Điểm báo ngày 6/1/2011

 
VietnamNet lại bị hacker tấn công. TP.HCM: quận, huyện kêu khó về quản lý game online. Khi trẻ con dùng điện thoại di động…

VietnamNet lại bị hacker tấn công

Suốt ngày 5/1/2011, tốc độ truy cập vào báo điện tử VietNamNet rất chậm, thậm chí nhiều thời điểm không thể truy cập được, mạng liên tục báo “service unavailable”. Nguyên nhân chính là do VietNamNet tiếp tục bị tin tặc tấn công bằng phương thức từ chối dịch vụ (DDOS – Distributed Denial of Service). Việc tấn công này diễn ra từ chiều 4/1 và kéo dài cả ngày 5/1/2011. Phía VietNamNet đã phối hợp với các đơn vị an ninh mạng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an để khắc phục tình trạng này và tiến hành điều tra vụ việc. Ông Bùi Bình Minh, trợ lý tổng biên tập về CNTT, cho biết đây là đợt tấn công từ chối dịch vụ với quy mô lớn chưa từng có từ trước tới nay nhắm vào VietNamNet. Số lượng truy cập được bộ phận kỹ thuật của VietNamNet xác định cao gấp hàng chục lần so với bình thường và từ nhiều địa chỉ IP (Internet Protocol) từ cả trong và ngoài nước, mỗi địa chỉ IP tham gia “giội bom” VietNamNet vài lần trong 1 giây dẫn đến nghẽn mạng, máy chủ không tải nổi và khi độc giả truy cập đã bị từ chối dịch vụ. Theo ông Minh, VietNamNet đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước để ngăn chặn hành vi tấn công này. (Tuổi Trẻ 6/1/2011)

TP.HCM: quận, huyện kêu khó về quản lý game online

Tại hội nghị về quản lý trò chơi trực tuyến (GO) do Sở TTTT TP.HCM tổ chức sáng 5/1/2011, lãnh đạo một số quận, huyện cho biết là họ đang lúng túng trong việc quản lý các cơ sở gần trường học. Theo đại diện quận Tân Phú, hiện chưa có quy định nào yêu cầu không cấp phép kinh doanh cho các tiệm Internet gần trường học. Còn theo đại diện quận Tân Bình, khi tổ chức cá nhân đăng ký mở đại lý Internet, UBND quận vẫn thẩm định hồ sơ, phối hợp với phường sở tại để tính khoảng cách từ cổng trường tới địa điểm đăng ký. Nếu dưới 200 m thì sẽ ghi chú vào đăng ký kinh doanh là “không được phép kinh doanh GO”. Thế nhưng trên thực tế thì tại các tiệm Internet gần trường học đó, người ta vẫn cứ chơi GO nếu không bị kiểm tra. Theo ông Bùi Thanh Sang – Phó phòng VHTT quận 10, việc giao địa phương kiểm tra, ngăn chặn các điểm Internet kinh doanh GO là không hiệu quả. Biện pháp tốt nhất là buộc các doanh nghiệp phát hành không cung cấp GO tới các địa chỉ này. (Tiền Phong 6/1/2011)

Khu công nghệ cao Hòa Lạc sắp có nhà máy thẻ thông minh

Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa đề xuất dự án nhà máy sản xuất thẻ thông minh với tổng vốn đầu tư khoảng 270 tỷ đồng. Sản phẩm của nhà máy là các loại SIM dùng trong lĩnh vực viễn thông, các loại thẻ thông minh dành cho việc xác thực, các sản phẩm phần mềm dùng cho SIM viễn thông – thẻ thông minh, các giải pháp tích hợp công nghệ thông minh – điều khiển tự động, điều khiển xe, nhà tự động, nhà thông minh, quảng cáo, chìa khóa thông minh… Dự kiến dự án sẽ hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động trong quý 3/2011. (Hà Nội mới 5/1/2011)

