Người Việt thiếu hiểu biết trầm trọng về an toàn trực tuyến

Người Việt thiếu hiểu biết trầm trọng về an toàn trực tuyến; Từ tháng 4, kiểm tra hoạt động quảng cáo rao vặt tại 12 quận, huyện; Kaspersky Endpoint Security ra mắt phiên bản Việt hóa…

Người Việt thiếu hiểu biết trầm trọng về an toàn trực tuyến

Báo cáo của nhà cung cấp phần mềm tiêu dùng PC Tools vừa công bố hôm 6/3 cho thấy, 90% người Việt được khảo sát cho rằng không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về an toàn trực tuyến. PC Tools đã đưa ra các thông tin về việc nghiên cứu thói quen hành vi của một số người sử dụng Internet tại Việt Nam. Theo đó, hơn 3/4 số người được khảo sát (77%) dùng cùng một mật khẩu cho tất cả các tài khoản trực tuyến của mình; 41% số người được khảo sát thừa nhận rằng mình có lưu lại mật khẩu trong một phương tiện khác, chẳng hạn một tập giấy ghi chép.

Bản khảo sát cũng chỉ ra rằng, 26% số người được khảo sát cho biết họ không làm bất cứ việc gì để nâng cao khả năng bảo mật cho máy tính, trong số này 68% tin rằng họ không cần thay đổi bất cứ gì vì máy tính đã đủ an toàn rồi, gần 90% không cho rằng mình sẽ gặp phải điều gì nghiêm trọng về bảo mật trực tuyến; 41% trong tổng số người được khảo sát bỏ ra trung bình khoảng 22,5 giờ lên mạng tại các quán cafe Internet, nơi kết nối Internet thường không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các kết quả khảo sát cho thấy người dùng trong độ tuổi 25 – 29 thường có quan niệm sai lầm về bảo mật máy tính, chẳng hạn 80% số người được hỏi đồng ý với quan niệm sai lầm là sẽ an toàn nếu click vào một đường dẫn được gửi từ bạn bè và 87% trong cùng nhóm tin rằng nếu chỉ đọc nội dung trên trang web thì không có gì nguy hiểm.

Bản nghiên cứu đã cho thấy, sự thiếu hụt trầm trọng về kỹ năng và hiểu biết trong những lĩnh vực cơ bản của an toàn trực tuyến. Mặc dù phần mềm diệt virus là bước quan trọng đầu tiên, hiển nhiên những thói quen bảo mật cá nhân tốt hơn là điều cần phải có. Việc công bố báo cáo về tình hình bảo mật được PCTools đưa ra cùng với việc công bố bộ sản phẩm bảo mật có giao diện tiếng Việt cho thị trường Việt Nam, gồm có PC Tools Internet Security và PC Tools Spyware Doctor with AntiVirus…(ICTnews 7/3/2012)

Từ tháng 4, kiểm tra hoạt động quảng cáo rao vặt tại 12 quận, huyện

Ngày 6/3/2012, Sở TTTT Hà Nội đã giao ban quý I/2012 về quản lý, tổ chức hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV); quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại các đại lý. Tính đến ngày 5/3, Sở TTTT Hà Nội đã gửi 19 công văn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt liên lạc 2.177 số điện thoại vi phạm quy định về QCRV. Trong đó Viettel có 1.035 số điện thoại vi phạm, Vinaphone 521 số, Mobifone 337 thuê bao, VNPT Hà Nội 257 số, Vietnamobile 23 số, S-Fone 2, Beeline 1 và FPT 1. Sở TTTT Hà Nội sẽ phối hợp với Sở VH-TT-DL Hà Nội triển khai kế hoạch liên ngành kiểm tra xử lý QCRV làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường. Theo đó, từ tháng 4/2012, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra tại 12 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm.

