Ngay khi tốt nghiệp ra trường, các bạn sinh viên hăm hở bước vào cuộc sống mới, với hy vọng sớm tìm được công việc và ổn định cuộc sống. Thế nhưng cầm tấm “bằng đẹp” chưa hẳn là sẽ tìm được việc tốt.
Câu chuyện bằng “đẹp”
Nguyễn Thiên Hương tốt nghiệp với hai tấm bằng loại giỏi, một của đại học ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, một là bằng kinh tế của đại học Kinh tế Quốc dân. Nhưng ra trường từ năm 2008 đến nay, cô vẫn thất nghiệp. Trường hợp của Thiên Hương khiến nhiều người phải ngạc nhiên, họ nghĩ rằng với bằng cấp như vậy Thiên Hương đáng lẽ ra sẽ có công việc ổn định từ lâu. Nhưng không, 4 năm qua cô vẫn thất nghiệp. Hỏi lý do vì sao lại khó xin việc đến vậy, cô nói: “Có nhiều lý do mình không tiện nói ra”.
Tìm hiểu thêm từ những người bạn của Hương mới biết cô đã xin việc rất nhiều nơi nhưng đều không thành công. Hương tính nhút nhát, ngại nói về mình và cô chỉ biết học. Trong khi các bạn cùng trang lứa với cô nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội, tình nguyện thì cô chỉ cắm mặt vào sách vở. Bạn bè muốn rủ cô đi chơi hay hội họp thì không dễ chút nào, câu trả lời thường là bận học không đi được. Bốn năm ra trường vẫn phải sống dựa vào bố mẹ cũng khiến cô thất vọng và chán nản chính mình. Thiên Hương chia sẻ: “Mình đang đi ôn để thi cao học. Mình sẽ cố gắng hoàn thiện để được giữ ở lại trường làm giảng viên”.
Giống như Thiên Hương, Lê An Như cũng đang trong tình trạng thất nghiệp. Dù sở hữu tấm bằng giỏi chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của trường đại học Ngoại thương nhưng An Như vẫn chưa được công ty nào nhận vào làm. An Như tâm sự: “Đôi lúc em cũng thấy chán nản. Nhưng em nghĩ làm việc là việc cả đời, không thể nóng vội được. Làm cho công ty nào mình cảm thấy thoải mái, năng lực của mình được tôn trọng và tin tưởng, chế độ lương bổng phù hợp thì sẽ tốt hơn. Em cũng biết tình hình kinh tế bây giờ khó khăn, các công ty đều phải tiết kiệm ngân sách để thuê nhân công nên em cũng không đòi hỏi nhiều.”
Nguyễn Thị Hải Yến ngày nhận bằng tốt nghiệp.
Có trong tay tấm bằng giỏi, có trình độ ngoại ngữ nhưng vẫn khó xin việc, đó cũng là hoàn cảnh mà Nguyễn Thị Hải Yến gặp phải. Hải Yến tốt nghiệp bằng giỏi, chuyên ngành Ngữ văn, trường đại học Sư phạm Hà Nội nhưng không vì thế mà cô có được công việc như mong muốn. Đến giờ cô vẫn đang mong chờ những cuộc gọi phỏng vấn từ nhà tuyển dụng. Dù đã nộp hồ sơ đi nhiều nơi nhưng kết quả mà cô nhận được vẫn là cái lắc đầu.
Có tri thức, học tốt, bằng giỏi nhưng vì sao họ vẫn không xin được việc?
Trọng kinh nghiệm hơn trọng bằng cấp
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty tuyển dụng có khuynh hướng tiếp nhận những người có thể làm được việc ngay. Họ ngại biến công ty thành nơi thực tập của sinh viên mới ra trường hoặc không muốn bỏ ra phí đào tạo lại vì vậy họ luôn từ chối ngay cả với những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi của trường đại học danh tiếng.
Lê An Như cho biết thêm: “Các công ty đều yêu cầu cần phải có kinh nghiệm, khi có một vị trí trống, họ đều mong muốn tìm người có thể làm việc được ngay. Trong khi dù đã học đúng trường, đúng chuyên ngành của lĩnh vực ấy, chúng em cũng chỉ được trang bị toàn lý thuyết, chứ chưa tiếp xúc với chứng từ, chưa đi làm bao giờ.” Với tấm bằng giỏi, trình độ tiếng Anh tốt và tinh thần cầu thị nhưng các công ty tuyển dụng vẫn không chào đón cô chỉ vì cô là sinh viên mới ra trường.