Website của Đoàn có giao diện mới

Ngày 5/1/2011, Cổng thông tin điện tử của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (www.doanthanhnien.vn) đã khai trương giao diện mới với nhiều tính năng ứng dụng, tương tác cao hơn. Chị Lâm Phương Thanh – Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn nhấn mạnh: Cổng thông tin điện tử là cầu nối giữa đội ngũ cán bộ Đoàn, tuổi trẻ trong và ngoài nước. Được biết, trong năm 2010, cổng thông tin đã thu hút 1,86 triệu lượt truy cập và có mạng lưới cộng tác viên tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. (Tiền Phong 6/1/2011)

TP.HCM: Sẽ giám sát 114 tuyến xe buýt bằng hộp đen

Ngày 5/1/2011, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM (GPS – hộp đen) và thùng bán vé tự động (được thí điểm trên tám tuyến xe buýt). HTX 19/5, HTX Phương Nam, Công ty Xe khách TP.HCM cho biết từ khi lắp đặt hộp đen, các xe buýt đã chạy đúng biểu đồ giờ nên giảm nạn xe buýt dừng xe chờ khách hoặc phóng nhanh vượt ẩu. Việc sử dụng thùng tự động thu tiền hành khách trên xe buýt đang đi vào nề nếp và hành khách đã có thói quen dành tiền lẻ khi đi xe buýt. Các doanh nghiệp vận tải đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư lắp đặt hộp đen. Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết theo quy định từ 1/1/2012 phải áp dụng lắp đặt hộp đen trên tất cả xe buýt. Thế nhưng đến nay các cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị, về phần mềm quản lý, trong khi các đơn vị vận tải tự mua sắm thiết bị nên khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Ông Dương Hồng Thanh – Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết các cơ quan quản lý nhà nước đang hoàn thiện quy chuẩn về việc bắt buộc lắp đặt hộp đen trên xe buýt. Việc lắp đặt thiết bị này có lợi cho doanh nghiệp trong việc quản lý thời gian hoạt động, lộ trình, tốc độ, số chuyến xe buýt… TP.HCM cũng sẽ tiếp tục mở rộng việc sử dụng thẻ thông minh từ 2 tuyến lên 114 tuyến xe buýt. (Tuổi Trẻ 6/1/2011)

HiPT gia nhập thị trường ĐTDĐ thương hiệu Việt

Tập đoàn CNTT HiPT vừa chính thức công bố gia nhập thị trường ĐTDĐ Việt Nam với thương hiệu điện thoại Việt hi-mobile. Từ ngày 5/1/2011, hi-mobile chính thức có mặt trên thị trường Việt Nam và sẽ có mặt tại hầu hết các siêu thị, trung tâm điện máy, showroom, đại lý ĐTDĐ trên toàn quốc. Ngay tại thời điểm ra mắt, hi-mobile giới thiệu 4 dòng sản phẩm hướng tới các phân khúc khách hàng khác nhau, bao gồm: P05, i06, i08 và i09. Với mức giá dưới 2 triệu đồng, các dòng sản phẩm ĐTDĐ này được kỳ vọng sẽ thỏa mãn nhu cầu của người dùng Việt Nam cả về chất lượng, giá cả, kiểu dáng mẫu mã và tiện ích sản phẩm. ĐTDĐ hi-mobile hoạt động trên các dải băng tần GSM tương thích với các mạng di động phổ biến ở Việt Nam và có thể online đồng thời 2 sim 2 sóng, chuyển đổi gữa các sim dễ dàng mà không cần khởi động lại máy. Với bộ nhớ từ 2GB đến 4GB, hi-mobile không những cho phép người sử dụng truy cập WAP/SMS/MMS hoặc nghe nhạc trong nhiều giờ liền mà còn hỗ trợ truy cập các mạng xã hội thông dụng như: Yahoo chat, Skype, Facebook, Twitter… Hiện nay, hi-mobile đã thiết lập và đi vào vận hành 2 trung tâm bảo hành tại Hà Nội và TP.HCM (23 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; 222-224 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM). Đại diện HiPT cho hay, điện thoại hi-mobile được gia công tại Trung Quốc, được Việt hoá ở nhiều khâu như mẫu mã, thiết kế, ứng dụng phù hợp với người Việt. Mục tiêu trong năm 2011 sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mang đặc trưng của hi-mobile và thân thiện với người tiêu dùng Việt Nam; xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng tốt, phủ rộng khắp từ Bắc vào Nam nhằm đáp ứng nhanh nhất nhu cầu sửa chữa, bảo hành của khách hàng. HiPT cũng đẩy mạnh kết nối với các nhà cung cấp nội dung để tích hợp thêm các ứng dụng mới nhằm gia tăng giá trị trong các sản phẩm hi-mobile. Vào cuối quý 1/2011, dòng điện thoại 3G mang thương hiệu hi-mobile sẽ ra mắt thị trường. (VnMedia 5/1/2011)

