Cận cảnh VINASAT-2 tại cảng vũ trụ Arianespace

Những hình ảnh đầu tiên của vệ tinh VINASAT-2 từ Trung tâm vũ trụ quốc tế Arianespace ở Kourou (French Guyana, Nam Mỹ). Nhìn chung, hình dáng bên ngoài của VINASAT-2 tương đối giống vệ tinh VINASAT-1 trước đây.
 

VINASAT-2 đang được đưa vào khoang vận chuyển tại trung tâm vũ trụ Arianespace. (Ảnh: Arianespace)

Đây là hình ảnh đầu tiên của VINASAT-2 do hãng hàng không vũ trụ Arianespace cung cấp. Trong bức ảnh này, VINASAT-2 đang được đưa vào khoang vận chuyển lớn để đưa từ phòng làm sạch S1B trở về khu lắp ráp hoàn thiện S5.

So với hình ảnh của vệ tinh VINASAT-1 được lắp ráp tại trung tâm vũ trụ Arianespace vào năm 2008, có thể thấy về cơ bản VINASAT-2 không có nhiều khác biệt, cũng gồm hai tấm pin năng lượng mặt trời và 2 bộ chảo thu phát tín hiệu.

Vệ tinh VINASAT-1 được nạp nhiên liệu trong khu S5 của Sân bay vũ trụ Châu Âu năm 2008. Ảnh tư liệu: Arianespace.


Cùng chuyến bay lên vũ trụ mang số hiệu VA206 với VINASAT-2, vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản cũng đã được đưa vào nơi nạp nhiên liệu bằng hệ thống đường vận chuyển trong nhà của trung tâm lắp ráp S5.

vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản được đưa vào nơi nạp nhiên liệu. (Ảnh: Arianespace)

Đội ngũ chuyên gia của Arianespace gọi cặp vệ tinh này là “2 chị em” bởi cả VINASAT-2 và JCSAT-13 đều được sản xuất theo chuẩn thiết kế vệ tinh A2100 của hãng Lockheed Martin (Mỹ), và là vệ tinh viễn thông thương mại thứ 100 và 101 do hãng này sản xuất.

Theo thông tin từ Arianespace, VINASAT-2  sẽ cung cấp dịch vụ tín hiệu vệ tinh địa tĩnh trên toàn lãnh thổ Việt Nam và các nước lân cận bằng 24 bộ phát đáp băng tần Ku, được đặt ở tọa độ 131.8 kinh độ Đông. VINASAT-2 có tuổi thọ thiết kế là 15 năm.

Vụ phóng tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh VINASAT-2 và JCSAT-13 vào rạng sáng ngày 16/5 tới sẽ là chuyến bay vũ trụ thứ 206 của dòng tên lửa Ariane, và vì vậy được Arianespace đặt tên số hiệu lần phóng là VA206.

Theo Vietnamnet.