Việt Nam còn dè dặt với công nghệ chuyên ngành

Tốc độ ứng dụng công nghệ cá nhân, đặc biệt là các thiết bị di động tại Việt Nam đang nhanh hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu xét đến các ứng dụng chuyên ngành như ảo hóa, Chính phủ điện tử… thì Việt Nam vẫn đang ở khúc sau.

Đó là chia sẻ của ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Kỹ thuật và Công nghệ Cisco Việt Nam bên lề Hội thảo “Cisco Innovate 2012” diễn ra hôm 03/04 tại Hà Nội. Theo ông Sơn, Việt Nam là một thị trường đặc thù với sự phân tán rất cao, trong đó Tài chính – Ngân hàng luôn là lĩnh vực dẫn đầu về ứng dụng công nghệ. Đây là một thực tế tốt, bởi việc tích hợp công nghệ sâu sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh (M.Nguyệt)

Thời gian trước, các ngân hàng luôn chạy đua nhau mở chi nhánh mới. Trong khi đó, chi phí để mở chi nhánh như vậy, theo ông Sơn, không hề nhỏ: tiền thuê mặt bằng, tuyển nhân sự mới, trang thiết bị, đầu tư công nghệ…. đều đáng kể. Còn tại châu Âu, có những ngân hàng sở hữu hàng nghìn chi nhánh nhưng mỗi chi nhánh chỉ có đúng 4 nhân viên. “Họ sử dụng công nghệ rất mạnh làm nền và kết hợp rất nhiều dịch vụ từ xa, bao gồm cả tư vấn tài chính… vì thế mà chi phí vận hành rất thấp”, ông Sơn chia sẻ.

Xét riêng trong lĩnh vực điện toán đám mây, một lĩnh vực đang “rất nóng” trên thế giới thì Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chuyển từ những dịch vụ đơn giản sang các hình thức toàn vẹn, chuyên sâu hơn. “Công nghệ đã sẵn sàng, nhưng nhiều CIO (lãnh đạo CNTT) vẫn dè dặt, chờ người khác thử trước”, ông Sơn phân tích.

BYOD – Kỷ nguyên “hậu PC”

Một xu hướng mới nổi lên cũng được đề cập nhiều tại Hội thảo Cisco Innovate năm nay là “Bring Your Own Devices” – Cho phép nhân viên sử dụng thiết bị riêng của chính họ. Theo bà Manuela Mercandelli, Giám đốc về Giải pháp và đối tác về Mạng không biên giới, Cisco Khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì có thể định nghĩa về BYOD như một phần của “Kỷ nguyên hậu PC”, khi mà dữ liệu ngày càng bùng nổ và yêu cầu về hợp tác trực tuyến ngày càng lớn. “Quyền lựa chọn lúc này sẽ không còn thuộc về doanh nghiệp mà chính các nhân viên sẽ tự lựa chọn sử dụng thiết bị nào, cài ứng dụng nào”, bà Mercandelli phân tích. “Đó là sự thay đổi về quyền lực, từ doanh nghiệp sang tay người dùng”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Sơn cho rằng trước đây, các nhân viên kỹ thuật sẽ quản lý, kiểm soát toàn bộ các thiết bị, PC mà nhân viên sử dụng tại chỗ làm. Nhưng với xu hướng BYOD, họ sẽ phải phục vụ nhu cầu của người dùng và đảm bảo rằng những nhu cầu của cá nhân không gây xáo trộn đến hệ thống chung.

Theo ông Sơn, BYOD giải quyết được cùng lúc hai bài toán: trong khi người dùng được sử dụng thiết bị của chính họ và cảm thấy thân thuộc, thoải mái hơn, dẫn tới hiệu suất làm việc cao hơn thì doanh nghiệp lại không phải đầu tư quá nhiều tiền cho thiết bị đầu cuối. Lấy thí dụ, các số liệu từ Gartner cho hay, mỗi năm doanh nghiệp phải chi phí 2-3 tỷ USD cho PC và 1 tỷ USD cho các thiết bị mới nổi như tablet, smartphone. Với BYOD, họ sẽ tiết kiệm được phần lớn khoản chi phí đó. Về phần nhân viên, từ kinh nghiệm thực tế của Cisco cho thấy với BYOD, mỗi tuần người dùng sẽ có thêm được từ 10-17 tiếng “rảnh rỗi” do hiệu suất làm việc tăng cao.

“Đây sẽ một xu hướng hội tụ mới: không gian làm việc của doanh nghiệp hội tụ với không gian cá nhân”, ông Sơn kết luận.

Theo Vietnamnet.