Bộ TTTT chưa làm điều cần làm với game online

Về thực tế quản lý game online, ông Lê Mạnh Hà đã nhấn mạnh là Bộ TTTT chưa làm điều cần nhất phải làm. Đó là loại bỏ game online bạo lực. Bộ có thẩm quyền và hoàn toàn có khả năng làm việc này. Việc cụ thể cần làm mà chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần là xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và thẩm định lại toàn bộ game online đã được cấp phép để loại bỏ các yếu tố bạo lực. Khi các trò chơi có nội dung bạo lực còn lan tràn một cách hợp pháp thì các biện pháp của bộ là chỉ giải quyết phần ngọn và làm các địa phương rất vất vả mà vẫn không quản lý được. Không ai có thể đi kiểm tra toàn bộ 40.000 đại lý trên cả nước được, ngày nào cũng kiểm tra thì càng không thể được. Thêm nữa, cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ kinh doanh các vật phẩm trong game online và đây là một trong những cách thu hút đông đảo người chơi. Quy định của pháp luật chưa có, vẫn còn đang tranh luận liên quan đến các biện pháp quản lý, trong khi doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh. (Tuổi Trẻ 6/1/2011)

Khi trẻ con dùng ĐTDĐ

Trẻ cần một chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình, bạn bè… và không chỉ có vậy, nhu cầu của trẻ giờ đã được nâng lên hàng cao cấp. Chiếc điện thoại đó phải có nhiều tính năng hơn. Để có thể sở hữu được một chiếc ĐTDĐ, đã có em nhịn ăn sáng để dành tiền mua thay vì xin bố mẹ. Sản phẩm ĐTDĐ ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường, giá càng rẻ. Thủ tục đăng ký một chiếc SIM không quá khó. Cộng vào đó, trình độ về sử dụng máy tính của học sinh ngày càng được “nâng cấp” đáng kể. Trẻ đã biết tích hợp, kết nối các thiết bị ngoại vi với nhau hoặc với máy tính để khai thác các ứng dụng về nội dung số như tải hình lên Facebook, tải nhạc về thẻ nhớ, chia sẻ thông tin qua kết nối bluetooth giữa những chiếc ĐTDĐ có chức năng này cho dù chúng khác nhau về hãng sản xuất… Xét dưới góc độ khám phá công nghệ, đây là dấu hiệu đáng mừng cho trẻ nhưng mặt trái của nó đã được phản ánh bằng những câu chuyện tiêu cực về mối quan hệ giữa học trò, giữa trò và thầy cô giáo đang bị dư luận xã hội mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau. Cho trẻ tiếp cận với các sản phẩm công nghệ là điều nên làm, nhưng kiểm soát hành vi sử dụng của trẻ mới là điều quan trọng hơn. Khi trẻ muốn khám phá công nghệ để thoả mãn những gì riêng tư, người lớn cũng có cách để khống chế, đó là cho dùng những sản phẩm có công nghệ thấp nhất cho mục đích chính là nghe và gọi. Mà trẻ cũng chỉ cần vậy. Các bậc phụ huynh nghĩ thế nào về câu chuyện này? (Sài Gòn Tiếp Thị 5/1/2011)

