Phần trước: Tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang hội tụ những yếu tố hỗ trợ đột phá phát triển và nhảy vọt. Nền kinh tế chuyển đổi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng lúc dân tộc đang trong giai đoạn “dân số vàng” – trẻ trung, năng động, đầy sức sáng tạo, kết hợp với xu hướng toàn càu hóa, hội nhập và chuyển sang thời đại công nghệ cao của thế giới. Đây thực sự là một sự kết hợp độc nhất vô nhị, một cơ may lịch sử lớn của dân tộc ta.
Quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế mà Đại hội XI của Đảng đã đưa ra càng làm gia tăng giá trị của sự kết hợp này.
Đại hội Đảng lần thứ XI xác định phát triển bền vững nền kinh tế theo hướng hiện đại tạo thành trục xuyên suốt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Đại hội cũng chỉ ra ba tuyến đột phá lớn – thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Cấu trúc chiến lược đó đồng nghĩa với việc coi hiện đại hóa là trục định hướng chiến lược.
Trong logic đó, phát triển CNTT vừa là Một thành tố cấu trúc, đóng vai trò liên kết; đồng thời, là nền tảng của toàn bộ quá trình. Tái cấu trúc nền kinh tế trong không gian toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế phải được thực hiện thành công trong môi trường CNTT, và phải dựa vào sự ưu tiên phát triển sức mạnh công nghệ này.
Mối liên hệ hữu cơ giữa các nhiệm vụ đột phá chiến lược với đòi hỏi phải phát triển CNTT như một nhiệm vụ ưu tiên là hiển nhiên và tất yếu. Ở bất cứ chiều cạnh nào cũng thấy rất rõ rằng các đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định sẽ không thẻ thực hiện được nếu chúng không dựa vào quá trình tin học hóa và sự phát triển vượt trước của CNTT.
Năng lực và hiệu quả quản trị nhà nước hiện đại tùy thuộc đáng kể vào quá trình phát triển nhà nước điện tử.
Sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chỉ có thể đạt kết quả mong đợi nếu nó đồng thời gắn kết chặt chẽ với quá trình phổ cập tin học hóa và phát triển hệ thống viễn thông.
Không có CNTT, thật khó giải quyết các bài toán về năng lượng, về tối ưu hóa vận tải, về logistics… phù hợp với những đòi hỏi của công cuộc phát triển hiện đại.
Đó là kết quả từ sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các nước đi trước, được khái quát thành logic phát triển hiện đại. Học hỏi kinh nghiệm đó để tiến nhanh hơn, hiệu quả hơn chính là lợi thế phát triển lớn nhất của thời đại dành cho các nước đi sau.
Việt Nam cần phải tóm bắt cơ hội lịch sử, tận dụng triệt để lợi thế này bằng cách dốc sức ưu tiên cho công cuộc hiện đại hóa, tập trung thúc đẩy phát triển CNTT, tạo ra sự đột phá chiến lược mang tầm thời đại. Đó chính là điều kỳ vọng mà dân tộc đang đặt ra cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế mà Đảng chủ xướng và Chính phủ chủ trì thực hiện.
Để đáp ứng được yêu cầu nói trên, với vai trò của người tổ chức, dẫn dắt quá trình đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế, Đảng và Nhà nước cần đột phá mạnh trong tư duy chiến lược và định hướng chính sách. Đồng thời, sự hỗ trợ theo kiểu “bà đỡ” của Đảng và Nhà nước luôn luôn là điều kiện để quá trình phát triển liên tục, không bị lỡ nhịp, mất thời cơ.
Đề xuất một số giải pháp cơ bản
Thứ nhất, tiến hành tổng kết toàn diện, sâu sắc, khách quan việc triển khai thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trên tầm nhìn mới, thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế của việc thực hiện Chỉ thị 58 trong 10 năm qua, trên cơ sở đó, Đảng và Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề về CNTT phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2011 – 2020.
Thứ hai, đồng bộ hóa quan điểm và chủ trương về hiện đại hóa như là trục định hướng chiến lược chính của giai đoạn tới. Việc phát triển CNTT và nhiệm vụ tin học hóa phải được coi là một mục tiêu ưu tiên đột phá hàng đầu và quyết tâm xây dựng bằng được “hạ tầng của hạ tầng” cho toàn bộ công cuộc phát triển hiện đại. Tinh thần này là phải nhất quán, xuyên suốt trong các nghị quyết của Trung ương Đảng và Kế hoạch, chương trình hàn động của Chính phủ về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như về đổi mới phát triển khoa học công nghệ.
Thứ ba, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 – 2016), để thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng CNTT theo tư duy chiến lược mới, cần chú trọng xây dựng môi trường thể chế phù hợp, nhanh chóng giải tỏa mọi cản trở, tạo môi trường thông thoáng, khuyến khích phát huy tinh thần sáng tạo và liên kết phát triển, để tạo nền tảng hạ tầng quốc gia hiện đại, đảm bảo cho công cuộc bứt phá và cất cánh thành công.
Thứ tư, triển khai thực hiện một chiến lược phát triển nguồn nhân lực cụ thể, khả thi, theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, phải coi đào tạo nguồn nhân lực CNTT là một nội dung quan trọng, là một thế mạnh lớn của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh quốc tế hiện đại. Việc phát huy tốt thế mạnh này là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam khẳng định vị thế quốc gia trong chuỗi phát triển hiện đại của thế giới.
Theo Tạp chí Nhịp sống số.