Lương lập trình viên PHP lúc mới ra trường chỉ khoảng 3 đến 5 triệu đồng một tháng, nhưng đây là thời gian để bạn tập trung vào nâng cao kỹ năng lập trình, kỹ năng mềm, làm việc nhóm, trau dồi ngoại ngữ… Những vị trí cấp cao trong lĩnh vực này lương có thể tới 2.000 USD.
Khan hiếm lập trình viên PHP cũng là một thế yếu cho các công ty phần mềm trong nước khi đàm phán hợp đồng với nước ngoài. Vì vậy, một số công ty đã tự tổ chức các buổi đào tạo miễn phí về PHP cho sinh viên CNTT
Theo ông Tom Trần, CEO công ty Geekpolis, dù còn non trẻ nhưng nhờ lợi thế của một mã nguồn mở, PHP ngày càng được nhiều doanh nghiệp sử dụng vì nhiều ưu thế như tốn ít chi phí, chạy nhanh, nhẹ nhàng. Rất nhiều trang web lớn đều sử dụng đến PHP như photobucket.com, facebook.com, wikipedia.org…, ngay cả trang web của cơ quan chính phủ Mỹ là whitehouse.gov cũng sử dụng PHP. Theo khảo sát của trang w3techs trong năm 2012, có đến 78,6% trang web trên thế giới dùng PHP. Tại Việt Nam, hầu hết các dự án lập trình web đều sử dụng ngôn ngữ này. Song song đó, nhu cầu phát triển web cũng đang rất cao khi các tổ chức, cá nhân, tập đoàn đều cần có website để giới thiệu bản thân. Đây chính là cơ hội việc làm rất lớn cho các sinh viên chọn lập trình theo PHP.
Tuy cơ hội việc làm rất lớn song hiện tại các cơ sở đào tạo về PHP ở Việt Nam còn rất ít, chủ yếu là đào tạo cơ bản tại các cơ sở đào tạo phi chính quy với thời lượng ít ỏi dưới dạng một môn học. Trong khi đó, để làm được về PHP, theo ông Lê Quang Anh, Trung tâm AiTi Aptech, cần một năm học bài bản và thực hành nhiều về ngôn ngữ lập trình này.
Theo kinh nghiệm những người đi trước, ngoài thời gian học tập ở trường, những người chủ động trong việc phát triển kỹ năng PHP hoàn toàn có thể tiến bộ nếu biết tận dụng mọi nguồn lực để đến mục tiêu, như các nguồn tài liệu trực tuyến rất hữu ích: forums, video tutorials, đặc biệt tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án thực tế.
Đỗ Mạnh Hùng, Technical Leader (trưởng nhóm về kỹ thuật) tại công ty Geekpolis, cho biết, anh có cơ hội làm quen với PHP từ khi còn là sinh viên năm thứ hai và từ đó luôn tận dụng cơ hội tham gia vào các dự án lập trình ngôn ngữ này. Quá trình làm thực tế, Hùng đã tích luỹ kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng mềm, ngoại ngữ và chỉ sau 2 năm tốt nghiệp, tức khoảng 4 năm kinh nghiệm làm lập trình, Hùng đã ở vị trí hiện tại với mức lương hơn 1.000 USD một tháng.
Nguyễn Hoàng Long, một lập trình viên đã trải qua nhiều công ty phần mềm như Netimplementer, Tinh Vân, VTM Group…, cho biết, tại những công ty này, mức lương của các lập trình viên phân cấp khá xa, có người chỉ 2 -3 triệu đồng mỗi tháng, có người 7 đến 8 triệu nhưng có người 15 – 20 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn nữa, phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng.
