Điểm báo ngày 30/8/2010

 
Chấm dứt sử dụng phông chữ ABC trong các phần mềm quản lý của ngành giáo dục. Robot Teacher sẽ được sử dụng để giảng dạy tiếng Anh ở bậc Tiểu học. Từ kết quả bình chọn qua SMS bất thường tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010…

Chấm dứt sử dụng phông chữ ABC trong các phần mềm quản lý của ngành giáo dục

Bộ GDĐT vừa có hướng dẫn việc triển khai nhiệm vụ CNTT cho năm học 2010 – 2011. Bên cạnh các nội dung về đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý…, Bộ đã chỉ đạo việc thống nhất sử dụng bộ mã Unicode TCVN 6909:2002; Chấm dứt việc sử dụng các phần mềm quản lý giáo dục, phần mềm quản lý thi chứa các phông chữ ABC. Cùng với việc đó, một số hoạt động mới sẽ được triển khai: Triển khai kết nối Internet miễn phí qua sóng di động của Viettel cho các trường chưa thể kéo cáp bằng công nghệ 3G mới, tốc độ cao; thay thế cho công nghệ EDGE tốc độ thấp trước đây.Triển khai kết nối bằng cáp quang FTTH có tốc độ lên đến 32 Mbps, giá ưu đãi 1,1 triệu/tháng của Viettel đến trụ sở của các sở GDĐT thay cho kênh thuê riêng (leased line), kết nối đến các phòng GDĐT và đến một số trường THPT có nhu cầu và có điều kiện kinh phí. Chuẩn bị cùng Viettel triển khai giai đoạn: Xây dựng và cung cấp website cho các cơ sở giáo dục, hệ thống e-Learning, hệ thống họp và đào tạo qua mạng, hệ thống quản lý giáo dục, sổ liên lạc điện tử, cuộc thi Edublog… (Giáo dục & Thời đại 30/8/2010)

Robot Teacher sẽ được sử dụng để giảng dạy tiếng Anh ở bậc Tiểu học

Năm học 2010-2011, sản phẩm robot Teacher do TS Doãn Hà Thắng ở Viện Vật lý sáng chế sẽ được Bộ GDĐT đưa vào sử dụng trong chương trình thí điểm dạy học tiếng Anh ở tiểu học. Để sử dụng sản phẩm này, NXB Giáo Dục đang xây dựng bộ sách giáo khoa được số hoá, với sự tư vấn của người sáng chế. Trong nội dung tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học, có một phần tập huấn sử dụng thiết bị trên do TS Doãn Hà Thắng hướng dẫn. Robot Teacher sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc dạy học trong bối cảnh chất lượng giáo viên còn chưa đồng đều. (Tuổi Trẻ 28/8/2010)

Từ kết quả bình chọn qua SMS bất thường tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010

Bình chọn qua tin nhắn đang là hoạt động thường xuyên trong các cuộc thi nghệ thuật. Thế nhưng, xu hướng này sẽ chậm xã hội hóa một khi kết quả cuộc thi và lòng tin của người tham gia bình chọn bị lũng đoạn. Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010, BTC đã phát hiện sự bất thường trong kết quả bình chọn của một thí sinh, thực hiện qua website cuộc thi và tổng đài nhắn tin. Theo đó, chỉ trong 1 phút, số bầu chọn cho thí sinh này tăng đến vài trăm và có thể có sự can thiệp của hacker vào kết quả. Đây có thể coi là lần đầu tiên một sự cố như vậy được công khai và giải quyết nhanh chóng. Có một cách thức gian lận thường được áp dụng là mua sim khuyến mãi rồi thuê người nhắn tin “dội bom” vào tổng đài của BTC. Tuy nhiên, cách làm thủ công như thế vẫn kém hiệu quả nếu so sánh với sự can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật. Các chuyên gia CNTT cho biết, họ chỉ “phẩy tay” là có thể thay đổi thứ hạng cuộc thi bình chọn, nếu là đơn vị lập trình hệ thống bình chọn cho BTC. Còn nếu là đơn vị được thuê để can thiệp vào kết quả, với tài sản là số lượng khổng lồ các sim điện thoại trả trước cùng phần mềm và thiết bị hỗ trợ, các đơn vị này có thể “thổi” thành tích của bất kỳ thí sinh nào họ muốn chỉ trong vòng vài phút. (Đất Việt 29/8/2010)

