Hiến kế đẩy mạnh ứng dụng phần mềm nguồn mở

Tại Hội thảo “Phần mềm nguồn mở trong các cơ quan, tổ chức nhà nước” sáng 15/6 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng nhà nước cần có quan điểm rõ ràng và thống nhất về vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ năm 2009, hầu hết các địa phương đều có kế hoạch ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở hàng năm.

Theo ông Tuyên, có 43/63 địa phương triển khai, cài đặt, đào tạo sử dụng phần mềm nguồn mở. Tiêu biểu như Quảng Nam có 90% trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước phát triển trên nền nguồn mở. Phần mềm một cửa điện tử, trường học điện tử cũng trên nền nguồn mở.

Ở các Bộ và cơ quan ngang Bộ như Công thương, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… cũng triển khai phần mềm nguồn mở phục vụ quản lý điều hành công việc và trong hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Dùng phần mềm nguồn mở, người dùng sẽ không phải tốn chi phí mua bản quyền phần mềm thương mại, được hỗ trợ kỹ thuật miễn phí từ cộng đồng nguồn mở, chi phí bảo dưỡng thấp so với phần mềm thường mại…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ứng dụng phần mềm nguồn mở mới ở mức hệ thống như cài đặt hệ điều hành máy chủ, sử dụng nền tảng mã nguồn mở để xây dựng ứng dụng… chứ chưa thay thế các phần mềm thương mại phổ biến. Cán bộ công chức chưa thay đổi thói quen và kỹ năng sử dụng phần mềm nguồn mở…

Để đẩy mạnh ứng dụng phần mềm nguồn mở, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có quan điểm thống nhất và rõ ràng về ứng dụng phần mềm nguồn mở nhằm có kinh phí và tạo sự đồng bộ trong ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở.

Ngoài ra, việc phê duyệt dự toán chi ngân sách cho các giải pháp nguồn mở xây dựng theo yêu cầu chứ không dựa trên định mức kinh tế, kỹ thuật..

Ông Tuyên thì cho rằng, cần đưa phần mềm nguồn mở vào các trường đại học, đào tạo cán bộ công nhân viên chức ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở cũng như xây dựng hình thành một số địa phương điểm về ứng dụng phần mềm nguồn mở…/.

Theo Vietnam+