Không phải loại bàn phím ảo thường thấy trên các thiết bị có màn hình cảm ứng, bàn phím ảo laser, còn gọi là bàn phím máy chiếu, sử dụng ánh sáng laser chiếu lên bất kỳ mặt phẳng nào một bàn phím dạng QWERTY đầy đủ, cho phép người dùng smartphone/máy tính bảng có thể thoải mái nhập liệu như trên laptop tiêu chuẩn.
Bàn phím ảo laser là gì?
Laser virtual keyboard hoặc Bluetooth laser virtual keyboard hoặc Virtual Projection Keyboard là một vài tên gọi phổ biến của loại bàn phím này. Khi hoạt động, nó phóng ra một bản phác họa bàn phím QWERTY kích thước tiêu chuẩn bằng tia laser, một bộ cảm biến quang học theo dõi các chuyển động ngón tay của người dùng khi gõ phím, kết nối Bluetooth cho phép nó đồng bộ không dây với hầu hết các thiết bị thông minh.
Cơ cấu hoạt động của bàn phím laser ảo
Mặc dù bàn phím laser ảo có cùng chức năng như bàn phím truyền thống, nhưng cách mà chúng phân tích và gửi dữ liệu tới thiết bị hiển thị lại khác hẳn về quy trình.
Theo trang HowStuffWorks.com, về cơ bản thì tất cả các bàn phím dù ảo hay thực đều là những thiết bị nhập liệu đầu vào (input devices) – khi bạn gõ một dãy ký tự tức là bạn đang ra lệnh cho bàn phím gửi lệnh tới máy tính. Điều này cho phép bạn “viết” vào một văn bản, đóng một chương trình hay gõ địa chỉ URL của một website vào trình duyệt. Nhưng vẫn có điểm khác biệt giữa bàn phím ảo laser và bàn phím thực.
Một bàn phím truyền thống dù gắn với máy tính để bàn hay là một phần của chiếc laptop thì nó cũng hoạt động như một chiếc máy tính nhỏ. Nếu mở nó ra, bạn sẽ thấy một bộ xử lý và một bảng mạch tương tự như bên trong chiếc máy tính của bạn. Bên dưới mỗi phím là một lưới mạch, mỗi khi nhấn phím thì công tắc sẽ đóng lại và truyền một dòng điện nhỏ qua lưới, được bộ xử lý nhận diện và phân tích. Đến lượt mình, bộ xử lý lại gửi thông tin về phím gõ này về máy tính, có thể bằng nhiều cách như thông qua dây cáp nối với máy tính để bàn, hoặc qua công nghệ không dây như Bluetooth, hoặc kết nối trực tiếp như bàn phím laptop.
Trong khi đó, khi bạn gõ lên bàn phím laser ảo, sẽ không có mạch điện nào được đóng mở cả, vì không có bộ phận cơ học chuyển động nào. Thiết bị tạo ra bàn phím ảo bằng cách sử dụng một đèn diode laser đỏ chiếu hình ảnh của một bàn phím QWERTY lên một mặt phẳng không phản quang. Đèn laser này cũng tương tự như loại đèn chiếu laser rẻ tiền mà khán giả tại các buổi biểu diễn rock vẫn cầm để huơ lên. Nó chiếu sáng qua một bộ phận gọi là Phân tử quang nhiễu xạ DOE (Diffractive Optical Element) mà thực chất là một hình ảnh bàn phím thu nhỏ. DOE cùng với một số loại thấu kính quang học đặc biệt sẽ phóng to hình ảnh lên kích thước thích hợp và chiếu lên mặt phẳng.
Nhưng nếu chỉ có hình ảnh bàn phím thì chưa đủ, thiết bị này còn có một bộ phận để phân tích thông tin mà bạn gõ vào. Nằm gần đáy của thiết bị này là một diode laser hồng ngoại (IR), nó phóng ra một lớp hồng ngoại mỏng trùng khít với hình ảnh bàn phím nói trên. Mặt phẳng hồng ngoại này vô hình với mắt người, bạn không nhìn thấy được nó, nhưng nó nằm song song bên dưới hình ảnh bàn phím, chỉ cách vài mm. Khi bắt đầu gõ, bạn sẽ đè tay lên một số vùng trên mặt phẳng hồng ngoại đó. Một bộ cảm biến CMOS (complimentary metal-oxide semiconductor) sẽ thu hình vị trí ngón tay của bạn đặt trên vùng bàn phím, và một chip cảm biến đặc biệt có tên là Nhân xử lý giao diện ảo (Virtual Interface Processing Core) sẽ phân tích vị trí của phím gõ. Cuối cùng, thiết bị sẽ gửi thông tin tới máy tính bằng công nghệ Bluetooth để hiển thị trên màn hình.
