Tốc độ phổ biến rộng rãi công nghệ LTE trên toàn cầu đang diễn ra khá nhanh sẽ kéo theo sự gia tăng của thiết bị hỗ trợ và kéo giá thành xuống mức có thể chập nhận được. Đây sẽ là cơ hội để các nhà khai thác cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao hơn nhiều 3G với giá hợp lý cho người dân. LTE phát triển nhanh hơn nhiều 3G Ông Markku O.Ikonen, Giám đốc công ty Nokia Siements Networks (NSN) Việt Nam hôm 9/6 cho biết, hiện nay trên thế giới đã có 20 mạng 4G theo công nghệ LTE được triển khai và Hiệp hội GSM tin rằng, cuối năm 2012 sẽ có 81 mạng 4G và trong 18 tháng tới sẽ là thời gian công nghệ LTE trở thành thị trường rộng rãi trên toàn cầu. Do đó, hiện một số nhà khai thác di động trên toàn cầu đang vội vã triển khai công nghệ này và Việt nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với kinh nghiệm của công ty cung cấp 50% giải pháp cho các mạng 4G (LTE) trên toàn cầu, ông Marko Lius, trưởng Bộ phận triển khai giải pháp các hệ thống mạng của NSN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận định, tốc độ phát triển hệ sinh thái LTE sẽ diễn ra nhanh hơn bất cứ hệ sinh thái công nghệ nào, kể cả 3G và 2G. Nhờ đó, không bao lâu sẽ kéo giá thành sử dụng 4G giảm xuống mức tương đương với mức người dùng có thể bỏ ra với 3G. Hiện đã có tới 100 loại máy đầu cuối hỗ trợ LTE nhưng giá thành vẫn tương đối đắt, gấp 6-8 lần thiết bị 3G. Tuy nhiên, với mạng 4G, người dùng sử dụng chủ yếu để kết nối dữ liệu nên với một chiếc USB giống như USB 3G hiện nay, họ có thể truy cập Internet tốc độ cao dễ dàng. Do đó, những hạn chế về thiết bị đầu cuối sẽ sớm được xua tan cùng với quá trình phát triển nhanh chóng mạng 4G trên thế giới. Mặt khác, chính công nghệ LTE đã chứng tỏ được những ưu điểm vượt trội hơn so với 3G về tốc độ (4G (LTE) tải xuống có thể đạt đỉnh 173Mb/giây trong khi của 3G tốc độ tối đa 7,2Mb/giây). Bên cạnh đó, LTE lại có thể sử dụng nhiều băng tần khác nhau, độ trễ trong công nghệ này rất ngắn, chỉ khoảng 10-20ms. Điểm đặc biệt hơn cả chính là LTE sử dụng kiến trúc mạng đơn giản hơn rất nhiều nên sẽ giảm được các chi phí . Bởi vì kiến trúc mạng LTE dựa trên kiến trúc mạng của 3G hiện tại nhưng loại bỏ đi rất nhiều phần tử mạng mà 3G cần có, chỉ giữa lại ba phần tử gồm trạm BTS, gateway kết nối mạng lõi và một hệ thống điều khiển của mạng. Hơn nữa, nếu sử dụng mạng vô tuyến được cấu hình bằng phần mềm như của NSN, giá thành sẽ còn giảm nữa. Vì nhà khai thác có thể định nghĩa các thiết bị bằng phần mềm và có thể lựa chọn sử dụng công nghệ khác nhau . Điều này sẽ hiệu quả hơn đối với các nhà khai thác để biết khi nào và ở đâu nên sử dụng LTE. Đối với ở Việt Nam, ông Markku O.Ikonen cho rằng, xu hướng này có thể chưa xảy ra ngay vì các nhà khai thác Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng với mạng 3G. Theo thống kê, trong số 85 triệu người dân Việt Nam mới chỉ có 7 triệu người dùng 3G. Tuy nhiên, nếu tất cả 7 triệu thuê bao đó bắt đầu sử dụng mạng 3G truy cập Internet để xem video, tải nhạc thường xuyên, nhiều hơn, thì việc cung cấp dung lượng thỏa mãn cho những người dùng này sẽ khiến các nhà khai thác bỏ ra khoản chi phí khá đắt đỏ. Theo đại diện của các nhà mạng triển khai 3G tại Việt Nam, xu hướng thuê bao sử dụng thường xuyên dịch vụ 3G đang tăng nhanh nhờ các dịch vụ kích cầu như multimedia, game cho mobile, nghe nhạc, tin tức… của các nhà mạng. Điều này lý giải vì sao hiện một số nhà khai thác Việt Nam cũng đang rục rịch lên kế hoạch thử nghiệm và triển khai LTE. Cụ thể, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thử nghiệm công nghệ này.Trong quá trình thử nghiệm, mạng LTE của VNPT đạt tốc độ từ 20 Mb/giây với độ trễ 20-30 ms (nếu bị chắn sóng) đến 60 Mb/giây, đỗ trễ 10-13 ms khi không bị chắn sóng. Đây được coi là một tốc độ khá khả quan để cung cấp cho các dịch vụ dữ liệu tốc độ cao. Dự kiến, VNPT sẽ hòan thiện dịch vụ và sự ổn định về mặt tốc độ cung cấp trong thời giai tới khi triển khai. Tạo cơ hội truy cập Internet tốc độ cao Như vậy, 4G (LTE) giúp đưa các công nghệ hiện nay 2G, 3G vào một ô công nghệ chung và điều này sẽ giúp tạo ra hệ sinh thái toàn cầu và làm giảm chi phí của LTE. Hơn nữa, Với công nghệ LTE, các nhà khai thác Việt Nam có thể sử dụng nhiều băng tần khác nhau cho LTE để đáp ứng yêu cầu tăng trường rất nhanh về dữ liệu, theo nhận định của ông Marko Lius. Do đó, khi khối lượng dữ liệu tăng lên rất nhiều, các nhà khai thác buộc phải nghĩ cách giảm được giá một bit truyền dữ liệu vì người dùng muốn truyền dữ liệu nhiều hơn nhưng lại không muốn trả nhiều hơn số tiền hiện tại. Vì vậy, LTE sẽ giúp các nhà mạng Việt Nam tạo ra chi phí/bit thấp nhất cho kết nối Internet ở Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có khả năng sử dụng cả công nghệ LTE theo tần số và theo thời gian nên sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà khai thác hiện tại và cả nhà khai thác mới. Việc triển khai công nghệ này rất nhanh, nếu các nhà khai thác hiện tại đã sử dụng hệ thống trạm gốc lập cấu hình bằng phần mềm như của NSN thì có thể triển khai trạm gốc ngay bây giờ và kích hoạt LTE khi nào thấy cần thiết. LTE có thể cung cấp tốc độ cực nhanh cho những ai đủ khả năng chi trả và cũng có thể cung cấp tốc độ vừa phải phù hợp với từng mức độ đối tượng người dùng. Do đó, LTE sẽ tạo ra các nguồn doanh thu mới cho các nhà khai thác. Theo ông Vũ Hoàng Liên, Trưởng ban 4G Tập đoàn VNPT, các doanh nghiệp nên phát triển dịch vụ càng sớm càng tốt vì nếu triển khai muộn người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi do không được hưởng sớm lợi ích từ 4G đem lại. M.N (Theo Vnmedia) |