Từ trước đến nay, Microsoft và Apple đã luôn là đối thủ của nhau trên trên mọi mặt trận mà họ đã tham gia, từ hệ điều hành dành cho máy tính cho đến những nền tảng di động.
Nếu như ở phân khúc máy tính, Microsoft là ông lớn thực sự bởi hệ điều hành Windows của Mircosoft là quá bá đạo khi chiếm ưu thế tuyệt đối với hơn 90% người dùng và nhả lại chưa đến 10% thị phần cho Mac cùng các hệ điều hành khác. Thì trong lĩnh vực di dộng, công ty của Bill Gates lại mang một hình ảnh khác: lay lắt và thiếu sức sống. Windows Phone của hãng vẫn đang phải chật vật kiếm tìm thị phần trong bối cảnh mà cái bóng của iOS và Android là quá lớn để có thể vượt qua.
Cũng không khó để lý giải cho việc Microsoft thành công ở mảng điện toán máy tính bởi mô hình kinh doanh của công ty này mang tính mở hơn rất nhiều so với của Apple. Thay vì khép kín mọi thứ từ A đến Z thông qua các công đoạn sản xuất máy tính, thiết kế hệ điều hành, quảng cáo và phân phối sản phẩm như Táo thì ông chủ của Windows lại chọn cách chỉ phân phối Windows tới các đối tác sản xuất máy tính của mình và hỗ trợ họ khi người dùng mua máy tính sử dụng Windows gặp rắc rối. Kết quả của cách làm này đã được thể hiện quá rõ trong những năm qua, số lượng máy tính sử dụng Windows luôn chiếm một phần rất rất lớn ở phân khúc PC.
Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, hiện tại thì đối thủ truyền kiếp của Apple đang muốn bành trướng thế lực của mình sang cả lĩnh vực di động, nơi mà vị thế của Microsoft vẫn chưa là gì khi so sánh với Apple hay Google. Với việc cho ra mắt chiếc máy tính bảng Surface do chính mình phát triển, Microsoft đang chứng minh cho giới công nghệ thấy rằng mình không biết nói đùa. Vấn đề đặt ra là cách làm này của Mircosoft đang đi ngược lại với quá khứ và phải chăng Microsoft đang muốn trở thành một Apple thứ hai khi tự sản xuất phần cứng riêng cho nền tảng của mình?
Không có gì là bất biến
Không có một mô hình kinh doanh nào là hoàn hảo cả, do vậy mà những mô hình của Apple và Microsoft cũng không nằm ngoài quy luật này dù rằng chúng rất khác nhau từ mục đích cho đến cách thức thực hiện. Apple thì khép kín tất cả mọi quy trình sản xuất để có thể kiểm soát tốt hơn sản phẩm của mình cũng như định vị thương hiệu trong mắt người dùng một cách rõ ràng hơn trong khi cách cách làm của Microsoft lại đem đến độ phủ cao cho tất cả các phân khúc người dùng.
Tuy nhiên thì một chiến lược không thể thành công mãi mãi được khi mà PC và các thiết bị di động quá khác nhau do vậy mà nếu Microsoft cứ chỉ áp dụng một nguyên tắc cũ cho các hoạt động khác nhau thì sẽ rất khó để đảm bảo rằng gã khổng lồ ngành sản xuất phần mềm này sẽ thành công. Đây được coi là quy tắc nằm lòng cho bất cứ công ty kinh doanh nào: Phải biết thay đổi để tồn tại mà Nokia là một minh chứng không thể phù hợp hơn khi mà hãng điện thoại Phần Lan tỏ ra bảo thủ với nền tảng Symbian cũ kỹ để rồi dần đánh mất ngôi vương của mình vao tay Samsung.
Bài học Android xương máu
Việc đặt chân sang nền tảng di động là một bước đi hợp với xu thế dịch chuyển của làng công nghệ bởi vai trò của PC đang dần dần bị lấn át bởi các thiết bị di động dẫu rằng chúng sẽ không thể nào biến mất. Thời kỳ hậu PC mà Steve Jobs đã nói tới trước đây đang hiển hiện trước mắt chúng ta, smartphone và tablet đang làm được rất nhiều thứ và đủ khả năng để thay thế phần lớn nhiệm vụ của những chiếc PC. Chân ướt chân ráo đi vào một lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình hẳn Microsoft cũng có thể thấy được nhiều bài học của những người đi trước.
Về cơ bản thì mô hình hoạt động mà Google áp dụng Android cũng tương tự như những gì mà Microsoft đã làm với Windows: Không sản xuất phần cứng mà phân phối nền tảng tới các nhà sản xuất thiết bị. Tính mở và những ưu thế của cách làm này lại một lần nữa phát huy hiệu quả, smartphone Android đang là ông chủ của ngành công nghiệp điện thoại di động dù chỉ là kẻ đi sau iPhone.
