Kiểm soát “bùng nổ dữ liệu” bằng điện toán đám mây

Sự bùng nổ dữ liệu và bảo mật thông tin đang là hai thách thức đau đầu nhất của các tổ chức/doanh nghiệp tại thời điểm này.

Theo dự báo của EMC, trong thập kỷ tới, lượng dữ liệu sẽ tăng tới 20 lần so với hiện nay, trong khi nguồn nhân lực CNTT chỉ tăng khoảng 1,5 lần. Chính sự tăng trưởng quá nhanh này sẽ khiến cho Doanh nghiệp mất khả năng kiểm soát và khả năng dữ liệu rơi vào tay bọn tội phạm mạng cũng cao hơn.

 
Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc EMC Việt Nam: "Sự quan tâm của khách hàng VN đến đám mây là không phải bàn cãi". Ảnh: Mạnh Vỹ.

Một yếu tố khác khiến cho tình hình càng trở nên nan giải hơn, là việc hầu hết tổ chức/doanh nghiệp đang dành khoảng 75% chi phí IT hàng năm cho việc duy trì hoạt động của hệ thống đang vận hành. Chỉ có khoảng 25% nguồn vốn còn lại được sử dụng, đầu tư cho các công nghệ mới.

Theo các chuyên gia, điện toán đám mây đang được coi là giải pháp lý tưởng để khắc phục các thách thức nói trên. Trong điện toán đám mây, các tài nguyên và dịch vụ công nghệ thông tin được tách khỏi cơ sở hạ tầng và được cung cấp theo nhu cầu, phù hợp với quy mô trong một môi trường đa người dùng. Nhiều doanh nghiệp sẽ có thể tiết kiệm tới 50% chi phí truyền thống.

“Sự quan tâm của khách hàng Việt Nam đến điện toán đám mây là không phải bàn cãi. Điểm mấu chốt là làm sao triển khai cho hiệu quả, đồng thời đảm bảo được yếu tố an ninh”, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc EMC Việt Nam cho biết. Trên thực tế, theo đánh giá của ông Toàn thì các CIO Việt thậm chí còn tiếp cận nhiều công nghệ mới nhanh hơn các nước khác trong khu vực, một phần vì họ không lệ thuộc vào các công nghệ cũ, phần vì đa phần họ đều là người trẻ, dễ chấp nhận công nghệ mới hơn.

 
Ông Trần Nguyên Vũ, đại diện Bộ Tài chính (thứ hai từ trái sang) dự đoán điện toán đám mây sẽ là công nghệ "ai cũng cần dùng". Ảnh: Mạnh Vỹ.

Tuy vậy, ông Toàn cũng nhấn mạnh rằng, dù điện toán đám mây mang lại những giá trị như tránh lãng phí tài nguyên, tiết kiệm chi phí (điện, quản lý, con người), nhưng không phải lúc nào những lợi ích của nó cũng nhìn thấy tức thời. “Một số phương diện có thể phải chờ 2-3 năm mới bắt đầu phát huy hiệu quả”.

 

Đồng tình với quan điểm của ông Toàn, ông Trần Nguyên Vũ, Phó Cục Trưởng – Cục Tin học và Thống kê tài chính Bộ Tài Chính cho rằng, vài năm trước, ý niệm điện toán đám mây còn xa vời nhưng sau vài năm nữa, công nghệ này sẽ “thực sự đi vào đời sống, ai cũng phải dùng”.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang sử dụng hệ thống lưu trữ cao cấp VMAX của EMC với khả năng mở rộng lớn nhất thế giới.

Theo Vietnamnet.