Điểm nóng tuần qua: “Lùm xùm” kiện cáo

Hệ điều hành di động Android của Google bị kiện, Facebook giành phần thắng trong vụ kiện về ăn cắp bản quyền, hai "gã khổng lồ" Motorola và Huawei dàn xếp xong về tranh cãi công nghệ, rò rỉ tin chiếc máy tính bảng nồi đồng cối đá của Motorola… là những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Cuộc chiến pháp lý

Theo công bố của một tòa án phúc thẩm ở Mỹ Mỹ, cặp song sinh nhà Winklevoss cùng với Divya Narendra, sẽ không được trả thêm một đồng nào từ vụ kiện ông chủ mạng xã hội Facebook đánh cắp ý tưởng của ba người này. Trước đó, năm 2008, cặp song sinh này đã nhận được một số tiền trị giá 160 triệu USD cho vụ kiện tương tự, nhưng sau đó lại kiện tiếp với hy vọng kiếm chác được nhiều hơn.

Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm mới đây đã làm tiêu tan hy vọng của các nguyên đơn, khi kết luận vụ kiện đã chấm dứt và Mark Zuckerberg không phải trả thêm bất cứ xu nào cho những người trên. Cặp song sinh nhà Winklevoss và Narendra là đồng sáng lập mạng xã hội ConnectU khi họ còn học tại Đại học Harvard. Họ cáo buộc, Mark Zuckerberg đã xây dựng Facebook dựa trên ý tưởng của họ.

Cũng liên quan tới kiện cáo, hai "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ là Motorola Solutions và Huawei Technologies tuần qua cũng đã dàn xếp xong vụ tranh cãi kéo dài lâu nay về những bí quyết công nghệ mà hai hãng từng hợp tác. Bước đi mới này sẽ mở đường cho Motorola hoàn tất một thỏa thuận liên quan với Nokia Siemens Networks mà không còn bị ràng buộc.

Theo công bố chung hôm 13/4, Motorola và Huawei cho biết sẽ hủy bỏ những vụ kiện tụng chống lại nhau, vốn liên quan tới tuyên bố của Huawei rằng nếu như Motorola ký thỏa thuận với hãng khác, Huawei có thể bị tổn hại do những bí mật công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ bị xâm hại. Trước đó, khi Motorola định bán doanh nghiệp mạng của mình cho Nokia Siemens, Huawei đã phản đối kịch liệt vì lo ngại những bí quyết công nghệ riêng sẽ bị rơi vào tay đối thủ Nokia Siemens.

Không may mắn như Zuckerberg và Motorola, tuần này, Google lại rơi vào một cuộc chiến pháp lý mới, liên quan tới việc chống độc quyền trên nền tảng di động Android. Hôm 16/4, hai hãng tìm kiếm trực tuyến hàng đầu của Hàn Quốc đã đâm đơn kiện Google lên Ủy ban Thương mại Công bằng xứ sở "kim chi", phản đối Google áp đặt hạn chế sử dụng công cụ tìm kiếm của bên thứ 3 trên các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android.

Về phần mình, Google đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên và cho biết sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng Hàn Quốc trong vụ kiện này. Trong một tuyên bố, hãng công nghệ có trụ sở ở Mountain View, California (Mỹ), cho biết, "Android là một nền tảng mở". Google nói thêm rằng, các công ty và nhà cung cấp dịch vụ đối tác của hãng "được tự do quyết định đưa ứng dụng và dịch vụ vào điện thoại Android của họ".

Đối thủ mới của iPad?


iPad của Apple sẽ có đối thủ mới.

Theo tiết lộ của trang Engadget, thì có vẻ như Motorola đang phát triển một mẫu máy tính bảng cỡ 7 inch, nhưng có thể chịu được các điều kiện môi trường khắc nghiệt. Tin rò rỉ cho hay, quá trình nghiên cứu mới đi được những bước đầu tiên, dự kiến sẽ phát hành trong năm tới và đối tượng hướng tới của dòng máy tính bảng nồi đồng cối đá này là các doanh nghiệp.

Engadget cho biết, sản phẩm máy tính bảng mới của Motorola có khả năng sử dụng chip Dual-Core tốc độ 1GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 8GB, hai camera (trong đó một camera loại 8 chấm và một ống kính khác loại 1.3 Megapixel), hỗ trợ kết nối USD và cổng HDMI. Tuy nhiên, điều đặc biệt của dòng máy tính bảng này là khả năng chịu nhiệt độ cao và không hề hấn gì nếu để rơi từ độ cao 1m2 xuống đất.