Cao Bằng khai trương Cổng thông tin điện tử

Ngày 28/8/2010, UBND tỉnh Cao Bằng đã khai trương Cổng thông tin điện tử tỉnh tại địa chỉ: www.caobang.gov.vn. Tham dự lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ TTTT Trần Đức Lai lưu ý tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục bổ sung thiết kế giao diện cho đẹp mắt và sinh động, mở thêm các chuyên mục tiện ích để thu hút người dân tham gia. (Bưu điện Việt Nam 30/8/2010)

TP.HCM rà soát đại lý Internet công cộng

Sở TTTT TP.HCM vừa ban hành công văn đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) tăng cường kiểm soát khách hàng. Sở yêu cầu các ISP phải từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ Internet cho đại lý không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cước dịch vụ; sử dụng thiết bị truy nhập đầu cuối gây mất an toàn cho hệ thống Internet, cho doanh nghiệp cung cấp và người sử dụng Internet; người sử dụng kinh doanh sản phẩm Internet trái pháp luật. Ngoài ra, đường truyền cũng sẽ bị cắt khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản yêu cầu đối với trường hợp người sử dụng dịch vụ Internet thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm. Trong khi đó, UBND quận 8 cũng vừa gửi thông báo đến các đơn vị chức năng yêu cầu kiểm tra, rà soát hoạt động của hệ thống đại lý Internet công cộng trên địa bàn; yêu cầu chấm dứt ngay việc kinh doanh trò chơi Đột kích (Cross Fire, được Sở TTTT xác định mang tính kích động bạo lực) từ ngày 1/9/2010 và xử phạt hành chính các đại lý vi phạm. (Người Lao Động 29/8/2010)

Toán học ứng dụng rất quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội

Nhân việc nhà toán học GS Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields danh giá, TS Bùi Quang Ngọc – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mỗi nước có quy hoạch, có chiến lược riêng sao cho tối ưu hóa sự đầu tư, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của mình cho phát triển đất nước. Khoa học gồm rất nhiều ngành, và ở Việt Nam, ngành Toán không thể quan trọng hơn những ngành khác. Ngay trong Toán cũng có ngành Toán ứng dụng, rất quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. (Thanh Niên 29/8/2010)

Phải lường trước khó khăn khi doanh nghiệp tự in hoá đơn

Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, thay vì phải mua hoá đơn in sẵn của Nhà nước, doanh nghiệp có thể tự in hoá đơn cho mình. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, ở nước ngoài do chi tiêu, mua sắm phải thực hiện qua tài khoản nên cơ quan thuế luôn nắm được luồng tiền ra vào với doanh nghiệp cùng hàng hoá thực xuất, thực nhập. Vì thế, có hoá đơn hay không đều không thành vấn đề. Trong khi đó ở Việt Nam, sử dụng tiền mặt vẫn là phổ biến nên phát sinh nhiều gian lận gây khó cho việc quản lý hoá đơn, chứng từ. (TBKTVN 30/8/2010)

Lạng Sơn: Doanh nghiệp vẫn chần chừ với thủ tục hải quan điện tử

Chính thức thí điểm thực hiện thủ tục hải quan điện tử (HQĐT) từ tháng 1/2010, có 30 doanh nghiệp tham gia với Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn. Và đến ngày 15/7/2010 thì số lượng doanh nghiệp tham gia là 92 với hơn 2.000 tờ khai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp không mặn mà với thủ tục HQĐT và theo ông Nguyễn Bảo Ngọc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu nghị thì phần đông doanh nghiệp vẫn chọn cách làm việc cũ theo giấy tờ. Còn theo ông Vy Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, vướng mắc lớn nhất là hạ tầng chưa đồng bộ, đường truyền còn kém và phần mềm ứng dụng chưa linh hoạt. Thậm chí, nhiều nơi còn hay mất điện. Một doanh nghiệp than phiền rằng dung lượng dành cho phần đính kèm quá nhỏ. Bởi thế họ đành quay lại với cách thức truyền thống vì không thể khai báo được cho cả một catalog. Theo kế hoạch, giai đoạn thí điểm sắp kết thúc và sang 2011, Cục Hải quan tỉnh sẽ mở rộng cho tất cả các chi cục trực thuộc. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là dịch vụ có tốt thì mới thuyết phục được khách hàng sử dụng. (Lao Động 30/8/2010)

Chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng ngành CNTT đang “rớt giá”