“Cùng làm lập trình PHP nhưng nếu một người có kiến thức, kinh nghiệm về thiết kế hệ thống, cấu trúc mạng, tối ưu hóa web, bảo mật web, tương thích ngôn ngữ với hệ điệu hành… để bảo quát được tổng thể và đưa ra giải thuật tối ưu phù hợp với từng dự án, người đó sẽ được trả lương cao hơn người chỉ ngồi ‘code’ thông thường”, ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc công ty Naiscrop, cho biết. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm, diễn đạt, trình bày ý tưởng, khả năng ngoại ngữ là những yếu tố phụ trợ quyết định không nhỏ đến khả năng làm việc của mỗi cá nhân và các công ty cũng dựa vào đó để trả lương.
Cũng theo ông Đức, phần lớn các lập trình viên ở Việt Nam đều thiếu các kỹ năng kể trên, trong khi các công ty phần mềm rất cần những người như vậy. Đó là lý do của tình trạng “vừa thừa – vừa thiếu” đối với nhân lực CNTT Việt Nam.
Chỉ sau 3 tiếng làm quen, một học viên Aptech có thể tự tạo trang web bằng ngôn ngữ PHP, tuy nhiên, để phát triển nghề nghiệp cần nắm chắc các kiến thức khác ngòai lập trình
Anh Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ, khi xác định theo nghề lập trình là hãy nắm chắc cấu trúc dữ liệu và thuật toán, sau đó chọn ngôn ngữ (.NET, ASP, C, Java hay PHP) mà bạn say mê, rồi cân nhắc ngôn ngữ đó có mang lại cho bạn nhiều cơ hội việc làm thử thách hay không. Muốn trở thành chuyên gia bạn cần có lộ trình rõ ràng, cam kết theo đuổi đến cùng. Cần xác định rõ hướng chuyên sâu để có lợi thế cạnh tranh.
Một kinh nghiệm nữa, muốn phát triển trong nghề lập trình, không thể trông chờ nguyên vào một khóa đào tạo. “Cọ sát công việc thực tế và được hướng dẫn bởi những người có kinh nghiệm là điều kiện phát triển kỹ năng tốt nhất”. Thực tế có rất nhiều công ty sẵn sàng tiếp nhận sinh viên vào thực tập. Vấn đề là khi đã có cơ hội tham gia trong dự án, mình phải tận dụng để học hỏi và phải chủ động. “Đừng đợi người khác đến chỉ cho bạn, cần biết rõ cái cần hỏi và người có khả năng trả lời rồi bố trí thời gian trao đổi”, anh nói.
Sinh viên khi mới ra trường chưa có kinh nghiệm thường có mức lương chỉ 3-5 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, theo Hùng, đó là thời điểm mà các bạn nên tập trung vào nâng cao kỹ năng lập trình, kỹ năng mềm, làm việc nhóm, trau dồi ngoại ngữ. Trở thành lập trình viên, bạn có những mốc “thăng tiến” từ một “newbie” thành “junior”, “senior”. Nếu chứng minh được khả năng quản lý và dẫn dắt, bạn có thể thành team leader (trưởng nhóm), project management (quản lý dự án). Đương nhiên, mức lương của bạn sẽ thay đổi theo từng level.
Một quan điểm nữa là khi đã xác định rõ mục tiêu sự nghiệp của mình, yếu tố quan trọng cho thành công là lựa chọn môi trường làm việc phù hợp. Một công ty có tầm nhìn, có môi trường cọ sát và thăng tiên cao là điều kiện để lập trình viên phát triển.
Ông Tom Trần, Công ty Geekpolis, chia sẻ: “Khi đi phỏng vấn vào một công ty nào đó, bạn cần chủ động tìm hiểu thông tin trước. Người tìm việc ngoài việc được phỏng vấn cũng nên chủ động tương tác với nhà tuyển dụng. Thu thập nhiều thông tin để có đánh giá về tầm nhìn, thị trường, văn hóa công ty. Cân nhắc kỹ mức độ phù hợp, khả năng phát triển nghề nghiệp trước khi quyết định”. Cá nhân ông Tom Trần cũng đánh giá rất cao những ứng viên suy nghĩ và hành động như vậy.
Theo giaoduc.edu.vn