Để nắm vững hơn “ngôi vương” trên thị trường tìm kiếm, vốn đang bị cạnh tranh kịch liệt từ công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft, Google vừa trình làng thêm tính năng mới cho công cụ tìm kiếm của mình, hứa hẹn sẽ giúp Google tìm kiếm “thông minh hơn gấp 1.000 lần”. Google vừa trình làng thêm tính năng mới với tên gọi Knowledge Graph cho công cụ tìm kiếm của mình, xuất hiện đầu tiên với người dùng tại Mỹ trong vài ngày tới và dự kiến sẽ xuất hiện trên toàn cầu trong thời gian không lâu.
Cụ thể, tính năng mới này sẽ cung cấp những dữ liệu kèm theo trong một khung riêng biệt, bên cạnh các kết quả truy tìm kiếm như trước đây, cung cấp thêm thông tin chi tiết liên quan đến cụm từ tìm kiếm.
Chẳng hạn khi người dùng tìm kiếm tên của một danh nhân nào đó, Knowledge Graph sẽ hiển thị thêm thông tin liên quan đến nhân vật đó, như ngày sinh, ngày mất, trình độ học vấn, gia đình hay những công trình nghiên cứu, tác phẩm nổi bật…
Công nghệ tìm kiếm mới của Google sẽ liên kết các thông tin lại với nhau để đưa ra kết quả phù hợp nhất với nội dung tìm kiếm
Theo Jack Menzel, Giám đốc Quản lý sản phẩm Tìm kiếm của Google thì cơ sở dữ liệu mới của Google chứa thông tin của hơn 500 triệu đối tượng khác nhau, bao gồm con người, địa điểm và nhiều thứ khác. Qua đó có thể cung cấp thông tin chi tiết về nội dung tìm kiếm cho người dùng ngay trên trang kết quả tìm kiếm ngay cả khi người dùng không cần nhấn vào các kết quả tìm được.
Nói một cách khác, công nghệ mới của Google sẽ hiểu hơn cách mà người dùng nghĩ khi họ tiến hành tìm kiếm, rồi giúp người dùng phân biệt các kết quả tìm kiếm với nhau.
Chẳng hạn, khi tìm kiếm với từ khóa “Kings”, Google sẽ suy đoán rằng người dùng đang đề cập đến tên gọi của một đôi khúc côn cầu, một đội bóng rỗ hay một chương trình truyền hình… rồi tính năng Knowledge Graph sẽ liệt kê ra thành các nhóm riêng biệt trên từng hộp thoại riêng biệt, bên cạnh các kết quả tìm kiếm truyền thống.
Khi tìm kiếm tên người, thông tin tổng quát về nhân vật đó sẽ được hiển thị bên cạnh kết quả truyền thống
Người dùng có thể chọn 1 trong những thông tin tìm kiếm do Knowledge Graph gợi ý để thu gọn kết quả tìm kiếm, giúp tìm được nội dung dễ dàng hơn.
Theo Menzel, trước khi tính năng Knowledge Graph được trang bị, Google đã “trang bị những kiến thức liên quan đến từ khóa tìm kiếm cho người dùng, mà chỉ đơn thuần đưa ra kết quả tìm kiếm dựa vào những từ khóa có xuất hiện trên nội dung của trang web. Nhưng giờ đây, với tính năng mới đã làm thay đổi hoàn toàn điều này.
“Chúng tôi muốn mang đến những thông tin chi tiết nhất để giúp bạn có được những thông tin cần thiết để giải quyết công việc của mình một cách nhanh chóng nhất. Chúng tôi muốn hướng dẫn bạn thông qua quá trình truy vấn, thay vì phải thông qua các kết quả tìm kiếm như trước đây”, Jack Menzel cho biết.