Về việc quản lý hoạt động đại lý Internet, mới có 7 quận, huyện, thị xã gửi báo cáo về Sở TTTT, trong có 6 đơn vị (gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Thanh Oai, Từ Liêm và thị xã Sơn Tây) khẳng định không còn đại lý nằm gần trường học dưới 200m. Riêng huyện Quốc Oai còn 1 đại lý nằm gần trường học. Sở TTTT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ngắt đường truyền và trò chơi trực tuyến của các đại lý vi phạm quy định. Công ty Viễn thông FPT cần có khuyến cáo để không sử dụng các biển QCRV bằng băng rôn cỡ nhỏ gây mất mỹ quan đô thị, vi phạm quy định của UBND TP.Hà Nội. (Hà Nội Mới 7/3/2012)

Mạng chuyên dùng – nhiều đơn vị chưa khai thác được lợi ích

“Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước” được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bưu điện Trung ương thuộc Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) trực tiếp xây dựng và quản lý vận hành theo công văn số số 228/CP-CN ngày 19/2/2004. Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD hay gọi tắt là mạng chuyên dùng) được xây dựng là mạng dùng riêng tốc độ cao, công nghệ hiện đại, tiên  tiến, mạng lõi sử dụng phương thức chuyển mạnh nhãn đa giao thức (IP/MPLS), được tách biệt hoàn toàn với các mạng công cộng khác. Kết nối mạng tại tất cả các đơn vị đều sử dụng cáp quang tốc độ 100/1000 Mbps. Các kết nối đều đảm bảo tính dùng riêng, an toàn, bảo mật và tính dự phòng cao, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt 24/7.

Từ tháng 3/2009, mạng TSLCD đã được sử dụng để cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trực tuyến của Chính phủ đến 63 tỉnh/thành trên cả nước. Ngoài ra, nhiều Bộ, Ban, Ngành khác cũng thường xuyên sử dụng hệ thống THHN trên nền mạng TSLCD để tổ chức các cuộc họp giao ban trực tuyến. Cho tới nay đã có 84/92 cơ quan Bộ, Ban, Ngành Trung ương đã sử dụng các dịch vụ và ứng dụng trên mạng TSLCD. Trong khi đó, hiện trạng sử dụng dịch vụ tại các tỉnh/thành phố là khu vực miền Bắc 81%, khu vực miền Trung 67%, khu vực miền Nam 66%.

Hiện nay, các dịch vụ sẵn sàng cung cấp trên mạng TSLCD có như: THHN, Mega eMeeting (dịch vụ gia tăng của THHN truyền thống, truy cập Internet, cho thuê chỗ đặt máy chủ (Hosting), kết nối mạng riêng ảo (IP/MPLS VPN lớp 2, lớp 3), truy nhập từ xa (Remote Access IP VPN), máy chủ Web, Email (Web & Email server), MyTV (IPTV).

Trong thời gian tới, các dịch vụ được Cục Bưu điện Trung ương phát triển gồm: thoại IP dựa trên mạng TSLCD (Softswitch), Data Center (Trung tâm tích hợp dữ liệu), máy chủ ảo, tài nguyên, dữ liệu, chia sẻ tìm kiếm thông tin, phần mềm trực tuyến (SaaS), trên nền IPv6. Mặc dù nhiều đơn vị đã tận dụng được mạng TSLCD để phục vụ công tác của mình, tuy nhiên cũng có nhiều đơn vị hiện chưa khai thác được lợi ích của mạng TSLCD, theo đánh giá của Bưu điện Trung ương là có một số nguyên nhân. Thứ nhất là một số cơ quan Đảng, Nhà nước chưa có các bài toán ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành, triển khai với quy mô rộng trong từ trung ương đến địa phương hoặc trong nội tỉnh/thành.