Ỷ vào chiến thắng trên mặt trận smartphone mà Google lại tiếp tục sử dụng chiến lược này dành cho các thiết bị tablet. Sai lầm là của Google là ở đây, smartphone và tablet là hai thiết bị khác nhau chính vì thế mà không thể áp dụng cùng một chiến lược. Dù cho Android đang thắng thế trên những chiếc điện thoại nhưng khi nói về tablet, iPad của Apple mới thực sự là ông chủ. Việc cung cấp Android cho rất nhiều đối tác đã dẫn đến những điểm yếu chết người đó là sự phân mảnh và chất lượng không đảm bảo. Đó là một bài học mà Microsoft không thể làm ngơ.
Nhận ra thất bại, Google đã nhanh chóng chữa cháy bằng cách mua lại Motorola Mobility nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng cho các thiết bị Android bên cạnh việc bảo vệ nền tảng di động của mình khỏi những vấn đề về pháp lý mà Apple muốn gây sự thông qua những bằng sáng chế mà Motorola đang sở hữu. Bước đầu, Google đã manh nha đi theo con đường của Apple khi có thông tin cho rằng hãng này sẽ cho ra mắt máy tính bảng của mình vào cuối năm nay. Tất nhiên, cách làm này vẫn tồn tại những rủi ro khi mà Google sẽ có khả năng dẫm chân lên các đối tác sản xuất smartphone của mình như Samsung, HTC hay LG. Thật may là điều đó đã không xảy ra khi mà các hãng sản xuất khác vẫn tiếp tục cho ra các sản phẩm smartphone mới của mình bởi ngoài Android thì họ không có lựa chọn nào khác khi phải đối đầu với iOS của Apple.
Cách làm của Microsoft
Dựa trên những gì mà Google đã làm, Microsoft hoàn toàn có cơ sở và niềm tin để đi theo gã khổng lồ ngành tìm kiếm này. Sẽ là quá mạo hiểm cho Microsoft nếu như hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới cứ mãi dựa dẫm vào các đối tác phần cứng như đã từng làm bởi nó sẽ đẩy thương hiệu của Windows 8 vào những sai lầm của Android.
Bài học Android lại được lấy ra để làm ví dụ: Dù cho tất cả đã hợp sức với nhau những vẫn không thể đánh bại được con cưng iPad của Táo. Chính vì thế mà Microsoft không cần và không nên khép kín hoàn toàn như Apple mà thay vào đó hãng này sẽ tự sản xuất ra tablet bên cạnh cũng như khuyến khích các đối tác của mình sản xuất tablet. Bởi để đấu lại Apple đã quá nổi tiếng và quá giỏi với việc khép kín thương hiệu là quá khó, bắt chước máy móc cách làm của Táo chỉ là một múa rìu qua mắt thợ không đem lại hiệu quả mà thôi.
Để có thể trấn an các nhà sản xuất phần cứng tạo ra thiết bị dựa trên nền tảng Windows là một việc không hề dễ dàng dành cho Microsoft. Hiệu ứng của việc tự sản xuất tablet đã xảy ra. Dell hay Lenovo và nhiều cái tên đáng chú ý khác nữa đương nhiên là không hài lòng với quyết định của Microsoft, điều này là tất yếu khi mà họ không còn nắm thế chủ động cung cấp thiết bị phần cứng độc quyền cho sản phẩm phần mềm của Microsoft. Khó nhưng đó là một việc phải làm nếu như Microsoft không muốn mình là kẻ thất bại tiếp theo của iPad.
Bên cạnh đó thì Microsoft cũng cần đặt ra những quy chuẩn riêng cho các nhà sản xuất thiết bị nhằm đảm bảo được chất lượng của các tablet chạy Windows 8. iPad thành công một phần là nhờ vào việc kiểm soát tốt chất lượng thiết bị đến từ hoạt động tự sản xuất phần cứng và cung cấp phần mềm tới tay người dùng. Học hỏi những cái hay của đối thủ cũng là một việc thường thấy trong kinh doanh mà Microsoft cũng nên áp dụng.
Microsoft đã và đang bắt đầu một cuộc chiến mới với Apple nơi iPad đang là kẻ thống trị trong một khoảng thời gian dài. Rất khó để có thể đoán định được tương lai do đó mà cách làm của Microsoft liệu có thành công hay không khoan hãy xét tới. Viễn cảnh các ông lớn cạnh tranh nhau là rất tốt không chỉ cho người dùng nói riêng mà còn cho sự phát triển của giới công nghệ nói chung. Hãy cùng chờ xem cuộc chiến này sẽ diễn biến tới đâu trong thời gian tới.
Theo Vietnamnet.