Thông tin về dịch sởi đang thu hút sự chú ý, quan tâm của cả cộng đồng. Những chia sẻ, kinh nghiệm và cảm xúc của nhiều bậc cha mẹ lo lắng cho con em mình trước dịch bệnh được lan truyền từng giờ trên các trang mạng xã hội.
Dịch sởi với nhiều biến chứng nguy hiểm
Nhiều năm qua, sởi vẫn được coi là chứng bệnh truyền nhiễm lành tính nhưng hiện giờ trước thông tin đã có 25 trẻ nhỏ qua đời trong vòng hai tháng rưỡi qua ở Viện Nhi Trung ương (theo thông tin Tuổi Trẻ, VnExpress và nhiều báo khác), các bậc phụ huynh đã thực sự bị đặt vào tình trạng báo động. Đối với nhiều ông bố bà mẹ, việc bảo vệ con mình khỏi bệnh sởi đang được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Một thành viên cộng đồng Facebook chia sẻ: “Thấy thương bọn trẻ quá. Cẩn thận cho các cháu nhé. Bây giờ đi học sợ lây bạn, đến bệnh viện thì lây từ bệnh viện, khổ thật”.
Tâm lý hoạng mang lo lắng đang lan truyền giữa các bậc phụ huynh khi dịch sởi bùng phát mạnh đầu năm 2014.
Ưu tiên hàng đầu của các bà mẹ lúc nào là tìm hiểu, chia sẻ cho nhau cách phòng chống bệnh sởi.
Hơn thế, những chia sẻ của những người trong cuộc nghe còn đáng sợ hơn nữa. Một bậc phụ huynh kể: “Cháu mình đây là trường hợp thứ 2, đau xót lắm các mẹ ạ. Lúc đưa con về, trong phòng còn mấy cháu nằm đấy, người nhà đang chờ đón về, còn phòng cấp cứu thì đông nghịt”.
Hay như một phụ huynh khác chịu chung cảnh viết: “Con mình nhập viện trong đợt cao điểm của sởi ở Viện Nhi và bé cũng không qua được, con số 25 kia chỉ là 1 ngày thôi ấy chứ”.
Thậm chí, còn có chia sẻ đến từ một nick là người nhà bác sĩ như sau: “Bố mình làm ở Viện Nhi bảo chưa năm nào trẻ con chết vì dịch nhiều như năm nay, bệnh viện quá tải, con số lên báo là đã giảm đi rất nhiều rồi”.
Những thông tin khủng khiếp ấy đang khiến cộng đồng lo sợ, nhưng ngay lúc này cũng chưa hề có công bố dịch từ Bộ Y tế.
Vậy thì các bà mẹ phải làm thế nào? Muốn bảo vệ con mình lúc này, dường như chỉ còn cách không cho đi học, bắt ở nhà để cách ly.
Hiện nay, cũng có nhiều người chia sẻ cách phòng tránh bệnh sởi theo bài thuốc dân gian là tắm lá mùi già (hoặc hạt mùi), dầu tràm… Nick L.T.P: “Phòng tránh bệnh sởi bằng cách thường xuyên đun lá mùi già tắm bé đi, kể cả khi bé bị rồi vẫn tắm cho bé để kích thích mọc nhanh và mau lặn các mẹ nhé”.
Một người khác thì khuyên: “Ai có con mắc bệnh sởi thì cũng nên thử phương pháp dân gian sau: Lấy trứng gà luộc với lửa nhỏ, sau đó bóc vỏ lăn đều trên lưng, trán, ngực.”
Hay cũng có một phương pháp dân gian khác được chia sẻ như sau: “Sởi đã mọc được hai, ba ngày mà các cháu ho nhiều, có khi ho khan cả tiếng thì nên lấy 10 lá diếp cá hoặc 20 lá cúc mốc, rửa sạch bằng nước muối, giã nhừ, vắt lấy nước cho uống từng thìa nhỏ”.
Mặc dù vậy, để cho an toàn nhất, nhiều bà mẹ vẫn cương quyết cách ly con khỏi cộng đồng bằng cách cho con nghỉ học.
Đã tiêm phòng hoặc từng bị sởi vẫn có thể… “tái nhiễm”
Một người đã được tiêm phòng sởi đầy đủ vẫn có thể nhiễm sởi và lây bệnh sởi cho người khác. Nghiên cứu giật mình này mâu thuẫn với những gì mọi người thường nghĩ, và dấy lên nguy cơ bùng phát dịch sởi tại những nước phát triển, giữa những người đã tiêm phòng vaccine.
