Éo le khi Microsoft học theo Apple

Microsoft đang muốn tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt để đánh bại Apple. Thế nhưng đồng thời, gã khổng lồ phần mềm lại đang cố copy một mô hình kinh doanh quá sức thành công đóng mác Táo khuyết.

Khi hệ điều hành Windows 8 chính thức phát hành vào mùa thu tới, Microsoft cũng sẽ khai trương một quầy ứng dụng dành riêng cho Windows. Lần đầu tiên, người dùng Windows trên PC truyền thống sẽ có thể mua và tải các ứng dụng của bên thứ ba thông qua Microsoft.

Đây chính là mô hình kinh doanh đã mang đến thành công ngoạn mục cho Apple và đã được rất nhiều hãng khác bắt chước – với nhiều cấp độ thành công khác nhau – trong đó đáng chú ý nhất là Google và Amazon. Với tỷ lệ chia chác doanh thu và lợi nhuận rất hời áp dụng cho quầy ứng dụng, Apple đã kiếm được tới 2,1 tỷ USD từ các ứng dụng của bên thứ ba và nhạc số trên iTunes riêng trong quý vừa qua.

Điều đáng nói là tuy béo bở là vậy, nhưng mô hình quầy ứng dụng cũng có nhiều điểm hạn chế. Các ứng dụng cần phải trải qua một quy trình phê duyệt chặt chẽ nên trong nhiều trường hợp, cơ chế kiểm duyệt có thể cố ý chặn các ứng dụng của đối thủ. Lấy thí dụ, phải mất hơn một năm Apple mới cho phép Google Voice hiện diện trên iPhone sau khi bị các nhà làm luật của chính phủ chất vấn.

Bên cạnh đó, quầy ứng dụng cũng tỏ ra bị phân tán, manh mún và vụn vặt, mang đến một trải nghiệm người dùng không mấy dễ chịu.

“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà từ chỗ các thiết bị gần như hoàn toàn liên thông với nhau đã trở thành “chia khu cát cứ”, chuyên gia Al Gillen của IDC nhận định. “Khi bạn chọn mua một thiết bị, dù cho nó có hấp dẫn về tính năng đến đâu mà hệ sinh thái hỗ trợ nó không đáp ứng được nhu cầu của bạn, bạn cũng cảm thấy nản lỏng ngay”.

Đây chính là một vấn đề với Microsoft, ít nhất là trong địa hạt desktop. Với thị phần PC lên tới 92%, người dùng Windows chưa bao giờ phải lo ngại về việc những phần mềm nào có thể chạy trên Windows. Một suy nghĩ mặc định là phải chạy được.

Nhưng với Windows 8, Microsoft lại đi theo hướng của Apple. Các PC cài Windows 8 bản chuẩn sẽ có 2 chế độ: Một giao diện Metro dựa trên nền “chạm” và một chế độ truyền thống. Các ứng dụng Metro sẽ chỉ được bán và niêm yết trên quầy ứng dụng của Microsoft mà thôi.

Ngoài ra, Microsoft sẽ bán một phiên bản Windows thứ hai với tên gọi Windows RT dành cho các thiết bị dùng vi xử lý ARM kiểu như tablet và smartphone. Các ứng dụng của bên thứ ba dành cho Windows RT tất nhiên cũng sẽ chỉ được bày trên quầy ứng dụng của Microsoft.

“Windows 8 là một sản phẩm giao thời – Tư duy kinh doanh kiểu cũ của Microsoft cố gắng hòa nhập vào thế giới hậu PC”, nhà phân tích Sarah Rotman Epps của Forrester Research bình luận.”ARM và Metro là tương lai của nền tảng Windows, nhưng chúng chưa sẵn sàng để hoàn toàn gạt bỏ những tàn dư của desktop”.

Thế giới độc tài?

Ngày hôm qua, Mozilla đã nổ phát súng đầu tiên khi tuyên bố đầy giận dữ rằng Microsoft đã “quay trở lại với kỷ nguyên số tăm tối” trong khi Google phê phán Windows RT “hạn chế sự lựa chọn của người dùng cũng như năng lực sáng tạo của cộng đồng”.

Tại sao Google và Mozilla lại đồng loạt nhảy cồ lên như vậy?

Đấy là bởi vì họ lo ngại: Khi người dùng Windows RT chuyển sang chế độ desktop, trình duyệt IE của Microsoft sẽ là lựa chọn trình duyệt duy nhất, tương tự như cách hoạt động trước đây của Apple (Safari là trình duyệt duy nhất mà Apple cho phép chạy trên iPhone trong nhiều năm).

Hiển nhiên đây là một dấu hiệu không lấy gì làm đáng mừng. Nhiều ý kiến đã gọi nó là một thế giới “độc tài”. “Bạn hoàn hoàn chịu sự thương hại của công ty nào vận hành quầy ứng dụng đó. Tương lai của bạn lệ thuộc hoàn toàn vào việc Microsoft có cho phép bạn tiếp tục sống hay không”, một nhà phát triển phần mềm tự do thốt lên.

Nhưng như thường lệ, bên cạnh những ý kiến hoảng hốt, vẫn có nhiều người nhìn thấy cơ hội.

“Mọi quầy ứng dụng đều có góc khuất, nhưng chúng ta vẫn yêu thích mô hình đó, bởi chúng mang đến một cơ hội vô tiền khoáng hậu về phát hành”, Brian Phillips, một chuyên gia bậc thầy tại Flixter nhận định. “Nhờ có quầy ứng dụng, nhiều người dùng sẽ phát hiện ra chúng tôi hơn”.

Một quầy ứng dụng Microsoft vận hành tốt sẽ cho phép các ứng dụng trên đó tiếp cận với một nền tảng người dùng khổng lồ của Windows, một chuyên gia của AccuWeather tán đồng.

Điểm khác nhau giữa Apple với Microsoft là: Apple muốn giữ cho Mac và iOS tách bạch với nhau, trong khi Microsoft lại muốn xô đổ thiết bị di động và desktop thành một hệ sinh thái duy nhất. Liệu đây có phải là mấu chốt để quyết định số phận thành bại khác nhau cho hai hãng? Chỉ có thời gian mới có thể đưa ra được câu trả lời.

Theo Vietnamnet.