Dân lập trình, xưa nay, vẫn được hình dung là những chàng trai khô khan, đầu to, mắt cận ăn mặc lôi thôi và được biết đến là thợ nhiều hơn là dân sáng tạo. Điều này có nên thay đổi hay chăng?
Thay đổi bản sắc, và hình ảnh của những chàng trai lập trình Việt, nên hay không ? Đây là một topic rất hot với hơn 100 comment của nhiều doanh nhân, trong Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo ngày 15/6 vừa qua, khởi đầu cho việc xây dựng cộng đồng dành cho dân công nghệ thời hiện đại, với mục đích xây dựng một hình tượng mới cho dân công nghệ.
Topic được bàn tán sôi nổi trên Facebook, nêu lên một vấn đề rằng: Muốn thay đổi hình ảnh dân lập trình trong mắt mọi người. Từ xưa đến nay thì người ta hình dung rằng dân lập trình là khô khan, đầu to, mắt cận ăn mặc lôi thôi và suốt ngày lầm lũi cắm mặt vào máy tính. Tuy nhiên, không hẳn vậy, thời nay, rất nhiều chàng trai lập trình thông minh, đẹp trai, đầy bản lĩnh nhưng cũng không kém phần lém lỉnh. Bởi vậy, việc thay đổi quan điểm xưa nay về dân lập trình có lẽ là cần thiết.
Đây thực sự là một chủ đề hoàn toàn mới mẻ, nhận được nhiều sự quan tâm, các chuyên gia thương hiệu hàng đầu như Ông Đức Sơn- Giám đốc chiến lược thương hiệu của Richarch Moore, Ông Lê Quốc Vinh- Tổng giám đốc của tập đoàn Le Group, Ông Trần Chiến Bình, Giám đốc của Teamwork Communication, …
Có năm tiêu chí được đề cập đến để xây dựng hình ảnh dân công nghệ thời đại mới là ”Trí tuệ, gợi cảm, hài hước, mới lạ, và cá tính”. Trong đó, tiêu chí “gợi cảm” có lẽ là tiêu chí được nhiều anh chị em quan tâm, và cho rằng: Dù đây là tiêu chí dân công nghệ còn thiếu, nhưng là tiêu chí rất hấp dẫn.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến phản bác không đồng tình, về việc dân lập trình phải đi quan tâm những vấn đề được bản thân người phản bác cho là tào lao như thế này.
Một ý kiến được nhấn mạnh tới 2 lần rằng, hãy code cho đủ 10.000 giờ, thành siêu hạng, chứ không nên quan tâm vấn đề phù phiếm này.
Một số ý kiến khác thì cho rằng thường thì lập trình viên không lấy đâu ra thời gian để xây dựng hình ảnh cá nhân. Nên việc khô khan, thiếu gợi cảm, lôi thôi,.. là tất yếu, và đồng thời, người này cũng đưa ra ý kiến rằng vấn đề cốt lõi ở đây thì dân lập trình không nên tham gia outsource mà tham gia làm các sản phẩm tự sáng tạo, thì sẽ có thời gian để trở nên gợi cảm hơn.
Thậm chí một CEO công ty phần mềm còn cho rằng: Cốt lõi là bản sắc thì không nên thay đổi và đưa ra dẫn chứng thuyết phục về việc chỉ cần tạo các điều kiện thoải mái nhất để lập trình viên tạo ra những thành quả tuyệt vời làm khách hàng hài lòng là đủ. Đồng quan điểm này, một CEO khác cũng đưa ra ý kiến là một ông chủ tốt thì nên hiểu và yêu tất cả những cái chưa đẹp của dân lập trình, dùng cái rộng lượng để chứa được nhiều tính cách trái khoáy.
Tuy nhiên anh cũng công nhận rằng trong 5 tiêu chí Trí tuệ, gợi cảm, hài hước, mới lạ, và cá tính, thì tiêu chí gợi cảm là rất khó để đạt được. Tại công ty anh thì hầu như dân lập trình không có. Còn lại, 4 tiêu chí còn lại thì cũng vốn là những tiêu chí mà dân công nghệ nào, ít hay nhiều, đều sẵn có.
Bàn về tiêu chí gợi cảm
Như trên, tiêu chí gợi cảm là một tiêu chí được nhiều người đánh giá là dân công nghệ còn thiếu , thậm chí khó đạt được với dân lập trình.
Nhưng như thế nào là “gợi cảm”?
Theo ông Lê Quốc Vinh thì “gợi cảm” không nên hiểu máy móc. Với ông, nó chỉ có nghĩa là “có sức cuốn hút với người khác phái” thôi. Nếu các bạn đọc vài cuốn tạp chí phong cách dành cho nam giới thì sẽ thấy chuyện này không có gì là quá khó cả.
Rất nhiều coder trên thế giới vẫn cực kì gợi cảm đấy thôi, và chắc chắn dân công nghệ Việt cũng vậy.
Ở đây, Steve Jobs được đưa ra như một minh chứng đầy gợi cảm của dân lập trình trên thế giới, người đã tạo ra những sản phẩm công nghệ hàng đầu vừa tối tân và vừa quyến rũ.’
Hay như cả Bill Gates, Mark Zuckerberg… đều là khởi nghiệp từ lập trình viên, tự tay lập trình những dòng code đầu tiên, và giờ đây họ lập trình thói quen cho cả thế giới. Họ đều được biết đến với hình ảnh đầy sức cuốn hút, đầy thông minh và tài giỏi. Vậy có lẽ, chắc chắn hình tượng những coder Việt (Lập trình viên Việt) cũng vẫn có thể trở đẹp đẽ, vừa tài giỏi, vừa cuốn hút như vậy.
Bên cạnh các tiêu chí được đưa ra bàn luận thì các chuyên gia cho rằng điều quan trọng để có thể xây dựng được hình ảnh đẹp đẽ cho dân lập trình là phải biến thành văn hóa doanh nghiệp chứ không phải hình ảnh của một cá nhân. Hoặc thậm chí, có thể tạo nên một nhân vật biểu tượng như Nhật Bản từng dùng mèo máy Doremon để khích lệ trẻ em học tập và yêu công nghệ.
Đây là một chủ đề hấp dẫn và chắc chắn vẫn còn tranh cãi dài dài. Nhưng cùng với đam mê thay đổi góc nhìn về dân lập trình, từ chủ đề này, có lẽ một cộng đồng dành cho dân lập trình Việt Nam sẽ bắt đầu được thành lập với sự tham gia của đại diện các trường Đại Học Công Nghệ, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, nhằm thay xây dựng một hình ảnh thương hiệu mới cho dân lập trình Việt.
Theo Genk