Thị trường thiết bị 3G: Vàng thau lẫn lộn

 

9.jpg

Từ khi nhà mạng triển khai 3G, sự phát triển ào ạt của thiết bị truy cập Internet trên nền 3G đã mang đến sự đa dạng cho thị trường nhưng chủng lại thì vàng lau lẫn lộn.

Hoa mắt vì chủng loại USB 3G

Thời gian đầu cung cấp dịch vụ, các nhà mạng đều cung cấp USB 3G nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc kết nối Internet thông qua laptop. Với giá bán kèm ưu đãi cước phí data, các USB 3G được các nhà mạng tung ra thị trường với mức giá bình dân tưởng như không còn có thể rẻ hơn nữa. Cụ thể, chỉ với trên dưới 1 triệu đồng, khách hàng dễ dàng chọn lựa với 2 chuẩn loại USB tốc độ 3.6Mbps và 7.2Mbps của các mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel hay EVN Telecom kèm hàng loạt ưu đãi về cước.

Tuy nhiên, do được khuyến mãi thêm giá trị sử dụng cho khách hàng nên các USB 3G được các nhà mạng khoá mạng, tức là chỉ dùng được 1 mạng duy nhất. Thời buổi sơ khai 3G, hầu hết nhiều mạng vùng phủ sóng rất hạn chế, trong khi nhu cầu của khách hàng lúc bấy giờ khá cao và cơ động nên việc chọn thêm một mạng là điều không tránh khỏi. Từ đó, việc mở khoá thiết bị USB 3G được các diễn đàn thi nhau chia sẻ nhằm có thể biến USB 3G của một mạng thành của nhiều mạng.

Nắm bắt từ nhu cầu này, thị trường USB 3G được thổi thêm làn gió mới với những USB 3G sử dụng đa mạng từ một nhà cung cấp khác khác. Và cũng vì yếu tố này, hầu hết các USB 3G ngoài luồng có chất lượng và xuất phát từ thương hiệu lớn đều có giá khá mắc. Cụ thể, nếu như USB 3G xuất từ Trung Quốc dùng chung cho nhiều mạng chỉ với giá tầm 600.000 đồng thì USB đến từ thương hiệu BigPond loại MF633BP lại có giá đến gần 1.200.000 đồng.

Với USB 3G Unicom MF637U tốc độ 7.2 Mbps/5.76 Mbps có giá cao hơn đến 1.450.000 đồng. Quy tụ nhiều tính năng hơn, những USB 3G còn kèm theo cả tính năng phát sóng WiFi như USB 3G Vodafone E172 Router với giá 1.300,000 đồng, hay như Router 3G CNET 935M với giá 1.600.000 đồng. Với tốc độ cao hơn, 3G-WiFi E5 Hotspots đến từ Anh Quốc lại có giá 3.000.000 đồng…

Với sự phát triển của thị trường kèm theo nhu cầu đa dạng của khách hàng, các USB 3G liên mạng đã phần nào có được chỗ đứng do mang lại nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng cuối. Nhà mạng từ chỗ kinh doanh SIM số đi kèm USB 3G nay cũng đã cởi mở hơn trong khi cung cấp SIM kích hoạt chế độ 3G riêng để cho khách hàng có thể mua về sử dụng với những USB 3G do các hãng viễn thông cung cấp, điển hình như Viettel và VinaPhone.

Đa dạng các thiết bị di động hỗ trợ 3G

Nếu như thị trường USB 3G trăm hoa đua nở thì thị trường thiết bị di động 3G cũng đa dạng không kém. Hàng loạt thiết bị hỗ trợ 3G ra mắt đã cho thấy sự phù hợp với xu thế này. Từ các thương hiệu lớn như Samsung Galaxy Tab, HTC HD7, Dell Streak đến cả những thương hiệu lâu đời như iPhone, Nokia, Motorola, LG…đều có thiết bị truy cập 3G cho người dùng. Một điều đáng bàn đó chính là tốc độ truy cập.

Nhiều thiết bị đầu cuối được nhiều hãng hỗ trợ 3G nhưng chỉ ở mức thấp của 3G tức là 384kbps, trong khi nhiều thiết bị hỗ trợ 3G cao hơn đến 10,2Mbps, hơn cả tốc độ cao nhất là USB 3G có được. Tuy nhiên, với loại hình sử dụng dịch vụ khác nhau nên tốc độ thường đi kèm với giá cước. Nếu như các USB 3G sử dụng hình thức băng rộng thông qua cổng USB với SIM chỉ dùng cho nhắn tin và truy cập Internet thì những SIM sử dụng cho thiết bị di động 3G lại sử dụng loại hình Mobile Internet với khai báo khác hỗ trợ nghe gọi và hàng loạt dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo. Điều này dẫn đến gói cước đi kèm cũng khác nhau không kém.

Chính vì quá nhiều tích hợp cho một thiết bị di động 3G, nên giá thành các thiết bị này thường rất cao gấp nhiều lần so với USB 3G nhưng lại thua kém tính năng nếu chỉ riêng về truy cập Internet tốc độ cao. Chính vì lẽ đó, thiết bị thời thượng di động 3G chỉ dành cho tầng lớp thời trang và doanh nghiệp cần sự trang trọng trong giao tiếp hơn là việc phổ cập dịch vụ internet như USB 3G bình dân.

(Theo ICT News)