Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm pin laptop

Để có thêm vài phút quý báu sử dụng chiếc laptop khi làm việc, bạn có thể thực hiện vài hướng dẫn sau nhằm tiết kiệm pin của máy một cách hiệu quả.

Ngoài những biện pháp ngắn hạn mà hầu như người dùng nào cũng có thể thực hiện ngay để tiết kiệm pin chiếc laptop của mình, còn có những biện pháp dài hạn cần nhiều sự đầu tư hơn cho người dùng cao cấp, nhằm phát huy tối đa lợi thế về tính di động khi sử dụng pin của laptop.

Biện pháp ngắn hạn

Giảm độ sáng màn hình

Một trong những biện pháp dễ thực hiện nhất và cũng giúp tiết kiệm pin laptop hiệu quả nhất là giảm độ sáng màn hình của máy. Với độ sáng màn hình khoảng 40%, bạn vẫn có thể làm việc trên hầu hết các loại laptop và nhờ đó bạn sẽ có thêm nhiều thời gian sử dụng máy khi dùng pin.

Apple từ lâu đã bỏ phần tùy chọn cho chế độ pin và chế độ nguồn điện adapter. Các mẫu laptop chạy hệ điều hành Mac mới của hãng này có thể điều chỉnh độ sáng màn hình tự động tùy theo ánh sáng xung quanh. Bạn có thể ngưng sử dụng thiết lập độ sáng tự động bằng cách vào System Preferences > Display, bỏ chọn mục Automatically adjust brightness và chỉnh thiết lập độ sáng thấp của riêng mình hay dùng phím tắt.

Bạn có thể không sử dụng thiết lập độ sáng tự động và chỉnh thiết lập độ sáng thấp của riêng mình trên máy Mac.

Trong Windows 7, cũng có thể điều chỉnh cho màn hình tối lại hay tắt hẳn khi không sử dụng bằng cách nhấn nút phải chuột vào biểu tượng pin trong khay hệ thống và chọn Power Options.

Tắt tất cả kết nối không dây

Hãy tắt tất cả các kết nối không dây như Bluetooth, Wi-Fi, WWAN khi không dùng đến chúng. Nhiều laptop chạy hệ điều hành Windows có phím tắt để tắt sóng. Dù vậy, đối với một số máy thì bạn phải vào Device Manager để vô hiệu quá tính năng này.

Để tắt Wi-Fi trên máy Mac, bạn có thể nhấn vào biểu tượng AirPort (Wi-Fi) ở phía trên bên phải của thanh trình đơn, và chọn Turn Wi-Fi Off. Để tắt Bluetooth, bạn có thể làm theo cách tương tự.

Sóng trên laptop không tốn nhiều điện năng như trên smartphone, nhưng việc tắt các kết nối không dây cũng phần nào tiết kiệm được chút ít điện năng cho pin của máy.

Lấy đĩa trong ổ đĩa quang ra

Nếu laptop của bạn có trang bị ổ đĩa quang, hãy lấy đĩa trong ổ ra nếu không cần truy xuất nội dung trong đĩa.

Thông thường, khi khởi động máy cũng như khi mở các tiện ích quản lý tập tin như Windows Explorer, hệ thống thường duyệt qua tất cả các ổ đĩa có trong máy. Nếu không có đĩa trong ổ quang, máy không phải quay đĩa và giúp giảm tải đáng kể cho hệ thống.

Tắt đèn nền bàn phím

Nếu laptop của bạn có bàn phím trang bị đèn nền ngược sáng thì có thể tắt hẳn đèn bằng phím tắt hay ít nhất là có thể giảm độ sáng đèn nền xuống.

Gỡ các thiết bị USB

Khi kết nối các thiết bị lưu trữ gắn ngoài như USB hay ổ cứng gắn ngoài qua cổng USB, các thiết bị đó hầu hết đều sử dụng nguồn điện năng từ máy tính cung cấp qua cổng giao tiếp này. Việc gỡ bỏ chúng sẽ phần nào tiết kiệm được đáng kể pin cho laptop.

Nhiều loại laptop còn cho phép bạn chỉnh tính năng tiết kiệm điện năng trên USB. Bạn nên xem trong công cụ quản lý điện năng của hãng cung cấp để tìm xem có tùy chọn này hay không.

Đóng các chương trình không dùng đến

Bạn nhớ kiểm tra khay hệ thống hay thanh trình đơn của máy xem có chương trình nào đang chạy nền hay không. Máy càng ít việc để làm thì càng ít tốn pin.

