Ra mắt Hội Truyền thông số Việt Nam

Hôm nay, 20/4, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam chính thức được ra mắt.

Trước đó, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợpđã được bầu chọn làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2011-2015 tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức tại trụ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 2/3/2011. Hội có 25 thành viên ban chấp hành, trong đó, Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí ông Nguyễn Lương Phán được bổ nhiệm làm Phó tổng thư ký Hội.                                  
 

 
Ông Lê Doãn Hợp tại lễ ra mắt Hội Truyền thông số Việt Nam.
 

Tại lễ ra măt Hội Truyền thông số, ông Lê Doãn Hợp đã chia sẻ về những trăn trở của mình nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển CNTT tại Việt Nam.

Theo ông Hợp, ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam rất có tiềm năng và thực tế đây là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn. “Việt Nam có thuận lợi với tỷ lệ lao động trẻ, Thế hệ trẻ của Việt Nam rất say mê với công nghệ. Điều này thể hiện qua con số 27 triệu người đọc báo điện tử chủ yếu là giới trẻ, trong khi đó, báo in chỉ dành cho 5 triệu người đọc chủ yếu thuộc thế hệ cao tuổi”.

Ngoài ra, theo chủ tịch Hội Truyền thông số, Việt Nam đang đi sau các nước nên có nhiều bài học của người đi trước để đi tắt đón đầu. Tuy nhiên, “chúng ta cần phải khiêm tốn để học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước”.
 
Tuy vậy, ngành công nghiệp số Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, như hầu hết các doanh nghiệp đều phát triển tự phát, thiếu cơ quan chỉ đạo chủ lực. Ông Hợp chỉ ra sự lãng phí từ các “ông lớn”, như VTC Online, Viettel và AVG khi mỗi doanh nghiệp đều tự bỏ tiền ra để xây dựng hạ tầng riêng của mình. Ông cho biết đã thay mặt Hội Truyền thông số ngồi lại với 3 doanh nghiệp trên để cùng tính đến phương án khai thác dùng chung hạ tầng bởi “nếu 1 doanh nghiệp muốn đồng bộ hạ tầng của mình thì phải mất 3.000 tỷ đồng, trong khi đó, nếu cả ba cùng gộp lại để chia sẻ hạ tầng thì mỗi doanh nghiệp chỉ mất 700-800 tỷ”.

Ông Hợp cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khi mà luật lệ chưa đồng bộ và chưa có cơ chế chính sách rõ ràng trong lĩnh vực này.

Về hoạt động của Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Hợp cho biết trong thời gian tới sẽ thúc đẩy việc xây dựng chủ trương phát triển sách giáo khoa điện tử, sách điện tử, thư viện điện tử  và đặc biệt là sẽ đề xuất để thực hiện truyền hình trực tuyến các kỳ họp quốc hội.
 
Theo Dân Trí.