Đối với vaccine phòng sởi, tiêm hai lần sẽ tốt hơn chỉ tiêm một lần. Hầu hết mọi người tại Mỹ đều tiêm phòng virus gây bệnh sởi ngay sau khi được 1 tuổi, và tiêm bổ sung lần nữa khi chập chững biết đi. Chưa đến 1% số người tiêm hai mũi phòng sởi mắc sởi. Thậm chí nếu một người đã tiêm phòng đầy đủ bị mắc sởi – đây là trường hợp hiếm hoi khi vaccine không có tác dụng – họ cũng không bị cho là mắc bệnh lây nhiễm.
Đó là lý do tại sao một nhân viên nhà hát 22 tuổi tại New York đã tiêm phòng sởi đầy đủ và bị mắc sởi vào năm 2011 song vẫn không phải nhập viện hay bị kiểm dịch. Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của tổ chức Phòng bệnh lây nhiễm, cô đã lây nhiễm bệnh sởi cho 4 người khác. Điều ngạc nhiên là hai trong số các bệnh nhân này đã được tiêm phòng đầy đủ. Và mặc dù hai người còn lại vẫn chưa hề tiêm vaccine phòng bệnh, họ đều có những dấu hiệu đã từng phơi nhiễm bệnh sởi trước kia. Nhẽ ra những trường hợp này có thể miễn dịch, song họ vẫn mắc sởi.
Nghiên cứu kỹ hơn các mẫu máu trong quá trình điều trị của nhân viên nhà hát kia đã cho thấy cơ chế miễn dịch bệnh sởi bị phá vỡ như thế nào. Khi ban đầu chống lại virus sởi và các loại vi khuẩn khác, cơ thể dựa vào sự chống chọi tự nhiên của các kháng thể IgM. Giống như chiếc lá chắn, chúng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm hại của vi khuẩn, nhưng không phải là bất khả xâm phạm. Vaccine (hoặc trường hợp đã từng mắc bệnh sởi) sẽ thúc giục cơ thể giúp sức cho loạt lá chắn này bằng những kháng thể IgG mạnh hơn, một số có thể trung hoà virus sởi, vì thế chúng không thể xâm hại các tế bào hoặc lây lan sang các bệnh nhân khác. Cơ chế miễn dịch này đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay.
Nhưng qua phân tích mẫu máu của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu phát hiện ra virus sởi đã chống lại các kháng thể IgM, như thể bệnh nhân chưa từng tiêm vaccine. Máu của cô cũng chứa cả một kho kháng thể IgG, nhưng nghiên cứu kỹ hơn cho thấy không một kháng thể IgG nào thực sự có khả năng trung hoà virus sởi. Dường như chế độ miễn dịch mà vaccine mang lại cho cơ thể đã bị yếu đi.
Chế độ miễn dịch lâu bền sau khi tiêm phòng hoặc đã từng mắc bệnh là không rõ ràng.
Mặc dù các quan chức y tế cộng đồng giả thuyết rằng cơ chế miễn dịch sởi tồn tại mãi mãi, song ca bệnh trên cho thấy, thực tế “chế độ miễn dịch lâu bền sau khi tiêm phòng hoặc đã từng mắc bệnh là không rõ ràng“, Jennifer Rosen, người dẫn đầu cuộc điều tra và là giám đốc trung tâm dịch tễ học của thành phố New York, cho biết. Khả năng miễn dịch bị yếu đi đặc biệt đáng lo ngại khi virus sởi đang xuất hiện tại các thành phố lớn của Mỹ như Boston, Seattle, New York, và Los Angeles.
Rosen không tin rằng tình trạng này dẫn đến sự thay đổi trong chương trình tiêm chủng – chẳng hạn, mọi người nên tiếp tục tiêm phòng bổ sung – song bà nói cần có sự giám sát thường xuyên hơn để đánh giá sức mạnh của hệ miễn dịch virus sởi.
Nếu những người đã tiêm phòng mất khả năng miễn dịch khi họ già đi, họ có thể mắc bệnh bởi những người chưa tiêm phòng. Ngay cả khi tỷ lệ vaccine thất bại chỉ là 3%-5% cũng có thể khiến một trường trung học với vài ngàn học sinh bị bùng phát bệnh.
Dương Linh
Theo ICTNews/ VnReview