Tính năng mới của Google ưu tiên hàng đầu quyền lợi của người dùng
Một điều khiến không ít các nhà phát triển trang web cảm thấy lo ngại đó là với tính năng mới, liệu người dùng có còn truy cập vào các trang web liệt kê trên kết quả tìm kiếm hay không, hay với họ, những thông tin do Knowledge Graph cung cấp là quá đủ?
Thông tin tổng quát, các tác phẩm và những cá nhân liên quan đến nhân vật tìm kiếm sẽ được liệt kê, giúp người dùng có cái nhìn tổng quan nhất về từ khóa tìm kiếm
Menzel cũng đã trấn an các nhà phát triển website rằng điều này sẽ không xảy ra.
“Chúng tôi nhận thấy rằng bằng cách tạo ra một bản thông tin tóm tắt tốt hơn sẽ giúp người dùng nắm bắt được thông tin cần thiết một cách tổng thể và lôi kéo hộ đi sâu hơn để tìm kiếm. Điều này sẽ không làm họ rời xa những kết quả tìm kiếm truyền thống”, Menzel cho biết.
Tuy nhiên, Menzel cũng thừa nhận rằng trong một số trường hợp, thông tin được cung cấp bởi tính năng Knowledge Graph đã đủ làm hài lòng người dùng và họ không tiếp tục truy cập vào các trang web từ kết quả tìm kiếm. Dù vậy, Menzel cho rằng trong trường hợp này, hơn ai hết người dùng chính là những người được lợi nhất.
“Chúng tôi muôn hướng người dùng đến những thông tin liên quan nhất đến từ khóa mà họ tìm kiếm. Đôi khi chỉ là những thông tin tổng thể về từ khóa đó”, Menzel nói. “Và nhiệm vụ của Google là giúp họ giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể. Tuy nhiên, đôi khi nó lại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà phát triển website, nhưng trên hết, người dùng vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Cỗ máy tìm kiếm thông minh đầu tiên trên thế giới?
Thực tế, tính năng Knowledge Graph đã giúp cho công cụ tìm kiếm của Google trở nên thông minh và hiểu người dùng hơn, nhưng trên thực tế, đây không phải là công cụ tìm kiếm đầu tiên trên thế giới có khả năng “hiểu” người dùng.
Một trong những công cụ tìm kiếm nổi tiếng với khả năng “hiểu” và trả lời những câu hỏi của người dùng có thể kể đến Wolfram Alpha, công cụ tìm kiếm được ra mắt từ năm 2009.
Wolfram Alpha cũng đã nổi tiếng với khả năng trả lời câu hỏi của người dùng
Nhiều công ty khác cũng đã cố gắng để xây dựng những cỗ máy tìm kiếm đưa ra kết quả theo ngữ cảnh, trong đó có thể kể đến Powerset (đã được Microsoft mua lại từ năm 2008) và Cuil, nhưng tất cả đều đã thất bại.
Trước khi hoàn tất tính năng Knowledge Graph, bản thân Google cũng đã thử phát triển những tính năng và công nghệ mới để đáp ứng khả năng tìm kiếm theo ngữ cảnh.
Cụ thể, trong năm 2010, Google đã mua lại công ty công nghệ Metaweb, hãng đã sáng tạo ra nền tảng cơ sở dữ liệu Freebase, mà theo Menzel, là một trong những “ý tưởng quan trọng nhất” để tạo nên tính năng Knowledge Graph ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, Google cũng đã phát triển dự án với tên gọi Squared, là dự án dùng để trích xuất dữ liệu có cấu trúc từ những trang web không có cấu trúc. Dự án này cũng đã góp phần để giúp Knowledge Graph trở nên hoàn thiện hơn.
Mặc dù thừa nhận Google vẫn còn tiếp tục phải làm nhiều hơn để hoàn thiện khả năng tìm kiếm của mình, tuy nhiên Menzel vẫn tự tin rằng với Knowledge Graph, khả năng tìm kiếm của Google đã trở nên “thông minh” hơn gấp 1.000 lần so với trước đây.
Theo Dân Trí.