Ngày tàn của máy quay video?

Việc Cisco khai tử sản phẩm máy quay video bỏ túi Flip có thể là hồi chuông báo tử cho các sản phẩm máy quay video khác, khi mà người tiêu dùng trên toàn cầu đang dần chuyển sang những thiết bị tất cả trong một. Theo bình luận của tờ Huffington Post, smartphone đang trở thành những "con dao Thụy Sỹ" đa năng, có thể gọi điện, chụp ảnh, quay phim, nghe nhạc, lướt web… thay thế được mọi thứ, từ báo giấy, cho tới máy nghe nhạc, máy quay phim.

Theo đó, với những sản phẩm điện thoại tích hợp đủ thứ và chất lượng ngày một được nâng cao, chuyên môn hóa hơn, thì những sản phẩm chỉ có một chức năng duy nhất sẽ sớm bị từ bỏ và biến mất. Tuy rằng, những sản phẩm chuyên biệt vẫn được tiêu thụ nhiều, nhưng rõ ràng, doanh số của các thiết bị này vài năm trở lại đây đang dần mờ nhạt trước smartphone.

Một số người vẫn muốn dùng những sản phẩm chuyên biệt, bởi họ cần chất lượng cao hơn”, Jason Oxman, Phó chủ tịch cao cấp thuộc Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng, tổ chức tập hợp 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ tiêu dùng, có trụ sở ở Arlington (Mỹ), cho biết. “Nhưng camera trên điện thoại đang được nâng cấp dần, và theo đó, nhu cầu mua máy ảnh, máy quay sẽ giảm bớt”.

Quảng cáo trực tuyến lên ngôi

Theo số liệu được Cơ quan quảng cáo tương tác Mỹ công bố hôm 13/4, năm 2010, ngành quảng cáo trực tuyến của quốc gia này đã thu được số tiền kỷ lục, 26 tỷ USD. Chỉ tính riêng quý 4/2010, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến đã tăng tới 19% lên 7,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, ngày càng nhiều công ty tăng cường ảnh hưởng và tiếp cận với khách hàng qua Internet, khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian lướt web hơn.

Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan nghiên cứu hiệu suất báo chí Mỹ (PEJ), thu nhập từ quảng cáo trực tuyến ở Mỹ dự đoán sẽ vượt qua thu nhập từ quảng cáo trên báo in trong năm 2010. Thu nhập từ quảng cáo trên báo in trong năm ngoái giảm 46% trong khoảng 4 năm xuống còn khoảng 22,8 tỷ USD. Trong khi đó, thu nhập từ quảng cáo trực tuyến dự tính đạt 25,8 tỷ USD trong năm 2010.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng có nhiều người có xu hướng chuyển sang báo mạng. Cụ thể, 46% số người Mỹ được hỏi nói rằng, họ cập nhật thông tin trực tuyến ít nhất ba lần/tuần, so với 40% nói rằng họ đọc tin tức từ báo in và các trang web của những tờ báo này. Tom Rosenstiel, Giám đốc PEJ nói: “Xu hướng chuyển sang web ngày càng gia tăng. Việc người dùng nhanh chóng tiếp nhận máy tính bảng và sử dụng rộng rãi smartphone càng thúc đẩy quá trình này”.

Netbook vẫn "sống"

Có vẻ như ngày tàn của dòng máy tính xách tay gọn nhẹ giá rẻ (netbook) chưa tới, khi theo tin mới đây, tập đoàn vi xử lý Intel đang hợp tác với Asustek Computer và Acer về kế hoạch sản xuất các netbook mới có giá dưới 199 USD cho thị trường Trung Đông, Mỹ Latin và Đông Âu. Các netbook này sẽ được trang bị hệ điều hành mã nguồn mở MeeGo, do Intel và Nokia chung sức phát triển trên nền tảng Linux.

Với các thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, Intel sẽ thúc đẩy các netbook sử dụng vi xử lý Cedar Trail-M và tích hợp công nghệ WiDi (Wireless Display) cho phép hiển thị phim hoặc video từ màn hình laptop sang tivi mà không cần cáp kết nối thông thường hay kết nối âm thanh không dây (wireless audio) với giá bán trong khoảng từ 299 – 599 USD tùy thuộc vào cấu hình và hệ điều hành.

(Theo Quantrimang)