Hãng Ericsson vừa công bố 10 xu hướng tiêu dùng chính năm 2013, trong đó có những nhận định rất thú vị như các cư dân đô thị sẽ không ngừng “di động”, mọi người sẽ sử dụng thiết bị để làm nhiều việc một lúc, hay nữ giới sẽ dẫn dắt thị trường smartphone….
Đây là những kết quả trên được trích dẫn từ Báo cáo phân tích Ericsson ConsumerLab Analytical Platform 2012, tiến hành đối với những đối tượng sử dụng Internet, Smartphone hoặc các thiết bị khác được đề cập trong độ tuổi từ 15 đến 69.
Ericsson ConsumerLab đã tiến hành phỏng vấn với 100.000 cá nhân mỗi năm đại diện từ trên 40 quốc gia và 15 thành phố, tương ứng mang tính đại diện cho 1,1 tỉ người.
1. Sự phụ thuộc vào điện toán đám mây tái định hình nhu cầu thiết bị.
Người sử dụng máy tính bảng và smartphone hiểu rõ sự đơn giản và thuận tiện của việc truy cập tất cả các dịch vụ trực tuyến trên mọi loại thiết bị. Những người dùng điện thoại di động thông thường có xu hướng sử dụng mỗi loại thiết bị cho mỗi nhu cầu công việc khác nhau. Máy tính để bàn thường dùng cho ngân hàng trực tuyến và so sánh giá cả, di động dùng để nhắn tin, Ipod để nghe nhạc, máy tính xách tay để nhận email và lướt web.
Do vậy, các sản phẩm tiêu dùng từ ô tô đến máy ảnh sẽ được thiết kế để truy cập Internet, tránh những khó khăn do không thể kết nối giữa các loại thiết bị. Hơn 50% người dùng máy tính bảng và khoảng 40% người dùng smartphone tại Mỹ, Nhật, Úc và Thụy Điển đánh giá cao sự đơn giản khi truy cập được vào ứng dụng, dữ liệu từ đám mây trên nhiều thiết bị.
2. Sử dụng thiết bị để làm nhiều việc một lúc.
Khảo sát cho thấy ý định mua sắm máy tính bảng nhiều hơn so với máy tính bàn, và người dùng lựa chọn mua smartphone nhiều hơn máy tính xách tay. Việc chuyển đổi từ các loại thiết bị để bàn, lưu giữ hồ sơ sang các loại ứng dụng, dịch vụ điện tóan đám mây cho thấy người tiêu dùng chuyển từ xu hướng tập trung sang cách giải quyết mọi việc tức thời.
Thay cho máy tính để bàn phổ biến trước đây, người tiêu dùng sử dụng máy tính bảng để có thể làm việc trong lúc đang xem tivi ở phòng khách, hoặc ngay khi đang nấu ăn, hoặc ăn sáng với gia đình .
3. Sử dụng dịch vụ băng rộng từ túi tiền cá nhân tại công sở.
57% người dùng smartphone là đối tượng nhân viên sử dụng các gói dịch vụ băng rộng tại công ty nhưng tự mình trả tiền. Giờ đây việc cập nhật thông tin thường xuyên từ quan hệ cá nhân là điều rất dễ dàng do đó người ta có xu hướng mang smartphones cá nhân kèm theo những ứng dụng và các dịch vụ điện toán đám mây đến công sở.
4. Cư dân đô thị không ngừng “di động”.
Phạm vi phủ sóng mạng di động đứng vị trí thứ tư trong số những yếu tố tạo nên sự hài lòng trong cuộc sống thành phố vì giờ đây đô thị là nơi mọi người truy cập Internet liên tục và người dùng smartphone cũng thường xuyên kết nối. Dự kiến năm 2018, thế giới sẽ có 3,3 tỉ người dùng smartphone.
5. Quan hệ xã hội mang tính cá nhân đem lại độ an toàn hơn.
Ảnh hưởng của nền kinh tế khiến cho người ta tin tưởng nhiều hơn vào những cộng đồng và mạng lưới cá nhân, nơi họ có thể tham gia trực tuyến với những đối tượng có chung sở thích. Người ta ngày càng ưa chuộng việc dùng kênh quan hệ trực tuyến này để huy động tài chính hoặc các nguồn lực khác.
Các công cụ trực tuyến còn giúp mỗi cá nhân thể hiện bản sắc riêng và qua đó tạo nên một kênh thông tin đáng tin cậy trong trường hợp cần thiết: ví dụ như Linked-In trở thành một nơi chuyên cung cấp thông tin cho những ai có nhu cầu tìm việc và tìm người.
6. Nữ giới dẫn dắt thị trường smartphone.
Khoảng 97% người dùng smartphone nữ sử dụng SMS. Khoảng 77% gửi và nhận hình ảnh, 59% dùng mạng xã hội, 24% sử dụng ứng dụng “check-in” tại những nơi họ tới và 17% mua phiếu giảm giá. Tỉ lệ này đối với nam giới đều thấp hơn.
7. Thành phố trở thành điểm tập trung của các sáng tạo xã hội.
Cư dân thành phố dành gấp đôi thời gian cho bạn bè hơn những người sống ở các vùng nông thôn, và trung bình có khoảng 260 người bạn qua mạng. Họ cũng dành đến 45 phút trong việc kết nối xã hội hàng ngày. Đặc biệt, 12% cho biết mục đích sử dụng chính của mạng xã hội là kết nối để trao đổi ý tưởng với người khác, chứ không chỉ dừng lại ở việc giữ liên lạc với bạn bè và gia đình thuần túy.
8. Mua hàng “in-line”, hình thức kết hợp mua qua mạng và mua tại cửa hàng.
Ngày nay người tiêu dùng mong muốn đạt được lợi ích đồng thời của việc mua hàng trong cửa hiệu và mua hàng trực tuyến vì họ muốn xem sản phẩm, biết thông tin, so sánh giá cả và mua ngay lập tức mà không phải xếp hàng thanh toán. 32% người dùng smartphone sử dụng smartphone để thanh toán các khỏan chi tiêu nhỏ, xem thông tin sản phẩm qua mã vạch
9. Xã hội hóa truyền hình.
62% người được hỏi vừa xem tivi vừa sử dụng Facebook hoặc Twitter. 42% vừa xem tivi vừa thảo luận trên diễn đàn về những gì đang xem để tìm điểm chung. Chính hành vi xã hội này thúc đẩy chất lượng của chương trình Tivi và video. Trên 30% muốn trả tiền cho những nội dụng họ xem trong hòan cảnh mang tính xã hội.
10. Chuyển đổi cách dạy và học.
Ngày nay đang diễn ra một sự thay đổi văn hóa gây ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục và cách thức học tập. Đó là do thế hệ trẻ được sống trong nền văn hóa tương tác cao và họ có thể truy cập thông tin bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào.
Việc ứng dụng CNTT ngày càng phổ biến của sinh viên và giáo viên cùng yêu cầu về tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục khiến cho việc đưa CNTT vào giáo dục ngày càng trở nên cấp thiết. Kết nối thay đổi tương lai cho trẻ em trên quy mô toàn cầu. Tại Ấn Độ, khoảng 30 triệu trong số 69 triệu trẻ em thành phố từ 9 tới 18 tuổi sở hữu điện thoại di động.