Ngày nay công việc lập trình (tuy hơi khô khan) nhưng cũng khá dễ chịu bởi vì các lập trình viên được trang bị rất nhiều phần mềm hỗ trợ, chỉ cần có một chiếc laptop và một phần mềm biên dịch hay soạn mã, người ta có thể viết ra rất nhiều thứ khác nhau. Tuy nhiên cách đây khoảng 3 thập niên, việc viết một phần mềm để chạy ứng dụng nào đó phải nói là rất khó khăn và cực kỳ mất thời gian vì họ không có phần mềm hỗ trợ, không có máy tính (do chưa phổ biến) để ngồi viết code và thậm chí là phải dùng tay để nhập từng đoạn mã một vào các thiết bị máy móc hay phần cứng.
Cách đây 30 năm người ta lập trình phần mềm như thế nào?
Ông John Graham-Cumming, một lập trình viên nhiều năm kinh nghiệm đã kể lại cách mà ông viết phần mềm cách đây gần 30 năm trên blog cá nhân của mình. Vào năm 1985, ông được giao công việc viết một phần mềm cho máy dán nhãn sản phẩm lên các chai. Cách mà ông viết code lúc đó có thể khiến cho chúng ta nghĩ là… không thể “thô sơ” hơn. Ông đã tự tay viết từng đoạn mã một ra các tờ giấy, ý mình là toàn bộ những gì mà các lập trình viên ngày nay thường gõ vào các phần mềm biên dịch của họ, sau đó chuyển các đoạn mã đó thành mã Hex (để máy có thể hiểu được), do không có máy tính chuyển đổi Hex nên ông cũng phải tự tính ra trong đầu và ghi lại trên giấy luôn.
Sau công đoạn viết code là tới phần chuyển toàn bộ số code đó vào máy dán nhãn chai để nó có thể hoạt động được. Ông dùng một thiết bị có tên KIM-1 để làm công việc này và sự thật là nó cũng không mấy “thông minh” chút nào đâu, cái KIM-1 này có một bàn phím và màn hình điện tử nhỏ, ông vẫn phải dùng tay để nhập lại các đoạn mã Hex mà ông vừa làm xong ở trên thông qua bàn phím để chuyển nó vào thiết bị phần cứng, hoàn toàn không thoải mái như việc Copy/Paste như chúng ta đang làm hiện nay.
Các dòng chữ màu xanh lá là phần chú thích, màu xanh dương là code còn màu đỏ là mã Hex được chuyển lại từ code
(st)