Đã có khá nhiều nhà sản xuất bàn phím ảo laser
Ý tưởng về bàn phím ảo chiếu bằng tia laser lên bất kỳ mặt phẳng nào chắc chắn đã xuất hiện từ khá lâu trong các bộ phim giả tưởng, còn trên thực tế, chúng đã được hiện thực hóa từ vài năm nay. Đã có một số nhà sản xuất bán ra loại bàn phím ảo này trên thị trường và công nghệ này vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
Mới đây, tại CES 2012, nhà sản xuất Hàn Quốc Celluon đã giới thiệu một loại vỏ điện thoại độc đáo cung cấp bàn phím laser ảo dành cho iPhone 4 hoặc 4S có tên Prodigy. Từ chiếc vỏ điện thoại này, một bàn phím QWERTY tiêu chuẩn được chiếu lên mặt phẳng phía trước và kết nối với chiếc iPhone 4 hoặc 4S bên dưới lớp vỏ. Nhờ kết nối Bluetooth, bàn phím ảo này đảm bảo cho bạn có thể thao tác và tạo ra các ký tự trên màn hình điện thoại y như một bàn phím dock hoặc bàn phím ảo trên chiếc smartphone. Ngoài ra, Prodigy làm tăng tuổi thọ pin cho chiếc iPhone.
Với những người không muốn sử dụng loại vỏ độc đáo này cùng với iPhone, Celluon cũng tạo ra một thiết bị khác có công nghệ và thiết kế tương tự, có tên là Magic Cube, có tính năng tương tự như Prodigy nhưng có thể kết nối với bất kỳ thiết bị Android nào qua Bluetooth. Cả hai phụ kiện này đều khá đắt, Prodigy có giá khoảng 230 USD (gần 5 triệu đồng) còn Magic Cube có giá khoảng 180 USD (gần 3,7 triệu đồng).
Nhỏ hơn và có giá rẻ hơn một chút là thiết bị có hình dạng móc chìa khóa của nhà sản xuất CTX (Mỹ). CTX Virtual Keyboard sử dụng kết nối Bluetooth để đồng bộ không dây với hầu hết các thiết bị thông minh. Bàn phím được trang bị một pin Li-ion cung cấp thời lượng sử dụng trong 2 giờ và có thể sạc thông qua cổng USB, giá bán khoảng 100 USD (2,1 triệu đồng).
Bàn phím ảo laser có thể sử dụng với hầu hết các thiết bị cần nhập văn bản, trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh hoặc PDA, máy tính bảng, trong các trường hợp cần nhập văn bản dài sẽ giúp tăng tốc độ cũng như giảm thời gian nhập liệu. Tuy nhiên, mặc dù rất gọn nhẹ để bạn có thể mang theo bất cứ đâu, bàn phím này không thể hoạt động chính xác nếu bạn không tìm được một mặt phẳng đủ tốt để chiếu bàn phím ảo lên, hoặc khi di chuyển trên đường thì sự rung lắc của phương tiện vận chuyển chắc chắn cũng không cho phép bạn gõ phím đúng. Ví dụ như bạn đang ở trên xe buýt và muốn soạn nhanh một bức email trên chiếc BlackBerry của mình, bạn không thể chiếu tia laser đỏ lên đùi và mong nó hoạt động tốt được. Bàn phím laser ảo cần một mặt phẳng chắn sáng và không phản xạ thì mới có thể chiếu đèn và sử dụng được. Sau khi đã đặt bàn phím của mình lên đúng mặt phẳng cần thiết, thiết bị này mới hiển thị một bàn phím QWERTY đầy đủ kích cỡ, chứa 60 phím trở lên. Sau đó bạn có thể gõ bất kỳ thứ gì mình muốn như trên một bàn phím thông thường, mặc dù cảm giác mà bạn vẫn hay gặp khi gõ laptop – tiếng lách cách mỗi khi một phím được nhấn xuống – sẽ không xuất hiện. Một vấn đề khác nữa là giá bán các thiết bị bàn phím ảo này còn cao, cho nên hiện tại nó chỉ được quan tâm bởi những người thích khám phá công nghệ và dư giả tiền bạc.
Tại Việt Nam, theo tìm hiểu, hầu như không có nơi nào bán loại bàn phím ảo này. Cũng đã có một vài cá nhân rao bán bàn phím ảo laser trên mạng nhưng hầu hết chỉ là vài bộ sản phẩm được xách tay về từ Mỹ, giá từ 2-4 triệu đồng. Theo bạn Ân, một người đã rao bán bàn phím ảo laser trên mạng từ năm ngoái với giá 2 triệu đồng, thì bàn phím này chỉ dành cho dân chơi công nghệ thích hàng độc, lạ. Bàn phím cần một chút thời gian làm quen ban đầu, cảm giác nhấn phím không có nên sẽ hơi gượng tay, phải gõ nhẹ tay nếu không sẽ nhanh chóng bị mỏi tay. Nếu bạn muốn mua loại bàn phím này, có thể liên hệ đặt hàng xách tay, hoặc đặt mua qua trang Amazon hoặc eBay.