Steve Jobs và “nội lực” để thay đổi thế giới

Steve Jobs thay đổi 7 lĩnh vực trên thế giới: máy tính cá nhân, phim ảnh, nhạc, điện thoại, máy tính bảng, bán lẻ và công nghệ xuất bản số và được xếp vào nhóm những nhà phát minh vĩ đại nhất của Mỹ.
 


Steve Jobs đồng sáng lập ra Apple trong gara ô tô của cha mẹ ông vào năm 1976, bị đuổi khỏi Apple vào năm 1985 và sau đó trở lại để cứu công ty khỏi bờ vực phá sản vào năm 1997 và đến lúc ông mất vào tháng 10/2011, ông đã đưa công ty lên vị thế công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.

Trong quá trình xây dựng công ty, ông đã giúp thay đổi 7 lĩnh vực trên thế giới: máy tính cá nhân, phim ảnh, nhạc, điện thoại, máy tính bảng, bán lẻ và công nghệ xuất bản số. Ông được xếp vào nhóm những nhà phát minh vĩ đại nhất của Mỹ, cùng với Thomas Edison, Henry Ford và Walt Disney. Chẳng có người đàn ông nào trên đây được coi như một vị thánh thế nhưng ngay cả rất lâu sau khi thế giới đã quên đi về tính cách của họ, lịch sử sẽ vẫn nhớ đến cách họ áp dụng trí tưởng tượng vào công nghệ và kinh doanh.

Trong những tháng tính từ khi cuốn tiểu sử Steve Jobs do tôi viết được phát hành, không ít chuyên gia đã cố gắng rút ra nhiều bài học quản lý từ nó. Yếu tố cốt yếu nhất trong tính cách của Steve Jobs, chính là tính cách đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cách làm ăn kinh doanh của ông.

Ông luôn hành xử theo cách mà các nguyên tắc thông thường không thể áp dụng được với ông, sự nhiệt tình trong công việc, độ tập trung và cảm xúc ông mang đến cho cuộc sống thường ngày cũng được đưa vào sản phẩm mà ông tạo ra. Tính nóng nảy cũng như kiên nhẫn là một phần trong tính cách ưa hoàn hảo của ông.

Bài học thực tế từ Steve Jobs cần phải được rút ra từ cái mà ông làm được. Tôi từng hỏi ông về việc ông nghĩ sáng tạo nào quan trọng nhất, tôi đã tin ông sẽ trả lời iPad hay Macintosh. Thay vào đó ông khẳng định đó chính là Apple. Việc lập ra một công ty có khả năng phát triển bền vững, khó và quan trọng hơn nhiều so với tạo ra một sản phẩm vĩ đại. Các trưởng kinh doanh hẳn sẽ còn nghiên cứu vấn đề trong suốt 1 thế kỷ tới. Dưới đây có thể kể đến một số điểm cốt yếu nhất:

Tập trung

Khi Jobs trở lại Apple vào năm 1997, công ty đang sản xuất rất nhiều sản phẩm máy tính, trong đó riêng Macintosh có đến 12 mẫu khác nhau. Sau một vài tuần nghiên cứu, ông kêu lên: “Ngừng ngay mọi việc lại, thật điên rồ.” Cuối cùng công ty tập trung vào sản xuất chỉ một số sản phẩm trọng điểm. Mọi hoạt động sản xuất khác bị ngưng lại.

Bằng việc buộc Apple tập trung vào sản xuất chỉ 4 loại máy tính, ông đã cứu được công ty. Ông nói: “Quyết định làm gì cũng quan trọng không kém việc quyết định không làm gì. Điều này không chỉ đúng với công ty mà còn đúng với sản phẩm.”
 


Sau khi đã định hướng đúng cho công ty, Jobs bắt đầu quá trình chọn lựa. Ông đứng trước một chiếc bảng trắng và hỏi: “Tiếp theo chúng ta nên làm 10 điều gì?” Nhân viên tranh nhau để ý tưởng của họ được đưa lên. Jobs ghi lại nó và sau đó gạch bớt đi một số thứ mà ông không cho rằng phù hợp. Sau nhiều giờ bàn luận nhóm cũng đưa ra được 10 lựa chọn. Jobs gạch đi 7 cái dưới cùng và thông báo: “Chúng ta chỉ có thể làm 3 mà thôi.”

Tính tập trung tồn tại chính trong tính cách của Jobs. Ông không ngừng loại bỏ đi những yếu tố mà ông cho rằng gây xao nhãng đến công việc của ông. Đồng nghiệp hay thành viên trong gia đình ở một số thời điểm đã cáu kỉnh bởi họ khó lôi cuốn ông vào giải quyết những vấn đề mà theo họ rất quan trọng, kiểu như chuyện pháp luật hay chẩn trị y tế. Ông luôn tỏ thái độ lạnh lùng và từ chối tham gia.

Ở thời gian gần cuối đời, Larry Page, người chuẩn bị nắm quyền trở lại tại Google, đã đến thăm Steve Jobs. Dù hai công ty đang là đối thủ, Jobs vẫn luôn sẵn sàng đưa ra lời khuyên. Larry Page cho biết Steve Jobs đã nhấn mạnh nhiều nhất đến một từ: “Tập trung”. Steve Jobs hỏi Page: “Điều lớn nhất tôi muốn nói đến là tập trung. 5 sản phẩm ngài muốn sản xuất là gì? Hãy bỏ đi đám còn lại bởi nó đang khiến ngài khó khăn hơn. Sản phẩm đó đủ chứ không vĩ đại.” Page đã nghe lời khuyên của Jobs. Tháng 1/2012, ông yêu cầu nhân viên Google tập trung vào chỉ một vài mục tiêu ưu tiên, ví như Androis và Google+ và đẩy những sản phẩm này phát triển vượt trội, theo cách mà Jobs hẳn đã làm.

