Họ là những cái tên tiên phong của ngành Lập trình Việt gắn liền với nhiều phần mềm nổi tiếng như Unikey, D32 Anti-virus, Bked…
Quách Tuấn Ngọc với phần mềm soạn thảo đầu tiên tại Việt Nam BKED
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc được xem là con chim đầu đàn của ngành CNTT Việt Nam. Người nổi danh với phần mềm soạn thảo đầu tiên tại Việt Nam tương tự Mirosoft Word..
BKED (viết tắt của Bách Khoa Editor) là phần mềm soạn thảo tiếng Việt đầu tiên. Ứng dụng này được ông Ngọc giới thiệu năm 1987 và trở thành phần mềm soạn thảo tại nhiều trường Đại học, cơ quan nhà nước cho đến 1995. Khi nói về BKED, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc cho biết, ông có hai kỷ niệm với phần mềm này. Đầu tiên là khi ông sử dụng BKED để soạn thảo giáo trình của mình. Lần thứ hai, là khi sử dụng để soạn văn bản kết luận hội nghị ở Bộ GD&ĐT cuối năm 1989. Trước đó, việc in một văn bản sau cuộc họp mất 5 ngày, nhờ phần mềm này, chỉ sau buổi họp kết thúc, bản in đã được soạn thảo xong.
BKED có dung lượng chỉ khoảng 200KB, có thể lưu trong một đĩa mềm để sử dụng bất cứ đâu. Theo ông Ngọc, đây là lý do đưa BKED đến thành công. Đây cũng là phần mềm đầu tiên được thương mại. Khi đó, dù giá bán lên tới 1,5 triệu đồng, nhưng nó vẫn đắt hàng và được Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Lâm nghiệp, Bộ KHCN…mua. Không công bố con số bán được, nhưng ông Ngọc ước tính có khoảng 120.000 cuốn tài liệu hướng dẫn sử dụng được tiêu thụ.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc tốt nghiệm ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 1978 chuyên ngành Điện tử phát thanh. Năm 1986, ông đỗ tiến sĩ Học viện Công nghệ Grenoble, Pháp. Từ năm 1979 đến 2007, ông là giảng viện tại ĐH Bách Khoa. Trong thời gian từ 1996 đến 2007, ông là Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài BKED, ông còn là tác giả các tài liệu giáo dục PASCAL, C, C + +, Quản lý tín hiệu kỹ thuật số và ngôn ngữ phát triển phần mềm. Hiện BKED đã không còn được sử dụng nữa. Ông Quách Tuấn Ngọc cũng chuyên tâm với công tác mới của mình trong vai trò Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phạm Kim Long – người viết bộ gõ tiếng Việt Unikey
Tốt nghiệp chuyên toán Hà Nội – Amsterdam, Phạm Kim Long thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội lớp Tin năm 1991. Khi đó, tin học vẫn còn là ngành mới mẻ. Năm 1996, Phạm Kim Long tốt nghiệp loại giỏi và sang Cộng hòa Séc. Tại đây, Phạm Kim Long bắt đầu tiếp cận với Internet, lần đầu dùng email.
Unikey được Phạm Kim Long thai nghén từ năm 1994 dưới một cái tên khác. Tuy nhiên, phải cuối năm 2000, anh mới công bố rộng rãi phần mềm này. Phiên bản đầu tiên được viết cho DOS từ năm 1994 khi anh còn là sinh viên Bách Khoa. Theo Phạm Kim Long: “Lúc ấy, trong lớp có hai, ba bạn khác cũng viết keyboard riêng bằng Assembly. Từ đó, nảy sinh việc “thi” xem ai viết chương trình… nhỏ nhất. Bản keyboard của anh (tên là TVNBK) chỉ có 2KB. Thuật toán xử lý bỏ dấu tiếng Việt của UniKey hiện nay về cơ bản giống như chương trình Assembly đó”.
Phần mềm Unikey đầu tiên cho Windows ra mắt năm 1998 với tên gọi LitteVnKey, nhưng nó không phổ biến và chưa hỗ trợ Unicode. Cuối 2000, khi đang bí luận án, anh ghé thăm một diễn đàn tin học, thấy nhiều người đang bàn luận về Unicode tiếng Việt trong Windows, ý tưởng về một keyboard miễn phí hỗ trợ Unicode hình thành từ đó.
