Những giải pháp kết nối không dây

Hãy quên đi những mớ dây dẫn loằng ngoằng. Các chuẩn công nghệ không dây thời nay giúp bạn dễ dàng kết nối các thiết bị tại gia, chia sẻ dữ liệu và trình chiếu nội dung giữa chúng với nhau.

 

Hồng ngoại (Infrared)

Đây là chuẩn giao tiếp không dây đã xuất hiện từ lâu, từng là kết nối phổ biến để giao tiếp giữa các thiết bị máy tính, điện thoại trong khoảng cách ngắn. Với hồng ngoại, máy tính có thể chuyển các tập tin và dữ liệu số khác theo cả hai chiều cùng lúc.

Công nghệ truyền dẫn hồng ngoại được sử dụng trong các máy tính tương tự như trong các bộ điều khiển từ xa của sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Việc truyền và nhận dữ liệu sẽ được thực hiện thông qua một cổng trên thiết bị (bạn cần đặt sao cho các cổng hồng ngoại trên các thiết bị thấy nhau mới giao tiếp được). Mạng hồng ngoại vốn được thiết kế để kết nối trực tiếp hai thiết bị nhưng cũng có một số công nghệ hồng ngoại mở rộng cho kết nối hơn 2 máy.

Phải đặt thẳng hàng khi kết nối hai thiết bị hồng ngoại với nhautốc độ, công nghệ hồng ngoại có 3 chuẩn:IrDA-SIR (chậm) tốc độ dữ liệu 115 Kbps.
IrDA-MIR (trung bình) tốc độ dữ liệu lên đến 1,15 Mbps.IrDA-FIR (nhanh) lên đến 4 Mbps.

Tầm hoạt động của hồng ngoại ngắn (<5m). Không giống như Wi-Fi và công nghệ Bluetooth, tín hiệu hồng ngoại không thể xuyên qua tường hay các vật cản khác và chỉ làm việc trực tiếp theo đường thẳng.

Ứng dụng

Hiện do có nhiều công nghệ thay thế nên công nghệ hồng ngoại hầu như đã vắng bóng trên máy tính lẫn điện thoại di động (ĐTDĐ). Nếu có, hồng ngoại chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giao tiếp với bộ điều khiển từ xa (máy tính) hay làm bộ điều khiển từ xa (điện thoại, ti-vi, dàn máy, loa di động, đầu DVD hay Blu-ray…).

Wi-Fi

Wi-Fi (Wireless Fidelity) hay mạng 802.11 là hệ thống mạng không dây phổ biến được sử dụng trên các thiết bị như ĐTDĐ, máy tính xách tay và nhiều thiết bị điện, điện tử tiêu dùng… Hiện tại, các điểm truy cập Wi-Fi đã hiện diện hầu như khắp mọi nơi ở dạng không có mật khẩu (cho truy cập tự do) hoặc mã hóa WPA/WPA2 và Wi-Fi cũng có thể dễ dàng được thiết lập ngay tại nhà riêng.

Wi-Fi hiện tại có 4 chuẩn thông dụng là 802.11a/b/g (tốc độc tối đa tương ứng
54Mbps/11Mbps/54Mbps), và 802.11n là chuẩn mới nhất với tốc độ có thể lên đến 600Mbps (theo mô tả lý thuyết). Tuy nhiên, tại Việt Nam, các router không dây chuẩn n phổ biến ở tốc độ 150Mbps, 300Mbps hoặc một số ít là 450Mbps.

Wi-Fi Direct

Wi-Fi Direct là công nghệ bổ sung cho Wi-Fi để có thể chia sẻ dữ liệu trực tiếp giữa các thiết bị mà không cần thông qua hệ thống mạng như trước đây.

Wi-Fi Direct giúp các thiết bị dễ dàng trao đổi không dây những dữ liệu kich thước lớn.

Wi-Fi Direct hoạt động dựa trên các chuẩn Wi-Fi hiện có và đã được Liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) phê chuẩn vào cuối tháng 10/2010. Các thiết bị hỗ trợ công nghệ Wi-Fi Direct (đạt chứng nhận Wi-Fi Direct của Liên minh Wi-Fi) có thể kết nối với nhau đơn giản hơn, theo mạng hàng ngang (peer – to – peer), thuận tiện hơn cho người dùng trong việc in ấn, chia sẻ, đồng bộ và hiển thị thông tin/hình ảnh lên màn hình.

Do dựa trên Wi-Fi nên ưu thế của công nghệ này là tốc độ cao (có thể đạt tốc độ 300Mbps, 1 giây có thể truyền gần 40MB dữ liệu), tầm phủ sóng rộng nhưng tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với Bluetooth.

Ứng dụng

Do hỗ trợ kết nối trực tiếp nên các thiết bị có trang bị Wi-Fi Direct, chẳng hạn ĐTDĐ, máy quay/máy ảnh, máy in, máy tính, các thiết bị chơi game có thể kết nối trực tiếp để truyền nội dung, chia sẻ các ứng dụng tại bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời điểm nào.

Các thiết bị có thể kết nối theo mô hình một – một hay một – nhiều (nhiều thiết bị kết nối đồng thời với nhau). Nếu thường xuyên kết nối với nhau, các thiết bị này có thể lưu lại thông tin kết nối (profile) để sử dụng tiếp tục trong những lần “họp mặt” sau.