Nguyễn Thị Hải Yến cũng như vậy, nhà tuyển dụng không chọn cô vì cô thiếu kinh nghiệm. Hải Yến chia sẻ: “Mình đã nộp hồ sơ vào 3 trường công lập, một trường dân lập nhưng đi phỏng vấn ở đâu họ cũng yêu cầu kinh nghiệm. Có nơi nhận mình nhưng là đi dạy tiểu học, không đúng với chuyên ngành của mình nên mình không nhận lời được. Nhiều lúc mình cũng đã nghĩ đến việc chuyển sang làm nghề khác nhưng bố mẹ không cho vì muốn mình làm giáo viên.”
Điều mà An Như và Hải Yến có được đó là những kiến thức chuyên ngành được biết qua những cuốn sách, những bài giảng. Họ giỏi lý thuyết nhưng điều đó hoàn toàn không đủ. Cái họ cần có thêm đó chính là sự cọ xát với thực tế công việc, là kinh nghiệm và vốn sống. Sẽ là tốt hơn nếu như khi còn là sinh viên An Như và Hải Yến chịu khó cộng tác với doanh nghiệp, cơ quan trong lĩnh vực ngành học của họ, vừa để rèn nghề vừa để làm dày thêm kinh nghiệm của mình. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những người năng động và biết việc.
Kỹ năng mềm thiếu và yếu
Bên cạnh việc thiếu kinh nghiệm làm việc thì không ít bạn trẻ đánh mất cơ hội lập nghiệp do thiếu kỹ năng mềm. Nhiều người không nhận thức đúng, đủ về vấn đề này. Hầu hết rất bị động, hiểu mơ hồ về kỹ năng mềm, vai trò của kỹ năng mềm đối với công việc của mình. Điều này khiến cho kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay còn yếu.
Đánh giá về kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay, thạc sĩ Trịnh Lê Anh – Phó khoa Du lịch học, giảng viên bộ môn kỹ năng mềm trường đại học Khoa học xã & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Theo tôi điều đầu tiên phải nói là thiếu. Khi tôi ra nước ngoài tiếp xúc và có dịp so sánh, tôi nhận thấy thanh niên Việt Nam rất hồn hậu và tự nhiên chủ nghĩa. Các bạn sinh viên ở trường đại học của chúng tôi và những trường đại học mà tôi được biết, còn non nớt và thiếu tự tin hơn rất nhiều so với những bạn bè cũng trang lứa ở Malaysia, ở Indonesia, Singapore, thậm chí ở Lào và Campuchia. Tôi nghĩ rằng cái tự nhiên chủ nghĩa đã khiến cho tâm thế của người thanh niên VN bị thấp đi”.
Thạc sĩ Trịnh Lê Anh: Kỹ năng mềm của sinh viên còn thiếu và yếu!
Hai năm trở lại đây, nhiều cơ sở đào tạo đã được mở ra với mục đích nâng cao kỹ năng mềm cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ đào tạo được một lượng nhỏ sinh viên mỗi năm. Chính vì vậy mà trong hàng ngàn sinh viên ra trường mỗi năm chỉ có số ít người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Không hiếm trường hợp sinh viên đạt kết quả học tập rất tốt nhưng khi phỏng vấn xin việc gặp nhiều khó khăn. Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, đặt vấn đề, kỹ năng team work, giao tiếp tiếng Anh… vẫn điểm yếu của các bạn. Mặc dù đây được coi là những kỹ năng tối cần thiết khi phỏng vấn xin việc.
Những trường hợp trên đã chỉ ra rằng, kiến thức thực tế và vốn sống cũng là hành trang quan trọng để sinh viên tự tin đi làm sau này.
Anh Trần Quang Đạo, giám đốc công ty Luật Asem nói: “Các bạn sinh viên khi đến phỏng vấn xin việc thường tự tin về kiến thức trong sách vở nhưng khi được yêu cầu làm công việc bổ trợ khác như là tư vấn hay giao tiếp với khách hàng thì lại rất kém. Thông thường chúng tôi phải chấp nhận đào tạo các bạn lại từ đầu. Sẽ khả quan hơn nếu các bạn biết rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho công việc và trước đó đã làm quen với các công ty thì đến bây giờ sẽ thích nghi nhanh hơn”.
Đúng là nếu như các bạn sớm tự định hướng cho mình những việc cần làm từ khi còn là sinh viên, rèn luyện kỹ năng phục vụ công việc sau này thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Mặt khác, nếu trước đây có ý thức làm dày thêm kinh nghiệm và vốn sống thì bây giờ các bạn sẽ đỡ lúng túng và có nhiều lựa chọn hơn.
Theo Vietnamnet.