Công nghệ cảm ứng trở nên phổ biến đến mức từ thang máy cho đến các quán ăn hay thậm chí là ngân hàng cũng đang áp dụng như một chiêu mới lạ nhằm thu hút khách hàng.
Thang máy cảm ứng, Karaoke cảm ứng
Có dịp vào thăm người thân ở toà nhà chung cư cao cấp Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên, Hà Nội mới thấy sự phổ biến của công nghệ cảm ứng. Các thang máy của toà nhà này đều sử dụng công nghệ cảm ứng do một tập đoàn thang máy của Đức sản xuất.
Không sử dụng các nút bấm cơ, người vào thang máy chỉ cần lướt nhẹ tay là đã chọn được số tầng. Chị Ly, chủ một căn hộ toà nhà này cho biết: "Hồi mới dọn về đây sống hồi năm 2010 cũng thấy là lạ, thích thích công nghệ mới này. Thang máy cảm ứng chỉ vuốt nhẹ là chọn được tầng, thay vì phải ấn mạnh tay như các toà nhà khác. Từ lúc ở đây cũng chưa thấy thang máy treo lần nào vì hệ cảm ứng rất nhạy, trong khi các toà nhà khác thang hay bị treo do người dùng vô ý giữ tay lâu ở nút mở cửa".
Thang máy cũng dùng… màn hình cảm ứng.
Không riêng gì chung cư Phạm Ngọc Thạch, hiện nay nhiều toà nhà cao cấp ở các khu đô thị mới đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng cũng hiện đang áp dụng công nghệ tương tác mới trên thang máy này. Theo anh Hữu Minh, một nhà thầu hạ tầng chia sẻ: "Chi phí đầu tư cho 1 hệ thống tương tác trên thang máy như thế này khá cao nhưng tính ra lại rẻ hơn ở công bảo trì bảo hành vì ít phát sinh lỗi treo, hỏng nút bấm hơn".
Cùng xu hướng "cảm ứng", tại một toà nhà chung cư văn phòng cho thuê, một công truyền thông có tiếng tại Hà Nội lại áp dụng phương thức Frame media bằng cảm ứng.
Thay vì chỉ là những khung hình phát các clip quảng cáo đơn giản hay slideshow, công ty này đã áp dụng công nghệ mới, cho phép người dùng thực hiện một vài thao tác tương tác trên màn hình này. Giám đốc công ty này cho biết: "Hiện tại chúng tôi mới thức hiện các clip khảo sát khách hàng nhằm thu các kết quả để tiến hành truyền thông và các tương tác đơn giản cho trẻ nhỏ. Tương lai gần chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình truyền thông, quảng cáo media hiệu quả hơn nhờ công nghệ mới này".
Trong một tình huống khác, các khách hàng tới hát karaoke tại một nhà hàng tại phố Bùi Thị Xuân cũng được phen ngỡ ngàng với cách chọn bài mới lạ thông qua màn hình cảm ứng.
Cách chọn bài karaoke mới tạo hứng thú với khách hàng.
Thay vì phải lựa bài theo danh sách và ghi ra giấy hoặc ấn qua điều khiển từ xa, người dùng sẽ ấn trực tiếp vào màn hình cảm ứng với kho dữ liệu ca khúc được lưu trữ sẵn, tuỳ nghi chọn và thêm bớt, chuyển bài bất cứ lúc nào mình muốn. Thậm chí, nếu muốn người dùng có thể điều chỉnh âm thanh, mic cho vừa ý.
Nhiều quán karaoke cao cấp tại Hà Nội hiện nay để thu hút khách cũng đang lần lượt áp dụng hình thức này. Theo một chủ cửa hàng cho biết thì giá đầu tư cho mỗi phòng hát dạng này chi phí khoảng 8 triệu gồm tiền màn hình và đấu nối hệ thống.
Cũng theo trào lưu cảm ứng, tại nhiều điểm giao dịch của nhà mạng, ngân hàng hiện nay cũng dùng máy nhận phiếu và hỗ trợ khách hàng bằng các thao tác chạm kiểu này. Người dùng sẽ tự chọn cho mình tình huống cần hỗ trợ trên màn hình và từ đó lấy phiếu xếp hàng, nhân viên sẽ nhận dữ liệu để bố trí vào vị trí giao dịch viên phù hợp, nhanh chóng.
Tiện thì có tiện…
Bác Thông, nhà ở Hoàng Văn Thái cho biết: "Hôm có việc ra cửa hàng giao dịch đóng cước di động hộ con trai tại nhà mạng trên phố Nguyễn Viết Xuân thì loay hoay mãi chẳng biết bấm cái màn hình thế nào để lấy phiếu xếp hàng. Công nghệ mới nên người già như chúng tôi khó tiếp cận lắm. May mà có anh bảo vệ chạy ra giúp cũng như nhân viên đặc cách cho người già không cần lấy phiếu".
Việc tương tác qua màn hình cảm ứng giúp khả năng truyền thông trực tiếp dễ dàng hơn.
Còn chị Ly, nhà ở khu chung cư cao cấp cũng bày tỏ: "Đa số người sống ở đây có ý thức tốt nhưng nhiều hôm có người ở nơi khác đến làm việc nên lúc đầu thì tỏ ra thích thú, sau đấy là đứng… nghịch màn hình cảm ứng thang máy. Cứ thế lướt tay hết các nút để thử… độ nhạy làm cho thang máy dừng mỗi tầng một lần. Vừa làm khó chịu người khác vừa gây tốn điện, chưa kể có thể gây hỏng thang".
Trường hợp của các quán karaoke cảm ứng thì xem ra đây là xu hướng mới của các quán hát tại Hà Nội sau thời gian bão hoà. Theo anh Dũng, chủ quán karaoke đường Đê La Thành thì: "Từ hồi nâng cấp hệ thống mới này lượng khách đã tăng hơn 40% tương ứng với doanh thu mặc dù giá giờ thuê phòng hát chúng tôi không tăng. Hiệu quả thì rõ ràng là hơn thật nhưng chi phí đầu tư không phải là nhỏ bởi với 30 phòng hát lớn nhỏ, riêng chi phí đầu tư cho hệ thống này đã lên tới hơn nửa tỷ đồng".
Với chi phí đầu tư cho hệ thống màn hình cảm ứng khá cao cũng như cần một đội ngũ vận hành, quản lý có trình độ. Trong nhiều tình huống, việc đặt các màn hình cảm ứng tương tác phục vụ đa mục đích bên cạnh đem lại sự tiện dụng cũng nảy sinh ra khá nhiều bất tiện.
Chị Hương, lễ tân tại một chung cư cao cấp cho biết: "Cách điều khiển kiểu mới này khá dễ tiếp cận nhưng với người khuyết tật như khiếm thị thì lại gây khó khăn cho họ bởi nút bấm không hỗ trợ sẵn các ký tự nổi. Gặp những trường hợp này em phải ra tận nơi hỗ trợ không thì họ chẳng biết nhờ ai nếu không có người vào thang máy cùng".
Với việc giá thành ngày một hợp lý cùng với xu hướng tiếp cận, tương tác mới, công nghệ cảm ứng sẽ nhanh chóng được ứng dụng vào các dịch vụ phục vụ đời sống. Bên cạnh tiện ích nó đem lại, những đơn vị ứng dụng có lẽ nên nghiên cứu để đưa ra các phương án tương tác nhân văn, đơn giản hơn tránh rắc rối, phiền hà cho người sử dụng.
Theo Vietnamnet.