Nhìn lại CNTT thế giới năm 2011…

 
Mọi thứ đã diễn ra đúng như dự đoán ban đầu, thậm chí có phần nhanh hơn. Tuy vậy, bên cạnh đó, cũng là vài bức tranh u ám bủa vây ngành công nghệ này.

Đầu năm, Steve Jobs nghỉ bệnh, giao lại công việc cho giám đốc tài chính (CFO) Tim Cook tạm quản lý Apple. Và cho đến đầu tháng 10/2011, sau khi iPhone 4S ra mắt vài ngày, Steve Jobs đã vĩnh viễn ra đi, Tim Cook chính thức giữ chức CEO của Apple. Thế giới đã mất đi không chỉ một con người, mà còn là một tầm nhìn.

Vào ngày 11/3/2011, trận động đất và sóng thần tại Nhật đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghệ, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn (Nhật chiếm 24% thị trường 298 tỷ USD này). Các công ty công nghệ lớn như Apple, IBM, Sony, EMC, Nokia… cũng thiệt hại không ít và bị ảnh hưởng chung đến dây chuyền sản xuất, kéo theo nhiều hậu quả khác như tăng giá thành sản phẩm, khan hàng…

Một tai họa thiên nhiên khác cũng đã giáng vào Thái Lan vào cuối tháng 10/2011 khi trận lũ lịch sử tại đất nước này đã khiến nhiều nhà máy sản xuất phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hoá. Giá ổ cứng tăng, nhiều công ty công nghệ hoãn kế hoạch tung ra sản phẩm.

Câu chuyện về bảo mật năm 2011 vẫn xoay quanh 3 cái tên: LulzSec, Anomymous và WikiLeaks. Nhóm tin tặc LulzSec đình đám với vụ tiết lộ thông tin tài khoản của Sony PlayStation Network khiến Sony phải tụt dốc doanh thu thảm hại và đến nay vẫn chưa hoàn toàn “hồi phục”. Nhóm Anomynous lại muốn gửi thông điệp đến nhiều cơ quan công quyền các nước rằng, không có gì bất khả xâm phạm và chính phủ phải trả giá cho những gì gây ra cho người dân.

Trong khi đó, WikiLeaks liên tục công khai những tài liệu mật của chính phủ các nước. WikiLeaks không phải thuộc nhóm tội phạm mạng nhưng “mũi dùi” luôn chĩa vào Julian Assange – người sáng lập WikiLeaks – và nhiều chính phủ buộc tội ông. Tuy vậy, WikiLeaks lại được nhiều nhóm người ủng hộ và vẫn là một kênh rò rỉ thông tin mà chính phủ các nước rất dè chừng.

Năm 2011, số thương vụ mua bán, sáp nhập vẫn “giữ nhịp” như năm ngoái. Nhưng một số thương vụ thực sự đáng chú ý, không chỉ riêng cho mục đích phát triển kinh doanh đơn thuần, mà còn cho việc thâu tóm bằng sáng chế. Microsoft đã bỏ ra 8,5 tỉ USD để mua lại Skype, cho thấy kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào mảng thoại di động trong tương lai. Còn Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD với mục đích chính là củng cố “tập” bằng sáng chế di động cho nền tảng Android.

Trong khi đó, thương vụ giữa AT&T và T-Mobile tại Mỹ vấp phải nhiều trở ngại do vi phạm luật cạnh tranh, độc quyền và vẫn chưa giàn xếp xong. Còn với HP, họ có ý định từ bỏ mảng kinh doanh máy tính cá nhân nhưng sau một thời gian, HP lại thay đổi ý định, vẫn tiếp tục mảng PC khi cân nhắc đến nhiều yếu tố thị trường.

Năm 2011 cũng là “cột mốc” cho một số sản phẩm, dịch vụ công nghệ được cộng đồng đặc biệt quan tâm, như iPad 2 xuất hiện hồi tháng 3, mạng xã hội Google+ ra mắt cuối tháng 6, iPhone 4S, iCloud cuối tháng 10 và Amazon Kindle Fire cuối tháng 11. Đây không chỉ đơn thuần là những sản phẩm, dịch vụ mới mà đi kèm với đó là cả một xu hướng, định hướng thị trường.

Năm 2011 cũng được xem là năm của 4 tượng đài: Amazon, Apple, Facebook và Google. Mọi sản phẩm, dịch vụ của 4 “đại gia” này đều len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống của không chỉ giới mê công nghệ mà cả người dùng thông thường. Cả 4 đều tạo cho mình được một cộng đồng người dùng khổng lồ, một hệ sinh thái (ecosystem) rất tốt và mở ra cho ngành công nghiệp máy tính những cơ hội kinh doanh mới.

Năm 2011, IPv6 bắt đầu được giới công nghệ chú ý và chuẩn này sẽ sớm thay thế IPv4 đã cạn kiệt hiện nay. Bên cạnh điện toán đám mây bùng nổ, thiết bị hỗ trợ GPS cũng trở nên rất phổ biến và thị trường máy tính bảng sôi động hơn mọi năm trước nhờ nền tảng Android đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các nhà sản xuất thiết bị.

(Theo PC World)