Nhiều người từng thốt lên rằng chưa bao giờ giới công nghệ lại “loạn” kiện tụng như hiện nay. Việc các hãng lớn là đối thủ của nhau kiện nhau đã đành,nay thậm chí có những công ty không có tên tuổi gì cũng kiện các “đại gia” cỡ bự để lấy tiếng. Và rồi trong những vụ kiện đó, số tiền đòi bồi thường có thể lên tới hàng tỉ USD. Quả táo bị phạt 625 triệu USD Tháng 10/2010, thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Apple phải trả khoản tiền bồi thường khổng lồ lến tới 625 triệu USD cho hãng Mirror Worlds vì vi phạm nhiều bằng sáng chế áp dụng cho công nghệ hiển thị thông tin trên màn hình thiết bị di động và máy tính. Mirror Worlds đã “tố” Quả táo “đánh cắp” 3 bằng sáng chế công nghệ của hãng này cho iPhone, iPod, iPad và Mac OS X, cũng như giao diện đồ họa 3D "CoverFlow", vốn được sử dụng trong iTunes, iPhone và phần mềm khôi phục và sao lưu dữ liệu Time Machine. Hai năm trước (2008), Mirror Worlds đã đâm đơn kiện Apple lên tòa án bang Texas và đòi bồi thường số tiền gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thẩm phán bang chỉ “duyệt” trên 600 triệu USD tiền đền bù cho 3 bằng sáng chế công nghệ được cho là vi phạm. Apple đã gọi đây là quyết định nực cười, đồng thời tuyên bố sẽ kháng án đến cùng. Mirror Worlds là công ty tư nhân do David Gelernter, vốn là một giáo sư khoa học máy tính của Đại học Yale đứng ra thành lập và làm chủ. eBay đối mặt với vụ kiện bản quyền lớn nhất trong lịch sử Tháng 7/2010, công ty XPRT Ventures có trụ sở tại Connecticut đã khởi kiện eBay lên tòa án quận Wilmington, Delaware và đòi bồi thường số tiền khổng lồ – 3,8 tỷ USD. Đây là cái giá phải trả cho 6 bằng sáng chế công nghệ mà XPRT Ventures cho rằng eBay và các chi nhánh con đã sử dụng phi pháp. Đơn kiện của XPRT Ventures còn buộc tội cả các thương hiệu Pay Later, Buyer Credit, Balance Manager và hệ thống kiểm định của eBay đã vi phạm các bằng sáng chế của hãng này. eBay nói rằng vụ kiện này là hành động… mất tư cách của XPRT, và rằng hãng sẽ chẳng ngại tranh đấu đến cùng ở tòa. Tuy nhiên, nếu tòa án đứng về phía XPRT thì đây sẽ là vụ kiện lớn nhất trong lịch sử bản quyền trí tuệ. Danh hiệu hiện tại đang thuộc về vụ kiện giữa Johnson & Johnson và Boston Scientific với số tiền đền bù 1,72 tỉ USD mới được tòa ra phán quyết hồi cách đây một năm. Microsoft vướng vào vòng lao lý Năm 2010 tiếp tục là năm dính vào vòng lao lý của gã khổng lồ phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft. Vụ kiện dây dưa với hãng i4i có trụ sở tại Toronto năm 2009 nay đã được chuyển lên Tòa án tối cao. Trước đó, Tòa phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết nghiêng về i4i, theo đó Microsoft sẽ phải bồi thường 200 triệu USD và phải ngừng bán sản phẩm Microsoft Word, vốn là “gà đẻ trứng vàng” của hãng này. Vụ kiện có liên quan tới các định dạng XML tùy biến sử dụng trong gói sản phẩm Microsoft Office. May cho Microsoft là lần ra tòa sau này, hãng đã có thêm 2 đồng minh quan trọng là Apple và Google, vốn cũng chẳng ưa gì i4i nhưng cũng lên tiếng ủng hộ cho “đối thủ truyền kiếp” Microsoft. Với hãng phần mềm lớn nhất thế giới này, thiệt hại lại không nằm ở khoản tiền phạt nhiều trăm triệu USD mà là ở chính nguy cơ Microsoft Word có thể bị cấm bán trên toàn thế giới. Nếu bị rơi vào tình trạng đó thì thiệt hại về lâu và dài của gã khổng lồ này phải lên tới hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ USD. “Con gà tức nhau tiếng gáy” Cuối năm 2010, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia đã đâm đơn kiện lên tòa án Delaware, Mỹ, cáo buộc hãng Quả táo đã vi phạm 7 bằng sáng chế của hãng này. Tuy số tiền bồi thường không được tiết lộ nhưng người ta tin rằng chúng phải lên tới hàng trăm triệu USD. Đây là đòn đánh mới nhất của Nokia vào đối thủ Apple, vốn là thế lực đang lên trong lĩnh vực thiết bị di động. Kể từ khi tung ra dòng điện thoại đẳng cấp iPhone, Apple đã chiếm được khá nhiều thị phần của hãng điện thoại Phần Lan, và người ta cũng dễ dàng nhìn thấy rằng Nokia ngày càng yếu thế và đuối sức hơn trong cuộc chạy đua smartphone thế hệ mới. Nokia “tố” Apple đã sử dụng bằng sáng chế của hãng này cho hàng loạt mẫu điện thoại di động, máy nghe nhạc di động và máy tính cá nhân. 7 bằng sáng chế trên liên quan tới các tính năng mà Apple sử dụng cho giao diện người dùng, máy ảnh, ăng-ten, và quản lý năng lượng. Năm 2009, cả hai hãng này cũng kiện tụng lẫn nhau, hãng nọ đổ cho hãng kia sử dụng giấy phép công nghệ của mình. “Tham” như Oracle Trong tất cả các vụ kiện bản quyền, chúng ta thường thấy bên nguyên đơn yêu cầu bồi thường một số tiền rất lớn. Tuy nhiên, có được hay không thì cũng phải tùy thuộc vào tòa, và đôi khi số tiền được “quyết” chỉ bằng một phần rất nhỏ vì thẩm phán dễ dàng nhận ra điểm vô lý trong những đòi hỏi đầy tham lam đó. Kịch bản đó rất giống với vụ kiện giữa Oracle và SAP. Tòa quận Bắc California ở Oakland năm 2010 chỉ chấp nhận cho Oracle được nhận 120 triệu USD tiền bồi thường so với khoản tiền khổng lồ 2,3 tỉ USD mà hãng này yêu cầu từ SAP. “Đại gia” về cơ sở dữ liệu này cáo buộc SAP, mà cụ thể là một chi nhánh của SAP, đã download trái phép phần mềm hỗ trợ của hãng. SAP cũng thừa nhận sai sót này, tuy nhiên hãng chỉ chấp nhận đền bù 120 triệu USD. (Theo VnMedia) |