Gắn thẻ chip cho hàng hoá, logistics nội địa thêm sức cạnh tranh

Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trong mảng liên kết các dịch vụ logistics đảm bảo thông tin hàng hoá từ điểm đầu đến điểm cuối (dịch vụ 3PL) thì chỉ khoảng 10 – 15% số doanh nghiệp có khả năng khai thác, trong đó bao gồm cả những nhà cung cấp quốc tế như Maersk, NYK, APL, Linfox, Toll… Chính vì thế, việc khai thác dịch vụ 3PL tại Việt Nam hiện do nước ngoài độc diễn, với 95% thị phần. Tuy nhiên, theo ông Đặng Tấn Phong, trưởng phòng kế hoạch kinh doanh của công ty TNHH một thành viên ICD Tân Cảng Sóng Thần, từ năm 2011, khi trung tâm phân phối hiện đại của đơn vị này đi vào hoạt động, ngành logistics trong nước, đặc biệt là dịch vụ 3PL, có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Phong, trung tâm này được xây dựng từ tháng 9/2010 với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng, chưa tính chi phí về đất. Với 24.000m2, trung tâm có đầy đủ những thiết bị hiện đại như hệ thống, trang thiết bị bốc xếp, máy quét mã vạch… thích hợp với hệ thống của khách hàng. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư mạnh cho logistics nhưng hệ thống CNTT cũng chưa thể đáp ứng. Nói về vốn, nhiều doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng để đầu tư một trung tâm phân phối vài chục tỷ đồng hay phần mềm quản lý về kho bãi của Mỹ mà Tân Cảng Sóng Thần vừa mua với tổng số tiền hơn 100.000 USD, tuy nhiên điều đó chưa đủ. Để vận hành một trung tâm phân phối hiện đại, theo ông Phong, doanh nghiệp cần một đội ngũ nhân sự thật sự chuyên nghiệp. Theo phân tích của ông Phong, những khách hàng lớn như Kimberly Clark thường sử dụng phần mềm mới nhất trên thế giới để quản lý hàng. Do đó, nếu phần mềm của trung tâm phân phối không thích hợp với phần mềm của doanh nghiệp để trao đổi dữ liệu, thì trung tâm chỉ là cái kho chứa hàng không hơn không kém. Ông Phong cho rằng, doanh nghiệp trong nước hiện vướng hai trở ngại lớn nhất khiến khả năng cạnh tranh thấp so với doanh nghiệp nước ngoài. Đó là năng lực quản trị nhân sự chưa chuyên sâu và CNTT còn lạc hậu. “Đầu tư cho hệ thống CNTT đòi hỏi vốn khá lớn và chuyên biệt cho một vài khách hàng. Nhìn một số doanh nghiệp hoạt động về logistics của nước ngoài như DHL, Logitem… có thể thấy, thế mạnh của họ là một hệ thống quản trị thông tin toàn cầu. Khi vào Việt Nam, những doanh nghiệp này chỉ cần cập nhật thêm, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn trắng tay”, ông Phong nhận định. Thời gian đầu, Tân Cảng Sóng Thần sẽ sử dụng hệ thống quét mã vạch để quản lý hàng hoá. Tuy nhiên, hiện công ty đang nghiên cứu chuyển sang hệ thống quản lý thông minh hơn với việc gắn thẻ chíp cho hàng hoá (RSID). Nếu việc này được tiến hành, có thể nói, ngành logistics Việt Nam sẽ cạnh tranh công bằng với nước ngoài, bởi ở thị trường Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào gắn thẻ chíp cho hàng hoá. Ngay cả Metro cũng đang trong quá trình nghiên cứu. (Sài Gòn Tiếp Thị 5/1/2011).

(Theo PC World)