Đơn giản hóa

Quan điểm về sự tập trung của Jobs đi kèm với bản năng đơn giản hóa mọi việc bằng cách quan tâm đến điểm cốt yếu nhất và loại bỏ đi nhiều yếu tố không cần thiết. Người ta có thể thấy rõ nếu so sánh bất kỳ phần mềm nào của Apple với Microsoft Word ngày một tồi tệ với tính năng gây phiền toái. Nó nhắc người ta nhớ tại sao Apple lại luôn kêu gọi về sự đơn giản.

Khi Jobs đến thăm trung tâm nghiên cứu Palo Alto của Xerox và được xem kế hoạch thiết kế một chiếc máy tính có giao diện đồ họa với người dùng và con chuột điều khiển, ông muốn điều chỉnh giao diện theo hướng trực giá và đơn giản hơn. Ví dụ chuột Xerox có 3 phím bấm và giá khoảng 300USD. Jobs đến một công ty thiết kế địa phương và yêu cầu một trong số các nhà sáng lập, ông Dean Hovey, rằng ông muốn có một mẫu thiết kế đơn giản và chỉ 1 nút bấm với giá 15USD. Hovey đã đồng ý.

Jobs quan tâm đến sự đơn giản bắt nguồn từ tâm lý muốn chinh phục, chứ không phải bỏ qua, sự phức tạp. Khi đã đạt đến mức độ đơn giản như ông mong muốn, sản phẩm tạo ra sẽ vô cùng thân thiện với người dùng chứ không phải đánh đố họ. Ông nói: “Mọi chuyện thực ra hoàn toàn không dễ dàng. Để sản xuất được một cái gì đơn giản, cần phải hiểu được thách thức và tìm ra giải pháp.”

Chịu trách nhiệm đến cùng

Jobs biết rằng cách tốt nhất để có được sự đơn giản chính là đảm bảo phần cứng, phần mềm và các thiết bị liên quan có kết nối với nhau. Hệ thống của Apple, iPod kết nối với máy tính Mac bằng phần mềm iTunes, cho phép các thiết bị hoạt động theo cách đơn giản hơn, vận hành trơn tru hơn. Những thao tác phức tạp hơn ví như tạo danh sách bài hát mới có thể được thực hiện trên máy tính, iPod nhờ vậy có ít chức năng và phím bấm hơn.
 


Jobs và Apple đã chịu trách nhiệm đến cùng đối với trải nghiệm của người dùng, một điều mà rất ít công ty làm được. Từ hoạt động của bộ xử lý trong điện thoại iPhone cho đến hành động mua điện thoại tại cửa hàng của Apple Store, trải nghiệm của người dùng liên quan trực tiếp với nhau. Cả Microsoft thập niên 1980 cho đến Google những năm gần đây đều đã thay đổi cách tiếp cận với sản phẩm, hệ điều hành và phần mềm của các hãng được nhiều công ty sản xuất sử dụng. Mô hình kinh doanh nhờ vậy phát triển hơn. Thế nhưng Jobs thực sự tin rằng có một công chức chung cho các sản phẩm dở: “Khách hàng vô cùng bận rộn. Họ có nhiều việc khác để làm hơn là học cách làm sao để tích hợp máy tính và các thiết bị.”

Khi đã bị tụt hậu, hãy học cách nhảy xa

Một công ty luôn đổi mới không nhất thiết phải là công ty luôn đưa ra ý tưởng mới nhất. Công ty đó cần phải biết làm sao để nhảy xa hơn khi nhận ra mình tụt hậu. Mọi chuyện xảy ra khi Jobs thiết kế sản phẩm iMac. Ông tập trung vào biến thiết bị trở nên hữu ích trong việc quản lý ảnh và video của người dùng thế nhưng đến phạm trù âm nhạc, chức năng lại có phần tụt hậu. Người dùng máy tính cá nhân tự tải nhạc và sau đó làm đĩa CD của riêng họ. iMac không thể làm được điều này. Ông thừa nhận: “Chúng tôi nghĩ chúng tôi đã để lỡ nó.”
 


Thế nhưng thay cho việc cố gắng chạy theo bằng cách nâng cấp ổ cứng của máy iMac, ông quyết định tạo ra hệ thống tích hợp để thay đổi cả ngành công nghiệp âm nhạc. Kết quả: iTune, kho nhạc của iTune và iPod, cho phép người dùng mua, chia sẻ, quản lý, dự trữ và chơi nhạc tốt hơn so với bất kỳ thiết bị nào khác.

Ngay cả sau khi iPod thành công, Jobs cũng không vui vẻ lâu. Thay vào đó ông bắt đầu lo lắng về cái gì có thể đe dọa đến sự thành công của nó. Có thể những công ty sản xuất điện thoại di động sẽ bổ sung tính năng chơi nhạc tốt hơn vào thiết bị của họ. Vì vậy ông chú trọng vào phát triển iPhone: “Nếu chúng ta không tự biết loại bỏ chúng ta, người khác sẽ làm điều đó.”

Theo Vietnamnet.