Đối với nhiều trẻ một, hai hoặc 3 tuổi, iPhone đã trở thành một đồ chơi thay thế những đồ chơi truyền thống như búp bê, đồ vật, hay sách báo…
Điện thoại iPhone đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông, đồng thời nó còn là công cụ có ảnh hưởng nhất để “nịnh nọt” một đứa trẻ hay uốn éo. Nhờ điện thoại iPhone, các cặp vợ chồng có thể thoải mái ăn uống trong các nhà hàng hay tự do đi mua sắm ở siêu thị.
Natasha Sykes, sống ở Atlanta (Mỹ), mẹ của hai đứa trẻ, kể về kỷ niệm của cô con gái nhỏ Kesley: “Khi được 2 tuổi, Kesley đã cầm chiếc điện thoại iPhone của bố. Cô bé bấm nút, điện thoại sáng lên, ánh mắt nó ngạc nhiên như muốn nói ‘whoa’!”.
Natasha Sykes sau đó bảo Kesley trả iPhone cho bố, cô bé liền khóc ré lên. “Dường như cô bé rất thích chiếc điện thoại iPhone”, Sykes bày tỏ.
“Kelsey và anh trai hơn hai tuổi có rất nhiều đồ chơi như ô tô, bộ xếp hình, búp bê, sách. Nhưng không gì có thể so sánh với iPhone. Nếu để chúng lựa chọn, chắc chắn chúng sẽ chọn điện thoại của Apple”, Skypes nói thêm.
Brady Hotz, chưa tròn 2 tuổi. Một hôm, mẹ cậu bé, Kellie Hotz muốn đưa cậu ra ngoài, nhưng bằng những cử chỉ dỗi mẹ, cậu nhất quyết đòi xem bằng được chương trình Mickey Mouse Clubhouse trên TV, mẹ cậu liền mở chương trình thông qua web chia sẻ video YouTube trên màn hình iPhone. Cậu bé đã rất thích thú, sau đó mới chịu ngồi trên xe của mẹ”.
“Đôi khi tôi cần điện thoại vì có cuộc gọi hay tin nhắn đến, nhưng cháu bé quá say mê với chiếc iPhone và không sẵn lòng trả lại cho mẹ”, Kellie Hotz cho biết.
Apple, nhà thiết kế và sản xuất điện thoại iPhone đã tạo nên một sản phẩm dễ sử dụng, nhiều tiện ích không chỉ cho người lớn mà cho cả trẻ nhỏ. Bằng cách chạm nhẹ lên màn hình, các chương trình liền mở ra, phục vụ các nhu cầu của người dùng.
Trên kho ứng dụng App Store có rất nhiều ứng dụng dành cho iPhone hướng đến đối tượng trẻ nhỏ chẳng hạn như ứng dụng Shape, yêu cầu trẻ chạm vào ô tròn, vuông hay tam giác trên màn hình. Pocket Zoo, trực tiếp phát các video về sở thú trên toàn thế giới.
Hay chương trình “flash cards” nhằm dạy trẻ đọc và đánh vần, ứng dụng “Wheels on the Bus” giúp trẻ hát những bài hát phổ biến với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Mặc dù vậy, cùng với sự lo lắng trẻ có thể đánh rơi hoặc làm hỏng chiếc điện thoại iPhone, một vấn đề đặt ra đối với các bậc cha mẹ đó là có nên cho trẻ xem các chương trình TV ngay trên iPhone hay không.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ American Academy of Pediatrics khuyên các bậc cha mẹ không nên cho trẻ xem các chương trình TV khi chúng chưa đầy 2 tuổi.
Trong khi đó, một bà mẹ sống ở Washington có tên Jill Mikols Etesse lại tin tưởng rằng nhờ điện thoại iPhone mà cô con gái mới 3 tuổi của bà có thể đọc, phát âm, đánh vần tốt hơn so với đứa chị khi bằng tuổi.
Tuy nhiên, Jane M. Healy, một nhà giáo dục ở Vail (Mỹ) cho hay: “Bất cứ bậc cha mẹ nào nghĩ một chương trình đánh vần sẽ giáo dục cho trẻ ở độ tuổi đó là đang đánh mất đi cách bộ não trẻ tiền đến trường phát triển. Cái trẻ nhỏ cần ở độ tuổi này là phát triển thể trạng”.
Tovah P. Klein, giáo sư thuộc trường đại học Columbia University lại chia sẻ: “Trẻ ở độ tuổi tiền đến trường rất tò mò, chúng thường theo dõi và bắt chước mọi thứ”.
Hiện đang có hai xu hướng đó là các cặp vợ chồng cho phép con cái họ sử dụng iPhone, và số khác không cho phép. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, họ khuyên các bậc cha mẹ không nên cho trẻ nhỏ chơi cùng iPhone. Bởi vì trẻ học tốt nhất qua những hoạt động giúp chúng thích nghi chứ không phải từ những ứng dụng “ma thuật” như trên điện thoại iPhone.
Huệ Vũ
Theo NYT