Tắt âm thanh

Dù không tiết kiệm được nhiều, nhưng tắt phần âm thanh của laptop khi không cần thiết hay ít ra là giảm âm lượng khi nghe nhạc, sẽ tiết kiệm được thêm một ít điện năng.

Biện pháp dài hạn

Sử dụng công cụ quản lý điện năng của hãng cung cấp

Các hãng như Toshiba, Lenovo và Fujitsu còn cung cấp những tiện ích chuyên dụng đi kèm, cho phép người dùng tùy chỉnh các chế độ tiết kiệm điện năng như tắt ổ đĩa quang và thiết lập các kế hoạch điện năng cao cấp hơn.

Sử dụng công cụ quản lý điện năng của hệ điều hành

Người dùng Windows có thể nhấn chuột phải vào biểu tượng pin trong khay hệ thống và chọn Power Options. Bạn có thể thay đổi kế hoạch sử dụng điện năng theo ý mình bằng cách nhấn vào Change plan settings, rồi chọn Change advanced power settings.


Bạn có thể thay đổi kế hoạch điện năng theo ý mình.

Người dùng Mac OS X có thể tìm thấy các thiết lập quản lý điện năng trong System Preferences > Energy Saver nhưng có ít tùy chọn hơn.

Nâng cấp lên ổ SSD

Việc thay ổ cứng HDD bằng một ổ thể rắn SSD không những giảm thiểu được mức tiêu thụ điện năng mà còn tăng được tốc độ đáng kể cho hệ thống.

Bạn phải kiểm tra vài thứ trước khi thực hiện việc nâng cấp này. Trước hết, phải xem ổ cứng máy bạn đang dùng có kết nối loại nào. Thường thì các mẫu laptop mới hiện nay đều có kết nối chuẩn SATA-2 hoặc SATA-3. Và tiếp theo, bạn cũng phải xem độ dày của ổ cứng hiện có trong laptop. Theo kinh nghiệm, bạn nên chọn loại ổ dày 7mm thay vì 9mm.

Dùng pin dung lượng cao

Không phải máy laptop nào cũng có thể dùng pin dung lượng cao, nhất là những mẫu máy có pin không tháo rời được như trường hợp của các loại máy MacBook và ultrabook.

Nếu laptop của bạn sử dụng pin có thể tháo rời, hãy kiểm tra với hãng cung cấp để xem có loại pin định mức mAH hay WHr cao hơn pin đang dùng hay không.

Kiểm tra tình trạng pin

Pin laptop có thể nhanh chóng mất khả năng sạc đầy nếu sử dụng không đúng cách. Ngay cả đối với những loại laptop được bảo hành hơn một năm, thì thời gian bảo hành cho pin kèm theo máy cũng thường chỉ là một năm.

Để kiểm tra tình trạng pin và xem có cần thay thế pin hay không, bạn có thể tải dùng tiện ích Battery Information cho Windows hoàn toàn miễn phí để kiểm tra mức hao mòn. Đối với máy MacOS X, thì có thể tải tiện ích Coconut Battery.

Dùng chế độ Hibernate thay vì chế độ Sleep

Chế độ ngủ (Sleep Mode) sẽ “treo” các hoạt động của hệ thống vào bộ nhớ RAM, do đó cần phải có điện năng. Ích lợi chính của chế độ này là máy khởi động lại rất nhanh.

Ngược lại, chế độ ngủ đông (Hibernate Mode) hay còn gọi là “ngủ sâu” (Deep Sleep) trên Mac OS X sẽ đình chỉ hệ thống vào không gian đĩa và thường tốn nhiều dung lượng. Chế độ này sẽ tắt hết điện năng. Thời gian khởi động lại tùy thuộc rất nhiều vào tốc độ của đĩa. Đối với người dùng ổ SSD, thời gian khởi động lại có thể nhanh hơn. Nhưng đối với người dùng ổ HDD, bạn có thể sẽ “nổi điên” vì phải chờ đợi.

Theo mặc định, Windows 7 thường cho laptop vào chế độ ngủ, trừ phi pin còn lại một số phần trăm nào đó thì máy tính sẽ đình chỉ vào đĩa. Trong khi đó, hệ điều hành Mac OS X áp dụng chế độ ngủ lai, đình chỉ hệ thống vào cả RAM lẫn đĩa.