Zalo – Ứng dụng gọi điện miễn phí

Zalo, ứng dụng kết hợp giữa nhắn tin di động miễn phí và mạng xã hội đang được các bạn trẻ yêu thích hiện đã đạt 2,3 triệu người sử dụng. Sắp tới Zalo sẽ cho phép người dùng gọi điện cho nhau miễn phí với chất lượng ổn định.

Zalo.JPGhttp://farm10.gox.vn/tinmoi/store/images/thumb/23052013/18/1329547/zalo_se_cho_phep_nguoi_dung_goi_dien_cho_nhau_mien_phi_0.jpg

Tại hội thảo Vietnam Mobile Day 2013 diễn ra ngày 18/5 ở TP.HCM, anh Đào Ngọc Thành – Giám đốc Zing Moblie, phụ trách Zalo đã chia sẻ với cộng đồng mobile về bài học xây dựng sản phẩm, chiến lược thị trường, cũng như các vấn đề liên quan đến hạ tầng, kỹ thuật.

Theo số liệu mới nhất, trung bình mỗi tháng Zalo có khoảng 500.000 thành viên mới, mỗi ngày có khoảng 800.000 người dùng đăng nhập và sử dụng, 380.000 người online tại cùng một thời điểm, 20 triệu tin nhắn được gửi đi từ Zalo… Có được những thành công ban đầu này không hề là chuyện giản đơn. Anh Thành ví Zalo như một em bé vậy – cũng được thai nghén, sinh ra, tập bò, tập đứng, tập đi, tập chạy và hẳn nhiên đã không ít lần bị vấp ngã.

Hình thành từ những điều chưa đủ

Zing chính thức thai nghén Zalo từ năm 2011. Theo chia sẻ của anh Thành, thị trường trong nước lúc đó đã có các kênh giao tiếp, kết nối người dùng của nước ngoài rất tốt như trang mạng xã hội Facebook, các công cụ chat Yahoo, Skype, đặc biệt là ứng dụng nhắn tin di động miễn phí trên nền Internet là Viber và WhatsApp…

Tuy nhiên, theo phân tích của đội ngũ kỹ sư phần mềm Zalo, Facebook không tập trung vào mobile, không hỗ trợ người dùng đăng ký thành viên bằng số điện thoại, không hỗ trợ trực tiếp các mối quan hệ trong danh bạ và quan trọng hơn là không tạo được một không gian riêng tư hơn những mạng xã hội truyền thống. Trong khi đó, Yahoo, Skype lại không hỗ trợ tính năng về mạng xã hội, không có đầu tư đột phá cho mobile. Viber và WhatsApp nở rộ tại Việt Nam nhưng ứng dụng này khá đơn điệu, chủ yếu tập trung vào các tiện ích thay thế cho nhắn tin giúp người dùng tiết kiệm chi phí khi giao tiếp, không có tính năng lưu trữ profile, không có mạng xã hội và không tạo ra được sân chơi giải trí vui nhộn, hấp dẫn mà giới trẻ mong đợi.

Từ trường suy nghĩ, nhìn nhận đó, Zalo đã ra đời với “sứ mệnh” là một mô hình nhắn tin kiểu mới, dựa trên số điện thoại và quan hệ trong danh bạ của người dùng làm nền tảng kết nối, cho phép người dùng nhắn tin cho nhau miễn phí, có thể chat, gửi hình ảnh, chơi game, kết bạn, tìm bạn, tạo cảm xúc, thể hiện phong cách, cá tính… Nói chung tầm nhìn của Zing là muốn xây dựng Zalo thành sản phẩm tất cả trong một đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao tiếp, kết nối, chia sẻ cho các mối quan hệ dựa trên danh bạ cho người Việt.