Mạng TSLCD đã triển khai hoàn thành tại 63 tỉnh/thành, một số địa phương đã tiến hành khai trương mạng, nhiều địa phương chưa hiểu rõ vai trò, mục đích khi triển khai xây dựng mạng TSLCD nên chưa chú trọng đến việc sử dụng mạng TSLCD. Tình hình cụ thể tại các địa phương, mạng TSLCD đã được các địa phương cho biết cũng vẫn còn một số vấn đề về tốc độ. Ông Lê Hữu Thịnh, Giám đốc Sở TTTT Đắc Lắc cho biết địa bàn Đắc Lắc rộng, nhiều huyện xa trên hàng trăm km. Tín hiệu của mạng TSLCD có âm thanh tốt nhưng số huyện ở xa thì chỉ triển khai cáp đồng nên cần nghiên cứu nâng cấp độ lên gấp đôi. (ICTPress 7/3/2012)

Hơn 10.000 máy tính cơ quan hành chính ở TP.HCM sẽ dùng Bkav

Vượt qua các nhà sản xuất phần mềm diệt virus của nước ngoài, Công ty Bkav vừa thắng gói thầu cung cấp Giải pháp tổng thể phòng, chống virus Bkav Endpoint Enterprise cho các cơ quan hành chính tại TP.HCM. Theo đó, hơn 10.000 máy tính trên toàn TP.HCM sẽ được triển khai giải pháp này. Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bkav là sản phẩm chiếm ưu thế trước các phần mềm diệt virus của nước ngoài có mặt trên thị trường khi có tới 73,95% doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Bkav cũng đang nắm giữ 85% thị phần phần mềm diệt virus có bản quyền tại Việt Nam. (Pháp Luật TP.HCM 7/3/2012)

Kaspersky Endpoint Security ra mắt phiên bản Việt hóa

Hôm nay (7/3), Kaspersky Lab Việt Nam đã chính thức công bố ra mắt phiên bản Kaspersky Endpoint Security 8.0 với giao diện tiếng Việt. Theo Kaspersky, đây là phiên bản được trông đợi nhất của hàng trăm nghìn khách hàng đang sử dụng Kaspersky doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, giao diện Tiếng Việt của phiên bản Kaspersky Endpoint Security 8.0 dùng cho các máy tính trong mạng nội bộ có tùy chọn thêm ngôn ngữ tiếng Anh. Các tính năng phần mềm được Việt hóa nội dung khá hoàn chỉnh. Các thông báo bảo mật cũng được chuyển sang tiếng Việt, giúp người dùng dễ hiểu và tương tác với Kaspersky chính xác hơn.

“Ra mắt Kaspersky Endpoint Security 8.0 tiếng Việt là một cột mốc quan trọng của Kaspersky Việt Nam sau 4 năm có mặt tại thị trường này. Bằng việc đưa thêm tiện ích ngôn ngữ tiếng Việt, chúng tôi mang đến cho khách hàng giao diện thân thiện hơn khi sử dụng bên cạnh những tính năng mạnh mẽ của sản phẩm Kaspersky mới và qua đó đưa giải pháp bảo mật của Kaspersky ứng dụng vào doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn”, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Điều hành NTS Security chia sẻ…

Được biết, Kaspersky Endpoint Security 8.0 là sản phẩm mới nhất của Kaspersky dành cho doanh nghiệp với các tính năng bảo vệ 4 lớp: máy trạm (Work station), máy chủ lưu trữ dữ liệu (File server), máy chủ lưu trữ thư điện tử (Mail server), Cổng vào Internet (Internet gateways). Ngoài ra, Kaspersky Endpoint Security 8.0 còn hỗ trợ quét virus cho các máy điện thoại thông minh kết nối vào hệ thống và các thiết bị lưu trữ (Storage). Phần mềm quản trị tập trung (Kaspersky Security Center) có mặt trong tất cả các gói KOSS giúp thao tác quản trị hệ thống thuận tiện, dễ dàng cài đặt từ trung tâm, báo cáo, cập nhật cơ sở dữ liệu anti-virus hoàn toàn tập trung. (ICTnews 7/3/2012)