Xung quanh thực trạng về điểm chuẩn đầu vào ngành CNTT của các trường đại học giảm dần trong vài năm gần đây, TS Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục CNTT Bộ GDĐT cho biết, nếu chỉ nhìn vào việc điểm chuẩn đầu vào thì chưa đủ căn cứ để đưa ra kết luận, nhận định rằng ngành CNTT đang bị “rớt giá” hay kém hấp dẫn với các thí sinh. Để có đủ số liệu, căn cứ nhận định một cách chính xác về mức độ hấp dẫn của ngành học CNTT hiện nay cần có một cuộc điều tra xã hội học bài bản, quy mô cả nước về nhu cầu của thí sinh. Ông cũng cho biết, cách đây 5 năm, chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng của cả nước chỉ có trên 100.000. Nhưng hiện nay, con số này đã lên tới hơn 500.000 (tăng gấp 5 lần). Với ngành CNTT, chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng tăng từ 4.000 chỉ tiêu vào năm 2000 lên hơn 10.000 (tăng hơn 2,5 lần) chỉ tiêu mỗi năm từ vài năm gần đây. Như vậy thì điểm chuẩn giảm là đương nhiên. Ông đề cập một thực tế là cán bộ giảng dạy, đào tạo ở một số trường đại học đào tạo CNTT hiện vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển như vũ bão của ngành CNTT và đào tạo còn thiếu thực hành. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phải chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, từng bước đổi mới chương trình và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Riêng về giáo trình, Bộ GD&ĐT cũng đã “bật đèn xanh” cho các trường mua giáo trình nước ngoài hoặc được đào tạo bằng tiếng nước ngoài với ngành CNTT. Các trường năng động có thể vận dụng chủ trương, tinh thần rất cởi mở của Quyết định số 698 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 để chủ động về giáo trình cũng như ngôn ngữ đào tạo. Đến thời điểm này, ngành CNTT là ngành duy nhất Bộ GD-ĐT chưa duyệt chương trình khung. Hiện nay, giáo trình đào tạo ngành CNTT đều do các trường tự chủ động xây dựng. Như vậy, không thể nói là ngành giáo dục bó buộc các trường đào tạo CNTT. (Bưu điện Việt Nam 30/8/2010)

Hoạ sĩ Việt Nam vẽ tranh trên iPad

Xu hướng sử dụng iPad để vẽ tranh ngày càng trở nên phổ biến trong giới hoạ sĩ. Với iPad và những ứng dụng hỗ trợ vẽ tranh như Brushes và SketchBook Pro, những hoạ sĩ tìm thấy một dụng cụ mới để tạo nên bức tranh với những ngón tay múa trên màn hình cảm ứng thay vì những cây cọ vẽ như truyền thống. Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương – con trai cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái (tức Phái Phố) bắt đầu dùng iPad như một thiết bị vẽ giúp ông sáng tác và vẽ phác thảo mọi lúc mọi nơi, trên những chuyến bay dài hay lúc ngồi ở quán cafe. Ông cho biết, đây là một sự khám phá thử mở ra một con đường mới mẻ. Công nghệ của iPad giúp ông dễ dàng thể hiện ý tưởng cũng như phác thảo nhanh chóng những bức tranh mà không cần đến những vật liệu lích kích thông thường như giá vẽ, cây cọ và những hộp màu. Nghệ thuật là sáng tạo thuộc về tâm hồn con người, công nghệ của iPad hỗ trợ rất tốt cho trí tưởng tượng của con người. Ngoài ưu điểm nhỏ gọn và di động, iPad có một số ưu điểm khác giúp các hoạ sĩ dễ dàng sử dụng như dùng ngón tay để vẽ nên thao tác nhuần nhuyễn dễ dàng, giao diện của một số chương trình vẽ như Brushes hay SketchBook Pro rất trực quan và dễ sử dụng. Hoạ sĩ Phương cũng cho rằng, iPad khó có thể thay thế giá vẽ truyền thống ở thời điểm hiện tại, vì các tác phẩm vẽ trên iPad không có tính độc bản. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm. Bản thân ông vẫn chỉ sử dụng iPad như một công cụ để phác thảo bức tranh, sau đó dựa theo phác thảo mà hoàn thiện theo cách vẽ truyền thống. Cũng cần nói thêm, việc sử dụng màu ở iPad hơi khó dùng vì màu sắc các bức tranh vẽ bằng iPad vẫn còn tươi quá, chưa được như thực tế. Rất có thể iPad sẽ làm một số hoạ sĩ trẻ trở nên ỷ lại vào thiết bị này mà ảnh hưởng đến sức sáng tạo và kỹ thuật vẽ bằng cọ hay bút vẽ thông thường. Tuy nhiên, ông nhận định, vẽ trên iPad cũng là một hướng đi mới mà các hoạ sĩ nên thử. (Đất Việt 28/8/2010).

(Theo PC World)