Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng lối thoát cho các nhà mạng là phải hợp tác với các doanh nghiệp OTT.
Đây là giải pháp cùng chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu nhằm tránh thất thoát và tối ưu hóa lợi nhuận.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, mơ ước của các nhà mạng là đạt được sự sáng tạo như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet (OTT).
Đây là một trong những điểm quan trọng tại cách nhìn nhận về sự dịch chuyển của viễn thông được lãnh đạo Viettel chia sẻ tại Vietnam Telecomp 2013.
Ông Hùng cho rằng, việc Viettel hiện có hơn 30.000 nhân viên trong và ngoài nước là một mối lo lớn. Và, thường thì sự sáng tạo của công ty nhỏ bao giờ cũng tốt hơn sự sáng tạo của công ty lớn. Các công ty lớn sức sáng tạo không bao giờ và mãi mãi không bao giờ bằng một công ty nhỏ.
Theo nhìn nhận của ông Hùng, các công ty viễn thông bắt buộc phải học một bài học là hợp tác làm ăn với hàng nghìn “ông nhỏ” như OTT để chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu với họ. Và, đây cũng chính là lối thoát cho các nhà mạng.
“Mơ ước của các nhà mạng là đạt được sự sáng tạo được như các doanh nghiệp OTT,” ông Hùng nhấn mạnh.
Trên thực tế, các ứng dụng OTT đang nổi lên như một “thế lực” đe dọa doanh thu của nhà mạng và lần lượt các mạng đều than “thất thu” tới cả ngàn tỷ đồng/năm.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chủ động nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình hợp tác với các OTT như đề xuất gói cước, đảm bảo quyền lợi của các bên.
Cũng trong chia sẻ của mình, ông Hùng cho biết thời gian tới sẽ chứng kiến sự trở lại của mạng cố định, nhưng là cố định băng rộng: “Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới mà nghề chính là di động thì bây giờ tuyên bố nghề chính sẽ chuyển sang cố định băng rộng.”
Lý do phía Viettel đưa ra là chỉ có cố định băng rộng mới giải được câu chuyện băng thông cố định. Thực tế, ở những nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng của mạng cố định băng rộng là 40%/năm.
“Bên cạnh đó, mạng cố định chính là nền tảng cho mạng di động băng rộng. Đối với quốc gia, đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm dể nhận thức đúng về mạng cố định băng rộng. Nó chính là cơ sở hạ tầng tương lai để cho một quốc gia, cho cả mạng di động và cho cả các ứng dụng băng rộng,” ông Hùng chốt lại.
Dương Linh
Theo TTXVN