Vạch đường lên “mây”

 

Điện toán đám mây có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để khai thác những lợi ích đó?

Tại hội nghị cấp cao các nhà phân tích và báo giới châu Á – Thái Bình Dương (APAC Press & Analyst Summit) do hãng NetEvents tổ chức trong hai ngày 6 và 7/4/2011 ở Malaysia, nhiều chuyên gia CNTT đã cùng nhau tìm câu trả lời cho tương lai của điện toán đám mây đối với doanh nghiệp.

Chương 0 của điện toán đám mây


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Theo ông John McHugh, Giám đốc Marketing của Brocade (một công ty về quản lý và lưu trữ thông tin, có trụ sở tại Mỹ), trong 20 năm tới, điện toán đám mây sẽ thay đổi chẳng kém gì ngành công nghiệp CNTT trong 20 năm qua. “20 năm trước, ai có thể tưởng được rằng phần lớn việc sản xuất đồ công nghệ lại được chuyển cho những nhà máy lớn ở Trung Quốc, thuộc những công ty như Flextronics, Selectronics hay Foxconn?”, ông McHugh nói.

Ông Tim Dillon, Phó chủ tịch hãng nghiên cứu IDC cho biết, theo dự báo của hãng, vào năm 2014, có đến 80% phần mềm sẽ được cung cấp từ các đám mây. Tổng thị trường của các dịch vụ đám mây sẽ có giá trị hơn 55 tỉ USD, nhiều gấp 3 lần mức ước tính 16,5 tỉ USD của IDC cho năm 2009.

Điện toán đám mây rõ ràng mang lại những lợi ích cho các doanh nghiệp, như có thể nhanh chóng triển khai các dịch vụ mới, dùng đến đâu trả tiền đến đó (không phải tốn tiền cho những phần cơ sở hạ tầng mua mà không dùng tới), cắt giảm nhân sự CNTT… Tuy nhiên, theo ông Steve Dietch, Phó chủ tịch bộ phận Hạ tầng đám mây của HP, các đám mây còn chưa có được một số khả năng của mô hình điện toán truyền thống mà các doanh nghiệp cần tới, đó là sự an toàn, khả năng sẵn sàng cao và dễ dàng tích hợp.

Vì thế, ông Steve Dietch nhận định: “Nói cho công bằng, chúng ta đang ở “chương 0” của câu chuyện đám mây. Chúng ta thậm chí không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta còn chưa bước sang chương 1. Ai cũng nói về mây, nhưng chưa ai sẵn sàng lên mây hoàn toàn”. Còn rất nhiều câu hỏi chung quanh vấn đề này: “Hiệu suất của các đám mây sẽ ra sao? Cam kết về mức độ dịch vụ (Service Level Agreements) như thế nào? Dữ liệu có thể truy cập được không? Làm sao có thể quản lý tất cả những thứ đó…”.

Hợp nhất những “mảnh” mây

Tuy nhiên, ông Steve cho rằng điện toán đám mây không phải là một thứ mốt nhất thời, mà là một nhu cầu sát sườn. Theo ông, người dùng chín chắn sẽ đi những bước cẩn trọng, bắt đầu từ việc chuẩn hóa, đến hợp nhất, xem xét các ứng dụng, ảo hóa, chuyển từ từ sang đám mây riêng, rồi chuyển hoàn toàn sang mô hình “mây lai” giữa mây riêng và mây công cộng, tận dụng được thế mạnh của cả 2 loại hình này.

Bạn đọc có thể truy cập blog http://neteventstv.blogspot.com/ để tham khảo một số ý kiến (tiếng Anh) về điện toán đám mây phát biểu tại sự kiện NetEvents APAC Press & Analyst Summit 2011.

Cũng theo ông Steve Dietch, nếu nhìn vào thị trường thì thấy có đến hàng nghìn nhà “bán lẻ đám mây”, nhưng mỗi trong số họ chỉ cung cấp một “mẩu” của giải pháp, thiếu đồng bộ. Cuối cùng thì các đám mây cũng trở nên phân tán ngổn ngang, chẳng kém sự ngổn ngang của hạ tầng máy móc hay các hệ thống ảo hóa mà doanh nghiệp chưa thể dứt bỏ. Đó là lúc doanh nghiệp cần đến một giải pháp thống nhất, đơn giản, giúp có thể quản lý dễ dàng tất cả các dịch vụ từ đám mây riêng đến đám mây công cộng cũng như CNTT truyền thống.

Ông Steve Dietch cho biết giải pháp Hybrid Delivery của HP có thể làm được việc này. Trong giao diện của nó, có thể dễ dàng nhìn thấy và điều khiển từ các máy chủ lớn đến dịch vụ đám mây riêng như Cloud Microsoft Exchange hay dịch vụ đám mây công cộng của Salesforce.com, hay bất cứ dịch vụ mây nào khác của EMC, Cisco, Brocade… Do vậy, giải pháp này giúp các doanh nghiệp lớn cũng như các chính phủ tận dụng được khả năng của các đám mây trong khi vẫn đảm bảo an toàn thông tin, hiệu suất và độ sẵn sàng.

Về lộ trình “lên mây”, theo ông McHugh của công ty Brocade, sẽ bắt đầu từ ảo hóa máy chủ, đến việc phân bổ tài nguyên ảo hóa, sau đó đến đám mây riêng, rồi đám mây lai, và cuối cùng là tất cả trên mây. “Trong điều kiện lý tưởng, bạn có thể chọn mua và triển khai các ứng dụng bạn muốn có vào lúc bạn cần, rồi đóng nó lại. Tất cả trong một ngày, rất hiệu quả”. Hiện tại Brocade cũng cung cấp một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện ảo hóa và di chuyển lên mây, như giải pháp chuyển mạch cho mạng SAN, giải pháp Brocade One.

Tuy nhiên, ông McHugh không đưa ra lời khuyên về một lộ trình lên mây cụ thể: “Tôi nghĩ rằng không có một khung thời gian nhất định về những gì sắp xảy đến. Vấn đề sẽ rất khác nhau đối với mỗi khách hàng, tùy thuộc vào kiểu ứng dụng họ chạy, tầm quan trọng của công việc, tính an toàn với thông tin mà họ muốn kiểm soát…”. Ông McHugh cho biết thường khuyên các CIO và các nhà cung cấp CNTT hãy nhìn vào tài nguyên trong trung tâm dữ liệu (vốn được coi là có chi phí cao nhất), và cân nhắc mỗi trong số chúng trên cơ sở ứng dụng. “Đừng triển khai cái gì nếu không thấy nó mang lại một giá trị rõ rệt nào cho doanh nghiệp”, ông nói.

 
(Theo PC World VN)