Eduardo Saverin – người đồng sáng lập Facebook, có thể tránh được thuế thặng dư vốn với số cổ phiếu trị giá 3,84 tỷ USD khi từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Theo thông báo của Cục thuế nội địa Mỹ, nhà đồng sáng lập Facebook – Eduardo Saverin có tên trong danh sách những người đăng ký từ bỏ quốc tịch. Người phát ngôn của Eduardo Saverin cho biết, việc này được thực hiện vào tháng 9 năm ngoái.
Eduardo Saverin – người đồng sáng lập Facebook |
Saverin sinh ra tại Brazil nhưng hiện sống ở Singapore. Điểm đặc biệt là quốc gia này không đánh thuế thặng dư vốn đối với một số loại hình đầu tư nhất định.
Saverin rời Facebook năm 2005 và không tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý nào sau đó. Dù từng nắm hơn một phần ba số cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất thế giới, nhưng hiện Saverin chỉ giữ 4%. Tuy nhiên, nếu giá trị IPO của Facebook thực sự là 96 tỷ USD như dự kiến, thì số cổ phần này sẽ mang lại cho anh ta 3,84 tỷ USD.
Hành động của Saverin đã đặt ra câu hỏi thuế liên quan đến việc lên sàn của Facebook sẽ được tính như thế nào. Theo một báo cáo tháng 2 của tổ chức Citizens for Tax Justice, mạng xã hội này đã rất khôn khéo khi cấu trúc đợt IPO của mình theo cách né được cả thuế bang và liên bang dựa trên lợi nhuận năm 2011.
Nếu Saverin thành công trong việc từ bỏ quốc tịch để né thuế, thì anh sẽ trở thành người siêu giàu đầu tiên tại Mỹ làm được như vậy. Số lượng người giàu Mỹ bỏ quốc tịch đã tăng gấp 7 lần trong 4 năm kể từ khi ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) bị phanh phui việc giúp khách hàng Mỹ né thuế năm 2008.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của hai nhà kinh tế học châu Âu, hiện tượng bỏ quốc tịch để né thuế vẫn xảy ra tràn lan. Tổng giá trị các tài khoản ngân hàng không phải đóng thuế trên thế giới năm 2007 là 2,7 nghìn tỷ USD và năm 2011 cũng gần như vậy. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng, thay vì xén được một phần tài sản của giới siêu giàu để nộp thuế, các hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng đó, càng khiến họ cuống cuồng chuyển tài sản của mình sang nơi trốn thuế khác an toàn hơn.
Tuy nhiên, dù có đổi sang quốc tịch khác, Saverin cũng không thể thoát hoàn toàn việc nộp thuế. Ông Reuven S. Avi-Yonah, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế quốc tế trả lời trên Bloomberg rằng: "Người Mỹ từ bỏ quốc tịch vẫn sẽ phải nộp một khoản thuế dựa trên thặng dư vốn số cổ phiếu họ đang nắm giữ, dù đã bán hay chưa".
Theo Megafun.