Sau khi Megaupload bị đóng cửa và nhà sáng lập bị bắt giữ, hàng loạt các dịch vụ chia sẻ file trực tuyến đã cảm thấy “run sợ” và bắt đầu những động thái để xóa các nội dung vi phạm bản quyền trên dịch vụ của mình, nhằm tránh “vết xe đổ” của Megaupload.
Tiên phong trong việc “tự nguyện” ngừng tính năng chia sẻ phim, game và các loại phần mềm có thể kể đến FileSonic,FileServe và Uploaded.to, 3 trong số các dịch vụ chia sẻ file lớn nhất hiện nay.
“Có vẻ như việc đóng cửa Megaupload đã tạo nên một hiệu ứng dây chuyền” – Dennis Fisher, tổng biên tập trang blog bảo mật Threatpost nhận xét – “Có vẻ như việc nhằm vào Megaupload đầu tiên cũng đồng nghĩa với việc gửi đi một thông điệp đến những dịch vụ chia sẻ file tương tự”.
MegaUpload bị đem ra làm gương cho những dịch vụ tương tự.
Các dịch vụ upload và chia sẻ file là những trang web cho phép người dùng dễ dàng upload, lưu trữ và chia sẻ mọi loại dữ liệu khác nhau trên các máy chủ của những dịch vụ này. Các loại dữ liệu được chia sẻ có thể gồm phim, nhạc, game, phần mềm…
Tuy nhiên, các dịch vụ chia sẻ file thường rất ít, hoặc thậm chí không quan tâm đến các dữ liệu mà người dùng đăng tải, nên thường bị cáo buộc không có hành động để ngăn chặn các nội dung vi phạm bản quyền được chia sẻ lên dịch vụ của mình.
Theo thông kê mới đây, có đến hơn 1.636 dịch vụ chia sẻ dữ liệu khác nhau trên toàn thế giới, với hơn 4 triệu nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực này. Trong đó, 25% lượng người dùng chia sẻ dữ liệu miễn phí thông qua Megaupload, 22% sử dụng dịch vụ Dropbox, 15% từ MediaFire. 3 dịch vụ chia sẻ dữ liệu lớn tiếp theo bao gồm FileSonic, 4shared và FilesTube.
Điều này khiến cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giải trí tại Mỹ luôn yêu cầu chính phủ nước này mạnh tay hết mức có thể để kiểm soát những dịch vụ chia sẻ này, ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền rộng rãi như hiện nay.
Đáng chú ý trong đó là dịch vụ chia sẻ dữ liệu FileSonic, khi trang web này mới đây đã “tự nguyện” đóng cửa tính năng chia sẻ dữ liệu, đồng thời bắt đầu thiết lập các thỏa thuận để phân phối nội dung chính thức từ các nghệ sĩ. Tuy nhiên, những hợp đồng này sẽ bị vô hiệu hóa nếu các cơ quan chức năng phát hiện ra hành động vi phạm bản quyền trên FileSonic.
Bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, FileSonic đã bắt đầu quét những dữ liệu mà người dùng upload lên dịch vụ này và loại bỏ những nội dung vi phạm bản quyền, trước khi chính thức ngừng chức năng chia sẻ dữ liệu vào cuối tháng 1 vừa qua. Đây được xem là một động thái phòng xa và thông minh mà FileSonic thực hiện để tránh đi vào “vết xe đổ” của Megaupload.
Ngoài FileSonic, hàng loạt những dịch vụ chia sẻ khác như VideoBB, Filepost, Videozer, 4Shared… cũng đã bắt đầu chiếc dịch quét và xóa những nội dung vi phạm bản quyền trên các máy chủ của mình.
Những động thái trên cho thấy chính phủ Mỹ đã phần nào thành công trong việc trấn áp và hạn chế các nội dung vi phạm bản quyền đang được chia sẻ trên Internet. Rất có thể, Megaupload sẽ chỉ là “nạn nhân” bị đem ra để làm gương cho những dịch vụ khác mà thôi, chứ không phải là khởi động cho những hành động nặng tay thực sự của chính phủ Mỹ.
Theo Dân Trí.