Internet đóng góp 0,9% GDP của Việt Nam

Internet đóng góp 0,9% trong GDP, trong đó có một phần đáng kể đến từ mảng tiêu dùng cá nhân, và đóng góp 1,6% trong tổng số 14,4% mức tăng trưởng GDP của Việt Nam.


Bên cạnh những giá trị quy đổi hữu hình thì Internet còn đóng góp nhiều giá trị vô hình cho sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển như Việt Nam.


Những con số ấn tượng này có trong báo cáo “Trực tuyến và xu hướng sắp tới: Tác động của Internet đối với các quốc gia đang lên” vừa được Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company công bố sáng nay, 25/4/2012, tại Tọa đàm với chủ đề “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức.

Theo McKinsey, mức đóng góp 0,9% của Internet trong GDP của Việt Nam hiện đang tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc, cao hơn tại Nga nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia, 3,2% ở Ấn Độ và 2,6% ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Tọa đàm sáng nay, ông Shaowei Ying, Phó Giám đốc Văn phòng Singapore, Công ty McKinsey & Company, lạc quan dự báo mức đóng góp của Internet vào GDP tại Việt Nam sẽ sớm tiệm cận mức trung bình của khu vực (2%) và còn có thể đạt tới 2,5% trong tương lai.

Ông Shaowei Ying cũng đã công bố rất nhiều con số đáng chú ý về Việt Nam, chẳng hạn: các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã tăng 19,3% hiệu quả kinh doanh nhờ vào Internet (Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tăng cao nhất trong số 30 quốc gia đang lên tham gia cuộc khảo sát của McKinsey); mức độ thặng dư tiêu dùng của Việt Nam đạt mức trung bình trong số các quốc gia đang lên (khoảng 14 USD/tháng, tương đương 25 tỷ USD/năm ở 9 quốc gia đang lên); tính hoàn thiện của hệ sinh thái Internet ở Việt Nam hơi thấp hơn giá trị trung bình của khu vực (Việt Nam đạt 24 điểm trong khi trung bình khu vực đạt 37) nhưng tính hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái lại cao hơn mức trung bình khu vực (Việt Nam – 33, trung bình khu vực – 31).

Một tin vui khác cũng được McKinsey công bố là hơn 1/3 người sử dụng Internet tại Việt Nam truy cập các trang bán hàng hoặc đấu giá trực tuyến; hơn 1/2 người dùng Internet tại Việt Nam tin rằng mua hàng trực tuyến giúp cho họ tiếp cận với một danh mục sản phẩm đa dạng và phong phú hơn.

Tuy nhiên, McKinsey & Company cũng thẳng thắn nhận định rằng “dù thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên thị trường này vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức”.

Ghi nhận những con số khảo sát của McKinsey, nhưng ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng chia sẻ nhận định: Internet đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên, ý nghĩa giá trị vô hình mà Internet mang lại còn lớn hơn rất nhiều so với những con số định lượng. Chẳng hạn, Internet đã giúp nâng cao dân trí, tạo nền tảng dân chủ lành mạnh cho sự phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho rằng dường như tác động của Internet đối với khu vực phi kinh tế, phi thương mại đang lớn hơn khu vực kinh tế, thương mại. Khoảng 5 năm nữa, tác động của Internet vào khu vực kinh tế mới có thể cao hơn khu vực phi kinh tế.

Ông Hưng đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước không nên quá siết chặt các biện pháp quản lý nội dung kinh doanh trên Internet như đối với quản lý nội thông tin tin chính trị, văn hóa, xã hội… Cần tách bạch nội dung kinh doanh trên Internet với nội dung thông tin chính trị, văn hóa, xã hội…

Chia sẻ về vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực Internet, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định các cơ quan quản lý như Bộ TT&TT đang dùng nhiều biện pháp về kinh tế, hành chính, hình sự… để ngăn cản những tác động xấu của Internet. Mục tiêu cuối cùng vẫn là ngăn chặn để phát triển. Hoạt động quản lý cũng như các cơ chế chính sách phải theo kịp sự phát triển chứ không phải đưa ra biện pháp quản lý để hạn chế sự phát triển. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nỗ lực hỗ trợ để Internet tại Việt Nam ngày càng phát triển, đem lại lợi ích ngày càng lớn cho đất nước và người dân.

(Theo ICTnews)