Một lần nữa, Apple đã chọn Twitter làm mạng xã hội được tích hợp rộng rãi trên hệ điều hành Mac OS X mới nhất của mình, thay vì Facebook. Phải chăng, chính vì Apple không có mối quan hệ tốt với Facebook nên người chịu thiệt thòi nhất lại chính là người dùng.
Tuần trước, Apple đã công bố hệ điều hành Mac OS X Mountain Lion mới nhất dành cho máy tính cá nhân, với nhiều ứng dụng và tính năng mới. Tương tự như phiên bản iOS 5, Apple đã tích hợp Twitter trên hầu hết các ứng dụng của mình, cho phép người dùng dễ dàng cập nhật và chia sẻ nội dung lên mạng xã hội này ở bất kỳ đâu.
Đây được xem là một sự thành công của Twitter, khi nhờ vào Apple mà mạng xã hội này đã tăng thêm được 25% số lượng người dùng mới chỉ từ khi Apple trình làng iOS 5 vào mùa thu năm ngoái.
Apple tích hợp mạnh mẽ Twitter vào toàn bộ các ứng dụng trên hệ điều hành của mình.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tại sao Apple lại chọn Twitter, thay vì Facebook, mạng xã hội với hơn 800 triệu người dùng và phổ biến trên toàn thế giới. Câu trả lời rất có thể nằm ở mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Apple và Facebook.
Mặc dù chính Facebook là người “mang ơn” Apple sau khi Facebook có được hợp đồng “béo bở” với Apple vào những ngày đầu thành lập, giúp công ty vượt qua các khó khăn, và bản thân Mark Zuckerberg cũng xem Steve Jobs như một nhà cố vấn đáng kính trọng, tuy nhiên bắt đầu từ khi Apple từ chối sự trợ giúp của Facebook trong việc phát triển mạng xã hội về âm nhạc Ping của mình vào phút cuối cùng thì mối quan hệ giữa “2 ông lớn” này đã bắt đầu căng thẳng.
Giải thích cho điều này, Steve Jobs, lúc đó đang là CEO của Apple cho biết các chính sách về điều khoản sử dụng của Facebook không phù hợp với chính phát triển sản phẩm của Apple.
Các rạn nứt giữa Facebook và Apple trở nên căng thẳng hơn, khi vào đầu năm 2011, Facebook đã đồng ý để xây dựng ứng dụng mạng xã hội của mình dành cho máy tính bảng iPad. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Facebook cũng hợp tác với HP để xây dựng ứng dụng trên máy tính bảng TouchPad, và cuối cùng, ứng dụng trên TouchPad được ra mắt trước khi có phiên bản tương ứng dành cho iPad. Điều này đã khiến cho Steve Jobs cảm thấy không hài lòng vì bị “vượt mặt”.
Facebook sau đó đã cố gắng ngừng phát triển ứng dụng trên Touchpad để giải cứu tình hình, tuy nhiên mối quan hệ với Apple đã không thể được cứu vãn. Kể từ đó, Apple bắt đầu có những mối hợp tác khắng khít hơn với Twitter, thay vì Facebook để trở thành mạng xã hội chính được hỗ trợ rộng rãi trên các sản phẩm của mình. Vô hình chung, Twitter lại trở thành người có lợi trong “cuộc chiến” giữa những “gã khổng lồ” này.
Bên cạnh sự rạn nứt về quan hệ, thêm một lý do để giải thích cho vấn đề Apple không tích hợp Facebook trên sản phẩm của mình, bởi lẽ đối thủ chính của Apple, Microsoft, đang nắm trong tay 2,5% cổ phần của Facebook thông qua khoản đầu tư lớn vào những ngày đầu của mạng xã hội này thành lập, do vậy, Facebook muốn “bắt tay” với ai đều cần phải thông qua ý kiến của Microsoft.
Tuy nhiên đó vẫn chỉ là những suy luận, nhưng trên thực tế, người chịu thiệt hại nhất trong “cuộc chiến” này chính là người dùng, những người muốn sử dụng chung cả Facebook lẫn các sản phẩm của Apple. Người dùng vô tình bị tước đi các tính năng hữu ích bởi vì 2 công ty lớn không thể đạt được một thỏa thuận.
Mặc dù đã có một số lượng lớn người dùng, tuy nhiên sẽ không bao giờ là thừa nếu càng ngày càng có thêm những người dùng mới, và nếu hợp tác với nhau, chắc chắn Facebook và Apple sẽ tiếp tục có được những mốc kỷ lục mới về số lượng người dùng.
Theo Dân Trí.