“Cần hình thành nên các cộng đồng phần mềm nguồn mở và ưu tiên xây dựng, hình thành nên một số địa phương, bộ ngành trọng điểm về ứng dụng Phần mềm nguồn mở”, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT hiến kế tại Hội thảo về “Ứng dụng PMNM trong cơ quan nhà nước” diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội.
Theo ông Tuyên, thời gian qua, các sản phẩm, giải pháp nguồn mở đã được sử dụng nhiều hơn trong khối cơ quan nhà nước, chẳng hạn như việc các cổng/trang thông tin điện tử, quản lý văn bản và điều hành, Một cửa điện tử cấp huyện, hệ thống thư điện tử… đã được phát triển trên nền mã nguồn mở.
Tính tới thời điểm này, đã có 46/63 địa phương đã triển khai cài đặt, đào tạo, sử dụng phần mềm nguồn mở, chủ yếu là tập trung đào tạo cán bộ chuyên trách về CNTT để tạo nguồn nhân lực hỗ trợ ứng dụng. Hiện tổng số lượt người được đào tạo đã lên tới hơn 7300 người.
Một số địa phương đã mạnh dạn bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho phần mềm nguồn mở, điển hình như Quảng Nam khi tỉnh này có tới 90% trang thông tin điện tử của Cơ quan Nhà nước trên nền nguồn mở, đồng thời triển khai phần mềm một cửa điện tử, trường học điện tử trên nền nguồn mở.
Một địa phương khác là Bắc Giang, theo ông Tuyên, cũng đang có tới 6 cơ quan nhà nước sử dụng trang thông tin điện tử xây dựng trên nền nguồn mở Joomla, và 2 huyện, 3 sở đang sử dụng phần mềm một cửa điện tử dựa trên nền nguồn mở Drupal.
Không chỉ các địa phương mà nhiều Bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai phần mềm nguồn mở để phục vụ quản lý điều hành và cung cấp một số dịch vụ công.
“Hình thành nên những địa phương điểm về ứng dụng kiểu này sẽ góp phần tạo ra một cộng đồng phần mềm nguồn mở mạnh tại Việt Nam và tạo được thói quen cho người dân, cũng như công chức nhà nước sử dụng phần mềm nguồn mở”, ông Tuyên phân tích.
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp để thúc đẩy PMNM trong cơ quan Nhà nước cũng đã được các chuyên gia tư vấn, đề xuất. Một trong số đó chính là việc xác định đúng hướng đi cho phần mềm nguồn mở tại Việt Nam, nên theo hướng ứng dụng máy trạm, máy chủ, ứng dụng nghiệp vụ chuyên ngành, nguồn mở nhúng trên thiết bị hay cả bốn hướng trên.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng PMNM có nhiều ưu điểm rõ rệt như tiết kiệm được chi phí mua phần mềm nguồn đóng (thường là rất cao), hạn chế tình trạng sử dụng phần mềm lậu, vi phạm bản quyền phần mềm mà chất lượng giải pháp lại ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, PMNM sẽ khó thay thế được những phần mềm hoặc giải pháp có tính quá chuyên sâu, phức tạp.
Ông Tuyên cũng chỉ ra một thực tế là số lượng các doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ, cung cấp giải pháp PMNM hiện nay còn khá ít, mới có trên dưới 30 tổ chức. Đại đa số đều có quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế và sự liên kết với nhau còn thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần ưu tiên bố trí kinh phí cho việc triển khai ứng dụng và phát triển PMNM từ cả ngân sách trung ương lẫn địa phương, hoàn thiện cơ chế tài chính cho PMNM để gỡ bỏ “nút thắt” tài chính cho xu hướng này. Ngoài ra, giải pháp công – tư kết hợp (PPP) cũng được nhiều người cho rằng sẽ giúp thúc đẩy phát triển và ứng dụng PMNM tại Việt Nam.
Theo Vietnamnet.