được ví như một Windows XP trong lĩnh vực di động, nền tảng này vẫn nằm trong danh sách phát hành của hàng loạt nhà sản xuất, dù nó gần như đã bị Google bỏ rơi (không nhận được bất cứ bản nâng cấp nào từ tháng 9/2011).

Google, Android, phiên bản mới, cập nhật, Update
Xperia Ion – model cao cấp bậc nhất của Sony vẫn chạy Android 2.3 khi phát hành.

Đã thành thói quen, mỗi khi Google phát hành một phiên bản hệ điều hành mới, người dùng, trong đó có cả các tín đồ tại Việt Nam, lại “dài cổ” chờ đợi thông tin từ nhà sản xuất xem khi nào thiết bị của mình mới có thể nâng cấp.

Tại sao?

Vấn đề ở chỗ, vì là một hệ điều hành mã nguồn mở, Google chỉ phát triển phần “lõi” của hệ điều hành. Mỗi phiên bản Android mới đều phải qua tay các hãng sản xuất phần cứng (có thể cả các nhà mạng) trước khi đến với người dùng.

Mỗi hãng sản xuất phần cứng đều muốn đặt dấu ấn của riêng mình trên thiết bị, do đó, họ tiếp tục tùy biến Android theo cách của riêng mình, bằng cách tùy chỉnh giao diện (Sense của HTC  và TouchWiz của Samsung là những ví dụ điển hình), thêm các ứng dụng và nhiều hiệu chỉnh khác.

Thêm một lý do nữa khiến người dùng Android phải chịu thiệt, đó là bởi Google, người phát hành Android, chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu thiết bị Android được phát hành, thị phần họ chiếm được là bao nhiêu, trong khi các hãng sản xuất kiếm lời bằng việc bán được càng nhiều thiết bị càng tốt.

Do đó, vấn đề đẩy nhanh tốc độ cập nhật các phiên bản mới chưa được đầu tư.

Cách khắc phục

Bản thân Google và các nhà sản xuất phần cứng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ nói trên, do đó cách khắc phục phải đến từ chính họ.

Với Google, họ có thể học theo cách của Apple, giảm bớt độ “mở” của Android. Gã khổng lồ ngành tìm kiếm có thể yêu cầu các đối tác phần cứng giảm bớt (hoặc cấm tiệt) việc tùy biến hệ điều hành Android.

Ngoài ra, họ hoàn toàn có thể phối hợp tốt hơn với các hãng sản xuất bằng cách đưa ra những trợ giúp kỹ thuật, giúp các hãng phần cứng đẩy nhanh tốc độ cho ra mắt những bản cập nhật mới, theo cách Microsof  đang làm với Windows Phone.