Huyền thoại làng máy tính Douglas Engelbart qua đời ở tuổi 88

Douglas Engelbart – người được cho là đã có công sáng chế ra con chuột máy tính, cùng hàng loạt những công nghệ điện toán khác – mới đây vừa qua đời ở tuổi 88 do bị suy thận. Theo con gái của Engelbart, ông đã ra đi trong thanh thản vào tối ngày thứ Ba vừa qua. 

Douglas Engelbart sinh năm 1925 tại Portland, bang Oregon thuộc nước Mỹ. Sau khi phục vụ cho Hải quân trong Thế chiến II, ông theo học kỹ thuật điện. Sau khi hoàn thành học vị tiến sĩ tại Đại học UC Berkeley vào năm 1955, ông chuyển đến Thung lũng Silicon và làm việc tại Viện nghiên cứu Stanford. Lấy cảm hứng từ các nhà khoa học hàng đầu về máy tính trước đó như Vannevar Bush, Engelbart đã cho ra đời những phát minh mà về sau đã thay đổi cách chúng ta tương tác với thế giới.

1

Chân dung Douglas Engelbart.

Trong 15 năm làm việc tại Viện nghiên cứu Stanford, ông là người phụ trách hàng chục dự án khác nhau, nhưng những đóng góp đáng nhớ nhất của ông trong số đó phải kể tới là con chuột máy tính. Được phác thảo lần đầu vào năm 1961, Doug Engelbart chính là người đứng trước đám đông tại một cuộc hội thảo về máy tính tháng 12 năm 1968 để mô tả cách thức hoạt động của chuột máy tính. Nó có phần vỏ bằng gỗ còn bên trong có hai bánh xe kim loại để cung cấp dữ liệu theo hai trục, sau đó chuyển tải lên thiết bị. Bạn có thể theo dõi bài diễn thuyết lịch sử năm 1968 của ông tại đây, trong đó đoạn demo hoạt động của chuột rơi vào khoảng phút thứ 31.

2

Con chuột do Doug Engelbart và các cộng sự sáng chế được coi là chuột máy tính đầu tiên của nhân loại. 

Ông được coi là “người đã sinh ra tất cả các bản demo” – một mẫu  người luôn tiên phong, luôn đi đầu trong các cuộc cách mạng về máy tính và điện toán của nhân loại. Ngoài con chuột, Engelbart cũng là tác giả của nhiều phát minh được ví là khởi nguồn của các công nghệ về giao tiếp bằng hình ảnh, liên kết siêu văn bản, mạng máy tính ARPANET – tiền thân của internet hiện nay, các yếu tố của giao diện người dùng đồ họa hiện đại…

Dương Linh
( Theo genk.vn )