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

Sau 8 tháng bắt tay miệt mài xây dựng, ứng dụng Zalo chính thức chào sân vào tháng 8/2012. Anh Thành cho biết, “cậu bé” Zalo lúc ra đời được định vị hỗn hợp, được nuôi từ sự kết hợp của hai “chất dinh dưỡng” là mạng xã hội Zing và danh sách điện thoại, cho phép người dùng vừa nhắn tin cho người quen trên danh bạ điện thoại, vừa nhắn tin cho bạn bè trên Zing. Kết quả khảo sát sau đó hơi buồn, người dùng chủ yếu dùng Zalo để tìm bạn trai, bạn gái. Yếu tố hỗn hợp của Zalo cũng khiến người dùng vướng víu, không thích dùng. Công nghệ của Zalo lúc đó lại dựa trên nền tảng web nên tốc độ gửi/nhận tin nhắn chậm, ứng dụng cũng “uống” pin điện thoại khá nhanh. Giai đoạn này mỗi ngày có vài nghìn người sử dụng, thời điểm “huy hoàng” có khi lên đến 100.000 người dùng/ngày nhưng trung bình 1 người chỉ gửi 1 tin nhắn/ngày.

Trước tình thế đó, đội ngũ làm Zalo đã nhanh chóng định vị lại sản phẩm. Tách tính năng chat của Zing ra khỏi Zalo, tập trung vào ngữ cảnh và thiên về người dùng mobile nhiều hơn. Về phần kỹ thuật, Zalo được dời đến “khu độ thị” mới, thay đổi hoàn toàn máy chủ chat liên thông với Zing trước đây. Sau 3 tháng thay đổi nội dung, kỹ thuật, công nghệ, Zalo từ một “cậu bé” đang bò thành chập chững biết đi. Cuối tháng 11/2012, Zalo đã được đưa vào hỗ trợ trên cả 3 nền tảng (Android, iOS, Nokia), bên cạnh đó tăng cường khả năng kết nối, đoàn kết cộng đồng người sử dụng. Ở lần nâng cấp phiên bản mới này, tốc độ đã được cải thiện, các tiện ích trên Zalo như hỗ trợ giao tiếp đơn, giao tiếp nhóm thông qua chức năng tạo phòng chat, bảo đảm sự riêng tư, những ứng dụng dành cho các đối tượng độc thân, những đôi đang hẹn hò… dần dần bộc lộ và phát huy sự hữu dụng của mình.

Với tinh thần cầu thị, nâng cấp đến đâu nhận phản hồi của người dùng đến đó. Vì thế, các vấn đề như spam, phạm vi kết nối bạn bè hẹp, không tải được nhiều ảnh lên cùng một lúc… mà người dùng từng phản ảnh hiện Zalo đã hoàn toàn giải quyết được. “Cậu bé” Zalo bây giờ đã biết đi, hiện tại hạ tầng của Zalo được phục vụ bởi 39 máy chủ, điều đó có nghĩa rằng Zalo sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh kết nối và mời gọi bạn bè khắp nơi, càng nhiều càng tốt. Quý 1/2013, ứng dụng Zalo chính thức được hỗ trợ tại 18 quốc gia để cộng đồng người Việt đang sinh sống ở những nơi này sử dụng. Zalo được phân phối chủ yếu qua các kho ứng dụng App Store (iTunes, Google Play, Nokia Store…).

Anh Thành hé lộ, vài ngày nữa Zalo sẽ cho phép người dùng gọi điện cho nhau miễn phí với chất lượng ổn định, khả năng lọc âm. Và trong thời gian tới, ngoài làm tốt các chức năng chủ đạo của nhắn tin và giao tiếp xã hội, Zalo hướng đến các tiện ích khác thuộc về hạ tầng như ra mắt Zalo Page, tích hợp đánh dấu lịch công việc, hay cung cấp nền tảng game để cộng đồng mobile cùng tham gia phát triển. Đây đúng là những tin vui cho người dùng Zalo và cộng đồng lập trình trên di động.

Theo news.go.vn