Phát triển CNTT và công cuộc đột phá mang tầm thời đại (P2)

CNTT đóng vai trò là yếu tố “dẫn dắt” phát triển

Thực tế phát triển của thế giới chỉ ra rằng trong hệ thống công nghệ và cấu trúc phát triển hiện đại, CNTT có một vị trí và vai trò đặc biệt. CNTT là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế tri thức; là phương tiện hàng đầu để nhanh chóng nâng cao toàn diện dân trí; là phương thức tiếp thu và làm chủ công nghệ trong mọi lĩnh vực.

Hơn thế, khác với các công nghệ khác, CNTT đóng vai trò là môi trường hoạt động, là không gian tồn tại, phát triển của tất cả các công nghệ khác, đặc biệt là công nghệ cao; là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu, góp phần quyết định trong việc tạo năng lực cạnh tranh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

CNTT còn là kênh giao tiếp hiệu quả nhất, phổ biến nhất, kết nối Việt Nam với thế giới, với các tinh hoa văn hóa và văn minh nhân loại.

Nói cách khác, CNTT là hạ tầng cơ sở của nền kinh tế hiện đại, là “hạ tầng của hạ tầng”, là động lực mạnh mẽ nhát trong nỗ lực phát triển nhanh, bền vững đất nước, là nội dung cốt yếu của công cuộc hiện đại hóa. Phát triển CNTT là con đường ngắn nhất, là cách thức tất yếu, bắt buộc và duy nhất giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, sánh vai các dân tộc tiên tiến trên thế giới.

Việt Nam đang hội tủ đủ những yếu tố thời đại: nhu cầu, áp lực, quyết tâm phát triển và điều kiện thực thi – để vận dụng thành công bài học đó.

Cách đây hơn 10 năm, Đại hội Đảng IX đã khẳng định việc lựa chọn con đường phát triển kinh tế tri thức ở nước ta. Trước đó, năm 2000, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đó là những quyết định sáng suốt, nhạy bén, thể hiện tầm nhìn của Đảng.

Với những quyết định đó, nền kinh tế đã có những chuyển dịch mạnh mẽ ban đầu theo xu hướng hiện đại hóa, phù hợp với xu thế thời đại. Đặc biệt, lĩnh vực CNTT và viễn thông, trên nền cơ chế thị trường đã có bước tiến nhảy vọt ngoạn mục.

Nhưng thực tế cho thấy, như vậy là không đủ để tạo ra một cuộc bứt phá mạnh mẽ cho Việt Nam trong cuộc đua tranh phát triển toàn cầu. Kinh tế tri thức vẫn chưa phải là một xu thế chủ đạo chi phối; còn Chỉ thị 58-CT/TW chỉ mới tạo ra cú huých ban đầu cho sự phát triển của một ngành cụ thể chưa hình thành một mũi đột phá và ột động lực tổng thể của nền kinh tế.

Cách nhìn nhận đó có phần hạn hẹp về tính định hướng của nền kinh tế tri thức, về vai trò CNTT – chỉ như một ngành sản phẩm – chưa đem lại một tư duy mới và một tầm nhìn phát triển mang tính thời đại – là những yếu tố bảo đảm cho nền kinh tế đi sau bứt phá để vượt lên, nhập vào một thời đại phát triển mới, đưa dân tộc Việt Nam “tiến cùng thời đại”.

Tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang hội tụ những yếu tố hỗ trợ đột phá phát triển và nhảy vọt. Nền kinh tế chuyển đổi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng lúc dân tộc đang trong giai đoạn “dân số vàng” – trẻ trung, năng động, đầy sức sáng tạo, kết hợp với xu hướng toàn càu hóa, hội nhập và chuyển sang thời đại công nghệ cao của thế giới. Đây thực sự là một sự kết hợp độc nhất vô nhị, một cơ may lịch sử lớn của dân tộc ta.

(Còn nữa)

Theo Tạp chí Nhịp sống số.