Phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao liên bang (Mỹ) cho rằng YouTube được hưởng quyền miễn trừ về bản quyền theo luật DMCA và không phải đền bù 1 tỷ USD theo yêu cầu của Viacom.
Đây được coi là chiến thắng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của mạng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới do Google sở hữu. Theo phán quyết cuối cùng của tòa án liên bang, YouTube được bảo vệ và miễn trừ các trách nhiệm liên quan đến việc bảo vệ bản quyền nội dung, thông tin số theo luật DMCA (Digital Millenium Copyright Act) của nước Mỹ bởi các nội dung (các đoạn video) được tải lên trang này từ người dùng toàn cầu.
Theo luật DMCA, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số trên Internet không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì cho nội dung mà người dùng tạo nên với điều kiện nhà cung cấp dịch vụ không hề biết là có nội dung vi phạm trên website của họ và phải lập tức xóa bỏ những nội dung vi phạm này khi được bên có bản quyền thông báo.
Trở lại với vụ kiện được giới công nghệ và kinh doanh nội dung số thế giới gọi bằng cái tên “vụ kiện tỷ đô”. Vụ kiện thu hút sự chú ý của giới công nghệ và truyền thông không chỉ bởi nó là hình mẫu của sự xung đột giữa các “đại gia” mà còn có thể trở thành một án lệ ảnh hưởng rất nhiều đến những vụ kiện khác giữa truyền thông đại chúng truyền thống và truyền thông xã hội (trực tuyến) thời đại Internet.
Ngày 13/3/2007, Viacom – chủ sở hữu kênh truyền hình âm nhạc nổi tiếng thế giới MTV đệ đơn lên tòa án, khởi kiện YouTube và công ty sở hữu YouTube là Google với cáo buộc các công ty này đã “vi phạm bản quyền một cách có chủ đích”. Theo đơn kiện, Google và Youtube đã cho phép người dùng tự do tải lên mạng và chia sẻ với những người dùng khác những đoạn video thuộc bản quyền sở hữu của Viacom. Ông chủ của kênh truyền hình MTV còn gây sốc khi yêu cầu Google phải đền bù thiệt hại cho họ một khoản tiền trị giá … 1 tỷ USD.
Không lâu sau đơn kiện của Viacom, tháng 5/2007, Giải bóng đá ngoại hạng Anh cũng đã đệ đơn kiện YouTube với những cáo buộc tương tự đối với các đoạn video quay các trận đấu thuộc khuôn khổ giải bóng đá vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh này.
Theo thông tin từ phía tòa án liên bang, phán quyết ra ngày 23/6/2010 cũng có giá trị đối với đơn kiện của ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh. “YouTube là một dịch vụ web hoạt động theo cơ chế mở và cho phép người dùng tự do đăng tải những nội dung khác nhau. Đúng là trên YouTube có chứa những đoạn video vi phạm bản quyền của Viacom nhưng ban biên tập của YouTube không thể kiểm soát hết được việc này do lượng nội dung đưa lên là quá lớn. Thêm vào đó, khi nhận được thông báo của các bên giữ bản quyền, YouTube đã nhanh chóng xóa bỏ các nội dung đó. Như vậy là quá rõ ràng và YouTube được bảo vệ bởi đạo luật DMCA”, ông Louis Stanton – Thẩm phán của tòa án tối cao liên bang tuyên bố.
Trong tuyên bố của mình sau khi tòa án ra phán quyết cuối cùng, Viacom cho biết họ không thỏa mãn với quyết định này và sẽ nhanh chóng gửi đơn lên tòa án khiếu nại.
Theo ICTnews