Có thể tạo “bàn phím cơ” trên màn hình cảm ứng

 
Hãng chuyên sản xuất thiết bị cảm ứng Synaptics đang nghiên cứu những công nghệ cho phép màn hình cảm ứng tạo cảm giác như chạm vào bàn phím cơ học, giúp smartphone dễ dùng hơn.

Andrew Hsu, nhà chiến lược công nghệ của hãng này cho biết, cách điều khiển cảm ứng đã cải thiện trải nghiệm người dùng trên điện thoại di động về nhiều mặt. Nhưng không phải tất cả đã tốt hơn, vì vẫn còn sự khó chịu là luôn phải nhìn vào smartphone khi sử dụng nó.

Theo ông Hsu, một trong những điều lý thú nhất mà Synaptics hiện đang nghiên cứu là cố gắng cải thiện trải nghiệm về xúc giác.

Mục đích của hãng là xây dựng một màn hình cảm ứng có phản hồi xúc giác như một bàn phím. Theo ông Hsu, người dùng có thể chạm ngón tay của họ trên các phím ảo và có được cảm giác giống như khi chạm ngón trên bàn phím cơ học, giúp họ cảm nhận được vị trí các nút, và sau đó kích hoạt nút bằng cách nhấn hơi mạnh xuống.

Ông Hsu cho biết, đây là một vấn đề rất tinh vi, nhưng rất quan trọng phải giải quyết. Ông không cho biết khi nào công nghệ này sẽ thành hiện thực.

Hiện nay, vấn đề về phản hồi xúc giác chưa được chú ý nhiều, đây là điều mà ông Hsu là người đầu tiên khẳng định.

Theo ông, đó là một đề tài còn đang tranh cãi chỉ vì các cơ cấu dẫn động – phần lớn qua cái gọi là khối xoay lệch tâm ERM (eccentric rotating mass) – thật sự cho ta cảm giác hơi rung.

Hiện giờ, hãng đang tập trung phát triển công nghệ tốt hơn và nghiên cứu xa hơn hiện tượng rung, và bổ sung thêm các kiểu phản hồi nhái theo cạnh của một phím cơ học.

Công nghệ phản hồi xúc giác tiên tiến hơn không phải là công nghệ duy nhất có thể sẽ được dùng trong smartphone tương lai. Hồi tháng 12/2009, Synaptics cùng hợp tác với Texas Instruments, Immersion, TheAlloy, và The Astonishing Tribe (công ty sau này được Research In Motion mua lại), đã công bố chiếc điện thoại ý tưởng mang tên Fuse.

Điện thoại này được phát triển để trình diễn cách cải thiện trải nghiệm người dùng trên smartphone, theo ông Hsu. Ngoài việc có màn hình cảm ứng, điện thoại Fuse cũng có thể được kiểm soát bằng cách cho phép người dùng nhấn vào mặt sau nhạy với tiếp xúc, một kỹ thuật được gọi là cảm lực (force sensing).

Ông Hsu cho biết, các yếu tố này cũng sẽ chắc chắn được tích hợp vào thiết bị cầm tay.

Bộ phận cảm biến xúc giác đã được lắp đặt trên mặt sau của vài sản phẩm, gồm điện thoại Motorola Backflip và thiết bị PlayStation Vita sắp ra mắt của Sony. Nhưng cho đến nay, công nghệ này chưa được sử dụng rộng rãi. Để đạt được điều này cần phải nghiên cứu thêm về việc tích hợp phần mềm.

Theo ông Hsu, vấn đề chính là phải thật sự cố gắng đưa bộ cảm biến xúc giác vào toàn bộ trải nghiệm người dùng và hơi khó khăn để hoàn toàn đưa nó vào giao diện người dùng.

Hiện nay, kỹ thuật cảm lực chưa chín muồi để được đưa vào sản xuất. Nhưng trong vài năm nữa, bộ cảm biến lực sẽ trở thành một tính năng bình thường có trong nhiều thiết bị cầm tay, theo ông Hsu.

M.N (Theo PC World)