FBI: tin tặc nguy hiểm hơn khủng bố

Vừa qua, tại một buổi điều trần mở hiếm hoi của Ủy ban Tình báo thượng viện, người đứng đầu FBI Robert Mueller khẳng định gián điệp mạng và tội phạm mạng đang vượt qua chủ nghĩa khủng bố để trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ.

“Ngăn chặn khủng bố vẫn là ưu tiên số một. Nhưng trong thời gian tới, mối đe dọa trên không gian mạng sẽ là nỗi lo hàng đầu cho đất nước”, giám đốc Cục Điều tra liên bang FBI Robert Mueller lên tiếng cảnh báo Quốc hội Mỹ trong cuộc họp vào ngày 6-2.
 

 
Từ trái qua, giám đốc FBI Robert Mueller, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (DNI) James Clapper và giám đốc Cơ quan tình báo trung ương CIA David Petraeus trong một phiên họp tại Washington – Ảnh: Time


Cách đây chỉ vài ngày, FBI đã bị bẽ mặt khi nhóm tin tặc Anonymous phát tán đoạn ghi âm lén cuộc gọi dài 16 phút giữa FBI và cảnh sát Anh, trong đó các đặc vụ đang trao đổi về việc đưa những tin tặc của hai nhóm Anonymous và LulzSec bị bắt hồi năm 2011 ra tòa.

Cũng trong một sự kiện tại Francisco vào năm 2009, ông Robert Mueller đã tiết lộ suýt nữa mình trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo trực tuyến (phishing). Kẻ lừa đảo đã gửi cho ông một email giả mạo y hệt nội dung từ một ngân hàng mà ông có tài khoản. Chỉ cần thêm vài cú click chuột, người quyền lực nhất FBI sẽ sập bẫy.

Hiện tại Quốc hội Mỹ cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề bảo đảm an ninh mạng trước tần số phá hoại ngày càng tăng của giới tin tặc. Ngày 1-2, Ủy ban An ninh nội địa đang dự thảo Luật an ninh không gian mạng. Thượng viện cũng đang xem xét một dự luật mới vào cuối tháng.

Cụ thể, hai văn kiện pháp lý trên của Ủy ban An ninh nội địa và thượng viện sẽ nhắm vào chính những nạn nhân của tin tặc. Các công ty sẽ bị trừng phạt nếu không tìm cách gia cố độ bảo mật của hệ thống.
 

 
Anonymous lẫn LulzSec vẫn rất tích cực chọc giận FBI – Ảnh: Twitter


Khôi hài thay, báo cáo gần đây của Ponemon (một tổ chức nghiên cứu bảo vệ quyền riêng tư và an toàn dữ liệu) đã cho thấy chính website của những cơ quan công quyền mới là nạn nhân thường xuyên của tin tặc và gián điệp mạng.

Theo tờ Time, Hạ viện Mỹ cũng đang cân nhắc đưa ra một biện pháp khác nhằm bảo đảm an toàn thông tin trên Internet mà vẫn dễ thở hơn cho doanh nghiệp và cơ quan công quyền. Dưới sự bảo trợ của Tổ chức Chia sẻ thông tin quốc gia (NISO), các doanh nghiệp, tổ chức phải chia sẻ thông tin (về các vụ tấn công) cho mục đích bảo vệ an ninh mạng, họ sẽ được miễn áp dụng những quy định về quyền riêng tư.

Bất chấp hai “sáng kiến” của thượng viện và hạ viện, tổng thống Mỹ kêu gọi một động thái từ nhà nước liên bang. Mâu thuẫn trong cách giải quyết của hạ viện và thượng viện cũng sẽ gây “đau đầu” cho Quốc hội Mỹ trong thời gian tới.

Theo Vietnamnet.