Bluetooth

Bluetooth là một đặc tả công nghiệp cho truyền thông không dây tầm gần giữa các thiết bị điện tử. Công nghệ này hỗ trợ việc truyền dữ liệu qua khoảng cách ngắn giữa các thiết bị di động và cố định, tạo nên các mạng cá nhân không dây (Wireless Personal Area Network – PANs).

Bluetooth được Ericsson phát triển, sau đó được liên minh Bluetooth SIG với các thành viên chính là những hãng sản xuất phần cứng lớn thời bấy giờ như Nokia, Ericsson, Intel, IBM, Toshiba… “chuẩn hóa” và công bố phiên bản đầu tiên vào năm 1998.

Kết nối Bluetooth là vô hướng và sử dụng dải tần 2,4 GHz. Bluetooth hỗ trợ truyền tải dữ liệu trong phạm vi 5m – 100m tùy theo thiết bị trang bị class nào (chi tiết trong bài công nghệ Bluetooth, trang 76). Tuy nhiên, đối với đa số thiết bị dân dụng, phạm vi này chỉ dừng lại ở vài chục mét. Chuẩn Bluetooth mới nhất là phiên bản 4.0 với tốc độ truyền dữ liệu lên đến 25Mbps như chuẩn 3.0 nhưng tiết kiệm năng lượng hơn.

Ứng dụng

Hiện tại có nhiều thiết bị dùng chuẩn Bluetooth để giao tiếp, truyền dữ liệu như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, tai nghe, loa, chuột, bàn phím, thiết bị định vị GPS, thiết bị y tế, máy quét mã vạch, và các thiết bị điều khiển giao thông…

NFC

Công nghệ giao tiếp khoảng cách gần NFC (Near Field Communications) sử dụng sóng radio năng lượng thấp để truyền dữ liệu trong khoảng cách ngắn. Giao tiếp được diễn ra ở tần số 13,56MHz nhưng dải năng lượng điện từ trường có phạm vi hạn chế – theo lý thuyết, phạm vi tối đa là 200mm, thực tế triển khai thì chỉ trong khoảng 100mm.

Những tính năng chính của NFC bao gồm chia sẻ hình ảnh, video và danh bạ giữa các điện thoại; kết nối điện thoại với các thiết bị khác như tai nghe, loa. Ngoài ra, thẻ NFC (NFC tag) giúp người dùng có thể dùng điện thoại quét qua một món hàng trên kệ hàng siêu thị để biết ngay thông tin về chúng.

Ứng dụng

Thiết bị được trang bị NFC thường là ĐTDĐ, có thể giao tiếp với thẻ thông minh, đầu đọc thẻ hoặc thiết bị NFC tương thích khác. Ngoài ra NFC còn được sử dụng trong các hệ thống công cộng như bán vé, dùng điện thoại NFC lấy thông tin từ các áp phích thông minh, thanh toán hóa đơn…

AirPlay

Air Play giúp dễ dàng trình diễn nội dung số không dây giữa các thiết bị Apple.

Tương tự như DLNA dựa trên Wi-Fi, nhưng AirPlay là một công nghệ do Apple đưa ra để trình diễn nội dung số không dây qua lại giữa các thiết bị của Apple cũng như các thiết bị tương thích chuẩn AirPlay. Hiện tại có nhiều TV hoặc loa hay các đế mở rộng, đầu đa phương tiện hỗ trợ cả hai chuẩn DLNA và AirPlay.

Ứng dụng

AirPlay giúp biến iPhone, iPad hoặc máy tính cài iTunes thành nguồn phát âm thanh hình ảnh không dây đến các thiết bị như Apple TV, Airport Express, loa và màn hình/TV tương thích chuẩn AirPlay.

 

Nhiễu sóng giữa các thiết bịDo Bluetooth và Wi-Fi sử dụng cùng tần số 2,4GHz nên nếu trong nhà có nhiều thiết bị dùng các chuẩn này, chúng có thể gây nhiễu lẫn nhau. Ngoài ra, giữa Wi-Fi và các chuẩn liên quan như Apple AirPlay, DLNA, Wi-Fi Direct vẫn có thể bị xung đột.Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần quá lo lắng vì thật ra đối với môi trường gia đình, tác động của các ảnh hưởng này là không đáng kể. Bạn có thể tránh tình trạng này bằng cách tắt các tín hiệu không dây trên các thiết bị khi đã dùng xong hoặc không có nhu cầu.Ngoài ra, đối với môi trường có nhiều sóng Wi-Fi cùng phát (thường các khu đô thị nhà sát nhau, chung cư…), bạn có thể chọn các kênh phát khác trong bộ định tuyến để có tốc độ cao nhất. Một số bộ định tuyến có hỗ trợ sẵn tiện ích dò kênh còn trống để bạn chọn, nếu không có chúng ta có thể dùng một số phần mềm miễn phí trên mạng, ví dụ như inSSIDer (metageek.net/products/inssider).

Sóng không dây có hại ?

Hiện có nhiều ý kiến đối lập nhau về tác hai của sóng Wi-Fi. Những bài công bố tác hại cũng chỉ ở mức suy đoán và một số khác lại khẳng định không gây hại.

Tuy nhiên, để an toàn hơn, khi không cần thiết, tốt nhất bạn nên tắt các thiết bị phát sóng không dây, nhất là trong môi trường có trẻ em vì theo một số nghiên cứu thì trẻ em sẽ dễ bị tác động hơn.