Singapore tài trợ sản phẩm của sinh viên Việt

Công cụ chuyển đổi văn bản tĩnh thành ứng dụng có tính tương tác cao do sinh viên Việt Nam sáng tạo được Cục Phát triển truyền thông Singapore tài trợ dự hội thảo công nghệ quốc tế. Sinh viên Võ Hoàng Hải, 23 tuổi, đang học năm 3 ngành kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã phát triển công cụ xuất bản kỹ thuật số tích hợp đầu tiên trên thế giới. Với tên gọi Papyrus, sản phẩm này cho phép người sử dụng dễ dàng thêm hình ảnh động, video, tạo hiệu ứng âm thanh… vào văn bản truyền thống, sau đó xuất bản thành một ứng dụng trên điện thoại thông minh iPhone và máy tính bảng iPad.

Ý tưởng xuất bản kỹ thuật số được thai nghén từ năm 2010, khi Hải bỏ ngang ngành CNTT để chuyển sang học kinh tế, đồng thời lập ra Công ty Epsilon Mobile cùng 2 kỹ sư người Việt khác. Hành trình đi đến Papyrus, như Hải chia sẻ, tuy không dài nhưng đã trải qua giai đoạn công ty lập trình riêng lẻ công cụ xuất bản cho nhiều khách hàng.

Papyrus cho phép khách hàng tùy biến ứng dụng theo nhu cầu. So với các dịch vụ xuất bản kỹ thuật số khác vốn thường đưa nhiều tạp chí khác nhau hoặc văn bản của nhiều công ty vào cùng một ứng dụng, Papyrus tạo ứng dụng riêng cho từng nhà xuất bản và công ty, giúp nâng cao thương hiệu. Ngoài ra, định dạng nội dung tương tác kỹ thuật số (Enhanced Digital Animation – EDA) được mã hóa do Epsilon Mobile thiết kế còn giúp bảo đảm bản quyền cho văn bản.

Sáng tạo được đánh giá “có tính thực tiễn cao” của Hải đã nhận được tài trợ 5.000 SGD (85 triệu đồng) từ quỹ của Trung tâm doanh nghiệp thuộc NUS năm 2011. Cục Phát triển truyền thông Singapore (MDA) cũng tài trợ cho Epsilon Mobile 7.000 SGD phí tham gia hội thảo giới thiệu sản phẩm công nghệ mới châu Á (DEMO Asia) từ ngày 29.2 – 3.3.2012 tại Singapore. DEMO Asia 2012 do Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG – Mỹ) phối hợp với tập đoàn báo chí lớn nhất Singapore SPH tổ chức với sự tham gia của 30 công ty công nghệ từ 10 quốc gia, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Singapore…

Giám đốc một công ty xây dựng thương hiệu của Malaysia sau khi xem phần giới thiệu về Papyrus tại DEMO Asia 2012 đã đặt vấn đề hợp tác với Epsilon Mobile. Ông này cho biết nhiều khách hàng của ông đã từng nêu ý tưởng quảng bá sản phẩm bằng hình thức tương tự như ứng dụng của Papyrus, nhưng ông “chưa tìm được nguồn cung”. Hiện đã hoàn tất và đưa vào xuất bản trên iPhone và iPad, Papyrus đang được tiếp tục phát triển cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android. Dự kiến trong 6 tháng tới, Papyrus sẽ được chính thức ra mắt bản hoàn chỉnh cho cả thiết bị của Apple lẫn Android, Hải cho biết. Khi đó, công cụ này sẽ có mặt tại epsilon-mobile.com. Người dùng sẽ trả một khoản phí đăng ký mở tài khoản với Papyrus và được lưu trữ nội dung miễn phí. Tùy số lượng trang văn bản chuyển đổi thành ứng dụng tương tác mà người dùng sẽ trả phí từ 10 – 50 SGD (170.000 – 850.000 đồng)/trang… (Thanh Niên 7/3/2012).

Tin tổng hợp.