Trong cuộc khảo sát PISA (“Programme for International Student Assessment – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế”) mới nhất (được thực hiện năm 2012, công bố tháng 12/2013), các quốc gia châu Á đã vượt lên dẫn đầu. Việt Nam đứng trong top 10 trong hạng mục Khoa học và cũng đứng trong top 20 trong các hạng mục Toán và Kỹ năng đọc.
Bài thi PISA 2012 do OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) tổ chức đã được tham gia bởi 510.000 học sinh độ tuổi 15 tại 65 quốc gia/nền kinh tế với các môn Toán, Đọc và Khoa học. Kì thi PISA (và các cuộc khảo sát liên quan) được thiết kế để đem lại dữ liệu giáo dục, giúp cải thiện các chính sách giáo dục nhằm đem lại kết quả tốt hơn. Dữ liệu thu được từ PISA được dùng để tìm mối liên hệ giữa chất lượng giáo dục và thu nhập tương lai cũng như khả năng phát triển của học sinh; đồng thời cũng để hiểu được lý do dẫn tới sự khác biệt về các thành tựu tại các quốc gia tham gia.
Trong PISA, môn toán được đặt trọng tâm. Tư duy toán học tốt được OECD đánh giá là tiền đề cho tương lai thành công. Học toán tốt cho phép học sinh tham gia vào các bậc học cao hơn tốt hơn, và cũng sẽ quyết định tới thu nhập tương lai của học sinh.
“Với mức độ thất nghiệp ở người trẻ quá cao, mức độ bất bình đẳng ngày càng tăng và nhu cầu tăng trưởng ở nhiều quốc gia, việc người trẻ tuổi học được các kỹ năng để thành công là rất cấp bách”, Tổng thư ký Angel Gurria của OECD cho biết. “Trong nền kinh tế toàn cầu, khả năng cạnh tranh và cơ hội nghề nghiệp tương lai sẽ phụ thuộc vào việc một người có thể làm gì với những kiến thức mà họ nắm được. Người trẻ tuổi là tương lai, do đó tất cả các quốc gia phải làm tất cả những gì có thể để cải thiện hệ thống giáo dục và cơ hội phát triển cho thế hệ tương lai“.
Cuộc khảo sát PISA đã chỉ ra các đặc tính tốt nhất của hệ thống giáo dục. Các quốc gia đứng đầu – phần lớn nằm ở châu Á – đặt trọng tâm rất lớn vào việc lựa chọn và đào tạo giáo viên, khuyến khích họ phối hợp làm việc và đặt ưu tiên cao vào chất lượng giáo viên thay vì kích cỡ của phòng học. Các quốc gia này cũng đặt ra các mục tiêu rõ ràng và cho phép giáo viên được toàn quyền trong lớp học để thúc đẩy các mục tiêu này.
Trẻ em có cha mẹ nhiều kì vọng cũng sẽ đạt được kết quả tốt hơn: các em sẽ cố gắng nhiều hơn, tự tin nhiều hơn và cũng có nhiều động lực học hơn.
Sau đây là kết quả của các môn thi trong kì kiểm tra PISA 2012 (xếp hạng theo điểm số trung bình). Kì thi 2012 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia (kì thi này được tổ chức 3 năm một lần để đánh giá khả năng chung của các quốc gia tham gia).
Bạn đọc có thể so sánh các quốc gia tại trang web của OECD.
Toán
Thượng Hải và Singapore đứng đầu môn Toán. Học sinh tại Thượng Hải “vượt trên học sinh các nước khác tới 3 năm”: số học sinh được xếp hạng cao nhất của Thượng Hải lên tới 55%. Hong Kong, Đài Bắc (Đài Loan), Korea, Macao (Trung Quốc), Nhật, Liechtenstein, Thụy Sĩ và Hà Lan là các quốc gia đứng trong top đầu về Toán.
Việt Nam đứng thứ 17 với số lượng học sinh được xếp hạng đầu chiếm 13% và điểm số trung bình 511, kém Thượng Hải hơn 100 điểm.