Sau một đêm thiết kế, hai đêm mã hóa, bản Unikey đầu tiên ra đời, hỗ trợ tiếng Việt Unicode. Long nhanh chóng công bố chúng và liên tục cập nhật sau khoảng 4 tháng đầu. Bên cạnh nhiều góp ý để hoàn thiện, UniKey cũng nhận được nhiều dèm pha, thậm chí tung tin đồn có virus đính kèm bên trong. Tuy nhiên, sự đơn giản, miễn phí, dễ dùng là yếu tố giúp UniKey trở thành bộ gõ tiếng Việt phổ biến nhất trên máy tính kể từ năm 2004. Tuy nhiên, Phạm Kim Long chia sẻ: “Mình sẽ luôn duy trì UniKey là phần mềm miễn phí”.
20 năm trôi qua, nhiều đồng nghiệp cùng thời với anh đang ổn định cuộc sống bên công việc mang tính quản lí, Phạm Kim Long vẫn miệt mài cho trận chiến mới của mình. Hiện nay, anh đang đứng đầu một nhóm phát triển các ứng dụng di động tại Việt Nam. Laban Key dành cho Android là phần mềm đáng chú ý. Ra mắt năm ngoái, ứng dụng này liên tục lọt top các tiện ích tải nhiều nhất trên Google Play Store với 500.000 người dùng (tính đến đầu tháng 3/2014).
Kế thừa UniKey, Laban Key trên Android dễ dùng với giao diện tương thích nhiều kích thước màn hình. Phần mềm miễn phí này được nhiều người dùng Việt tải về và lựa chọn chính để soạn thảo trên smartphone và tablet. Cha đẻ của Unikey mong muốn Laban Key cũng có được vị trí trên thiết bị di động như Unikey trên máy tính để bàn.
Trương Minh Nhật Quang với D32 Anti-virus
Người dùng Windows thời kỳ đầu hẳn rất quen thuộc với D32 Anti-virus. Đây là phần mềm nổi tiếng của Trương Minh Nhật Quang. Năm 2003, anh được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ CNTT năm 2003 cũng chính nhờ phần mềm này.
Trương Minh Nhật Quang lớn lên ở Hà Tiên. Anh sinh ra trong gia đình 8 người con, tới năm 14 tuổi đã phải lao động kiếm sống. Những năm sau chiến tranh, anh phải đi bán bánh mỳ phụ gia đình và hàng chục nghề khác nhau trước khi tốt nghiệp PTTH loại giỏi.
Năm 1985, anh thi đỗ vào ĐH Cần Thơ sau quá trình tự học. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, anh về công tác tại trường PTTH Hà Tiên. Lập gia đình và sống trong cảnh khó khăn, nhưng anh vẫn tham gia đăng ký học tin học tại TP.HCM.
Năm 1992, khi phát hiện máy tính cơ quan nhiễm virus, ý tưởng về một phần mềm bắt đầu nảy lên trong anh. Sau 4 tháng miệt mài, anh biên dịch thành công chương trình diệt virus Dir2/FAT và đặt tên là D2. Nhiều virus tiếp theo được anh cập nhật vào phần mềm của mình.
Năm 2000, anh dừng D2 chạy trên nền DOS và chuyển sang xây dựng D32 Anti Virus. Phần mềm ra mắt ngày 20/2/2001, trùng với ngày sinh của người của anh, trở thành trình diệt virus chạy trên Windows đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 8/2004, Trương Minh Nhật Quang công bố bản cập nhật D32 với kỹ thuật nhận dạng virus hướng tiếp cận máy học. Tháng 11/2009, phiên bản mới của phần mềm D32 đã xuất hiện trở lại. Một năm sau đó, nhóm D32 và Trương Minh Nhật Quang cập nhật D32 phiên bản mới với nhiều cải tiến nhằm tương thích tốt hơn với hệ điều hành và một số phần mềm.
Hiện nay, Trương Minh Nhật Quang đang sống cùng vợ con ở Cần Thơ, công tác tại Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ (tiền thân là Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ). Do bận rộn với cuộc sống cá nhân và nghiên cứu khoa học nên “đứa con” D32 của anh cũng thoắt ẩn, thoắt hiện trên thị trường.
Dương Linh
Theo ICT