Giống như iPhone làm không ít “ông lớn” trong lĩnh vực điện thoại di động chạy theo, Apple iPad hứa hẹn sẽ khiến thị trường máy tính bảng (tablet) sôi động hơn bao giờ hết.
Báo New York Times (Mỹ) tuần này khẳng định Google và Nokia sẽ sớm công bố phiên bản tablet/slate của riêng họ. HP dự kiến cho ra mắt sản phẩm mang tên Slate giữa năm nay còn Microsoft từ lâu đã ấp ủ sách điện tử 2 màn hình Courier.
Dù những dự án đó ra đời trước hay sau khi iPad ra đời, những công ty này cũng sẽ phải chịu sức ép lớn vì sản phẩm của họ sẽ bị các nhà chuyên môn và người tiêu dùng đem ra so sánh với iPad. Kinh nghiệm từ việc chạy đua với iPhone cho thấy không phải thiết bị cứ có cấu hình mạnh hơn và thiết kế đẹp hơn đã thắng.
iPad không phải tablet đầu tiên trên thị trường nhưng khiến cuộc đua sản xuất máy tính bảng trở nên sôi động và khốc liệt.
Trước đây, Microsoft là hãng ủng hộ xu hướng máy tính bảng mạnh mẽ nhất. Từ 2002, Bill Gates đã dự đoán doanh số tablet PC sẽ đạt một triệu sản phẩm ngay trong năm 2003 và dòng thiết bị này chiếm đa số vào 2007. Các hãng lớn như HP và Dell cũng xây dựng tablet tích hợp phần mềm của Microsoft, cho phép người sử dụng thao tác trên màn hình với bút như thể họ đang viết trên giấy. Tuy nhiên, những thiết bị đó trông na ná nhau và phần mềm dựa trên Windows dường như chưa đủ linh hoạt để phù hợp với nhu cầu di động nên tablet PC vẫn tỏ ra “lép vế“.
Giờ đây, trên thị trường đã xuất hiện thêm nhiều phần cứng và phần mềm để các hãng cho ra đời những những thiết bị cầm tay mỏng, nhẹ và giá dễ chịu hơn được gọi là “slate“. Apple, Google và Nokia phát triển nền tảng phần mềm riêng, song song với việc Intel, Nvidia, Qualcomm, Broadcom và Marvell luôn nhiệt tình cung cấp chip cho sản phẩm.
Apple khẳng định họ bán được 450.000 máy iPad chỉ trong vài ngày. Người sử dụng bị thuyết phục bởi màn hình cảm ứng, khả năng giải trí và sự mới mẻ mà iPad mang lại. Nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn bởi iPad còn thiếu camera, không hỗ trợ Flash và một số nhược điểm khác.
Phiên bản HP Slate, xuất hiện vài tháng tới, sẽ được trang bị camera, có đầy đủ cổng kết nối (như có thể cắm chuột) và đem đến trải nghiệm Internet toàn diện. Phil McKinney của HP cho biết họ đã chau chuốt máy tính bảng này từ 5 năm nay nhưng phải đợi đến bây giờ, khi giá thành đủ hợp lý mới công bố. Họ không cảm thấy sức ép từ Apple vì “chúng tôi đi trên chiếc thuyền riêng chứ không ‘trả lời’ hay chạy theo ai cả“.
Cuộc đua cũng sẽ trở nên gay gắt khi Acer, Dell và Lenovo chính thức bán ra các sản phẩm tablet mà họ giới thiệu đầu năm nay. Nhưng mối đe dọa lớn nhất của Apple có thể lại không đến từ các công ty máy tính.
Google sẽ hợp tác với một nhà sản xuất phần cứng, có thể là với HTC, để phát triển tablet.
Google đã thành công khi thuyết phục được nhiều nhà sản xuất phần cứng đưa hệ điều hành Android vào trong điện thoại di động, và họ muốn tiến xa hơn với một sách điện tử (e-reader) có chức năng như một máy tính. Eric E. Schmidt, Giám đốc điều hành Google, nói với bạn bè trong một bữa tiệc ở Los Angeles (Mỹ) gần đây về một thiết bị như thế, chạy trên Android. Họ cũng đang hợp tác với một số nhà xuất bản để đưa sách, báo và các nội dung khác vào tablet.
Microsoft cũng gây xôn xao khi các video về Courier bị lộ trên Internet. Một nhân viên Microsoft từng nhìn thấy thiết bị cho biết Courier trông giống một cuốn sách bìa mềm thông thường, khi mở ra sẽ lộ diện 2 màn hình. Người sử dụng có thể ghi chép trên thiết bị với bút hoặc kéo thả file để chia sẻ nội dung giữa các màn hình.
Hình ảnh Courier bị rò rỉ trên mạng.
Dự án này chưa được giới thiệu vì các kỹ sư của Microsoft vẫn còn băn khoăn về mức tiêu thụ pin của màn hình. Vấn đề quan trọng hơn là xác định thị trường, tức sản phẩm sẽ hướng đến nhóm người dùng nào. Ban đầu, Courier phục vụ các chuyên gia thiết kế và kiến trúc sư, nhưng sau đó tập đoàn phần mềm Mỹ muốn mở rộng ra thị trường người tiêu dùng nên họ đưa cả sách, tạp chí và các nội dung media khác vào thiết bị. Nếu những bài toán đó sớm được giải quyết, Courier sẽ xuất hiện vào đầu 2011.
Còn tại Nokia, một đội ngũ kỹ sư, thiết kế và xuất bản đang ráo riết làm việc để phát triển e-reader với tham vọng thống trị thị trường sách và ứng dụng di động. Giám đốc điều hành Olli-Pekka Kallasvuo của Nokia từ chối bình luận về dự án nhưng khẳng định “laptop loại nhỏ” được bán ra thị trường năm ngoái (tức Booklet 3G) đã nhận được phản hồi tích cực, thúc đẩy họ tiếp tục khám phá những thiết bị hội tụ mới. Ông cũng tin Nokia có nhiều cơ hội thông qua hệ thống phân phối toàn cầu và có kinh nghiệm phát triển các nội dung mang tính địa phương tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc hơn là Apple hay Google.
Còn với người sử dụng, sự ra đời của các sản phẩm lai giữa laptop và điện thoại có giá dưới 600 USD sẽ mang đến những lựa chọn và trải nghiệm mới phong phú hơn… “Chúng ta đang sống trong giai đoạn đặc biệt sôi động“, Kallasvuo nhận xét. “Nêu đích danh ngành công nghiệp nào chúng tôi đang tham gia thật là khó vì mọi thứ luôn biến động“.