Website Unveillance đã công bố video clip theo dõi trong thời gian thực các mạng “máy tính ma” được thành lập từ những loại mã độc hoành hành trên toàn cầu trong một phút.
Mạng “máy tính ma” (botnet) là vũ khí đe dọa mọi cơ sở hạ tầng mạng – Ảnh minh họa: Internet |
Qua đó, ta có thể thấy rõ sự nguy hiểm từ “nguy cơ bảo mật” hàng đầu hiện nay. Đoạn video clip theo dõi hoạt động của một số mạng botnet trên toàn cầu trong khoảng thời gian 9h-9h01 ngày 11/6.
Các máy tính tại Việt Nam cũng nằm trong bản đồ mạng botnet, đặc biệt là ba khu vực Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Theo nội dung từ video clip, các máy tính tại Việt Nam chủ yếu bị lây nhiễm mã độc Cutwail, Ramnit và Palevo. Hiện ba loại mã độc này đều đã được các trình chống virut đưa vào cơ sở dữ liệu, người dùng cần cập nhật và quét hệ thống của mình.
Botnet hay còn gọi mạng “máy tính ma”, là khái niệm chỉ một mạng lưới có quy mô từ vài chục ngàn đến vài triệu máy tính bị nhiễm mã độc (“máy tính ma” – zombie) và chịu sự kiểm soát hệ thống từ xa bởi chủ nhân botnet.
Hacker rải mã độc qua nhiều phương thức để tìm kiếm con mồi từ nhiều kênh như mạng xã hội, email rác, liên kết web giả mạo, lừa đảo trực tuyến… Máy tính nạn nhân bị lây nhiễm sẽ chịu sự điều khiển từ xa của hacker mà chủ nhân của nó không hề hay biết. Mỗi khi kết nối vào Internet, máy tính nạn nhân sẽ tham gia đội quân botnet thực hiện các chỉ thị từ chủ nhân.
Mạng botnet là vũ khí nguy hại nhất trong cuộc chiến không gian mạng hiện nay, có thể đe dọa bất kỳ hạ tầng hệ thống mạng nào tùy thuộc vào số lượng “máy tính ma” mà nó sở hữu. Tội phạm mạng có thể dùng botnet theo nhiều phương cách như tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), một phương thức thường gặp để hạ gục các website hoặc thu lợi nhuận khổng lồ bằng cách rải thảm thư rác (spam) hay quảng cáo. Số tiền bất chính thu về có thể lên đến nhiều triệu USD.
Nếu không muốn máy tính của mình trở thành một chấm điểm trên bản đồ mạng botnet, hãy học cách cảnh giác trước mọi email đáng nghi, các liên kết dẫn đến những website lạ, không tải bất kỳ tập tin không rõ nguồn gốc được chia sẻ trên các diễn đàn hay mạng xã hội, luôn chạy chương trình anti-virus kèm firewall (tường lửa) thường trực và cập nhật bản vá mới nhất cho hệ điều hành cũng như các phần mềm cài đặt, đặc biệt là Flash và Java.
Theo TTO