Đọc
Trong 64 quốc gia/vùng kinh tế tham gia vào kì thi PISA 2012, Thượng Hải lại đứng đầu, trong đó có tới 25,1% học sinh tham gia được xếp hạng cao nhất, so với mức trung bình 8,4% của tất cả các quốc gia tham gia. Các quốc gia đứng đầu khác là Hong Kong, Nhật, Singapore (15% học sinh xếp hạng đầu), Australia, Bỉ, Canada, Phần Lan, Pháp, Ai Len, Hàn Quốc, Liechtenstein, New Zealand, Na Uy và Đài Loan.
Việt Nam đứng thứ 20 với điểm số 508, kém Thượng Hải 62 điểm.
Học sinh Thượng Hải đứng đầu trong cả 3 môn thi
Khoa học
Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản và Phần Lan đứng trong top 5 kỳ thi khoa học. Việt Nam đứng ở vị trí số 8 trong kỳ thi này với điểm số 528, kém Thượng Hải 52 điểm.
Bất bình đẳng giới
Học sinh nam có kết quả tốt hơn học sinh nữ trong môn toán. Trong số 65 quốc gia tham gia, học sinh nam có điểm số trung bình cao hơn học sinh nữ. Học sinh nữ có kết quả tốt hơn học sinh nam tại 5 quốc gia, tại các quốc gia còn lại kết quả giữa 2 giới là tương đương nhau. Sự chênh lệch giữa 2 giới cũng không quá đáng kể: chỉ có 6 quốc gia có mức độ chênh lệch trình độ giữa nam và nữ tương đương với nửa năm học.
Sự chênh lệch giữa nam và nữ cao nhất trong các học sinh top đầu. Học sinh nhóm giữa không có nhiều khác biệt, song khoảng cách giữa nam và nữ cũng là khá lớn trong nhóm học sinh yếu. Văn bản chính thức của OECD không nêu rõ sự chênh lệch tại từng quốc gia, song tổ chức này cũng kêu gọi cần có thêm các biện pháp khuyến khích học sinh nữ học toán.
Trong môn đọc, học sinh nữ có lợi thế hơn, và so với kì thi năm 2009, khoảng cách đang gia tăng tại 11 quốc gia/nền kinh tế. Khả năng khoa học của nam và nữ tương đương nhau.
Trong tất cả các môn thi, học sinh Mỹ xếp dưới mức trung bình
Tác động của hoàn cảnh và môi trường học
OECD cũng kêu gọi thực hiện thêm các biện pháp nhằm khuyến khích học sinh có hoàn cảnh khó khăn tới trường. Tại các quốc gia tham gia vào kì thi PISA 2012, tỉ lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn muốn tới trường chỉ là 78%, trong khi con số đó ở học sinh thường là 85%. Nhìn chung, các hệ thống đứng đầu thường phân chia tài nguyên khá cân bằng giữa các nhóm học sinh có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Không chỉ có thứ hạng cao, Việt Nam cũng nằm trong top các nước có tỉ lệ học sinh “chịu khó” (sẵn sàng vượt qua các điều kiện khó khăn để đạt thành tích cao) cao: trên 13%, cùng với các quốc gia/nền kinh tế khác tại châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.
Tỉ lệ học sinh Việt Nam coi rằng “cần phải có cố gắng khi học tập ở trường” là 86%. Tỉ lệ học sinh Việt Nam cho biết “thích thú khi đạt điểm cao” là 84%. Tỉ lệ học sinh muốn đến trường tại đất nước hình chữ S cũng nằm trong top OECD (khoảng 85%) và vượt xa mức trung bình.
Mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên cũng đã được cải thiện so với các cuộc khảo sát trước: chỉ có 1 quốc gia ghi nhận mối quan hệ kém hơn trước đây. Môi trường kỉ luật cũng đã được cải thiện tại 27 quốc gia và nền kinh tế. Nguyên nhân dẫn tới sự cải thiện này là do học sinh ngày càng gắn bó với trường học. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ học sinh Việt Nam cho biết “Tôi có cảm giác như người ngoài cuộc” lên tới 94%, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Tỉ lệ học sinh Việt khẳng định “Bạn bè quí mến tôi” cũng chỉ đạt 41%, quá thấp so với các quốc gia châu Á khác (khoảng 70%).
Dương Linh
Theo VnReview