Việt Nam đang được các hãng kỹ thuật công nghệ ưa chuộng và đẩy mạnh đầu tư góp phần thúc đẩy những chuyển đổi nhanh chưa từng có về kinh tế cũng như công nghệ. Đó là nội dung bài viết của James Hookway, đăng trên Wall Street Journal.
Mở một nhà hàng các món ăn Hàn Quốc ở một vùng đất với những ruộng lúa bao quanh ở phía bắc Hà Nội dường như là một kinh doanh khá nhiều rủi ro nhưng đó chính là những gì Lê Thị Huyền, 31 tuổi, đang làm tại đây.
Lý do là công ty Hàn Quốc Samsung Electronics đang xây dựng một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất của họ tại Việt Nam, làm ra những chiếc điện thoại thông minh Galaxy rất thịnh hành và máy tính bảng trị giá hàng tỉ đô la.
Mỗi ngày nhà hàng của Lê Thị Huyền đầy khách Nam Hàn cũng như một số người Việt hiếu kỳ.
“Samsung thực sự giúp cải thiện thu nhập ở quanh đây,” Huyền nói. Cô mở hai nhà hàng Hàn Quốc ở Bắc Ninh, rất gần một trong những nhà máy lớn nhất của hãng Samsung.
Nay cô dự định sẽ mở thêm cửa hàng thứ ba gần Thái Nguyên, nơi Samsung đang xây dựng một cơ sở trị giá 2 tỷ đô la, nhà máy sản xuất lớn nhất của họ trên thế giới.
Samsung nay chiếm hơn 10% tổng xuất khẩu của Việt Nam.
Một tên tuổi lớn khác như LG Electronics và Foxconn cũng đang tăng cường đầu tư và giúp tăng tốc một trong những chuyển đổi kinh tế nhanh nhất tại thế giới các nước đang phát triển vào khi những chuyến hàng vận chuyển điện thoại thông minh và các thiết bị máy tính bắt đầu vượt qua xuất khẩu cà phê, quần áo và tôm của Việt Nam.
Một số kinh tế gia cho biết bất chấp hiệu ứng “người giàu giàu có hơn thì người nghèo cũng được hưởng lợi” đang tác động tới những công nhân chuyển từ làm nông nghiệp sang làm việc ở nhà máy với đồng lương cao hơn, ảnh hưởng rộng lớn hơn về kinh tế của các đầu tư đang bung ra vẫn là chưa rõ ràng.
Các viên chức địa phương ở tỉnh Thái Nguyên đã vượt lên trên các tỉnh khác của Việt Nam khi thuyết phục thành công Samsung xây dựng nhà máy thứ ba của họ tại đây, với đề xuất miễn giảm thuế có thể tới 16 năm.
Phát triển công nghệ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói về trọng tâm của Việt nam trong việc đưa các nhà đầu tư từ Nhật Bản và các nước khác giúp Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng để khu vực kỹ thuật công nghệ có thể phát triển.
“Chúng tôi nhắm tới các đầu tư chất lượng hàng đầu,” ông trả lời các câu hỏi đặt ra qua một văn bản.
Trong khi đó việc các công ty kỹ thuật địa phương mọc lên như nấm cho thấy sản xuất điện thoại thông minh có thể là một dấu hiệu của thay đổi rộng lớn hơn, chuyển sang phát triển các ngành công nghiệp liên quan tới công nghệ tại Việt Nam, một nước với 92 triệu dân có độ tuổi trung bình rất trẻ – 26 tuổi.
Năm nay tại Đông Nam Á, chỉ có Singapore có con số cao hơn các doanh nhân ngành công nghệ mở công ty và sau đó thành công trong việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo công ty Topica có trụ sở tại Hà Nội.
Trong lĩnh vực trò chơi games, công ty Emobi có trụ sở tại Hà Nội đã khai trương một trò chơi video trên toàn cầu dựa vào chiến thắng nổi tiếng của Việt Nam tại Điện Biên Phủ năm 1954.
Một số công ty hoạt động khá tốt. Công ty phần mềm FPT nay đang nằm trong số 100 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực gia công công nghệ phần mềm, với kim ngạch thường niên là hơn 1 tỷ đô la.
Nhưng các công ty khác không được tốt như vậy. Một mạng xã hội do chính phủ khởi xướng nhằm thu hút người dùng và kéo họ rời khỏi Facebook đã không thành công.
Các công ty như Google và Yahoo Inc. phàn nàn rằng các giới hạn của chính phủ về những gì có thể và không thể được đưa lên internet đã làm nguội lạnh sự phát triển của ngành thương mại trên mạng tại đất nước này.
Hiện tại 35 bloggers đang bị bỏ tù, con số cao nhất trên thế giới sau Trung Quốc.
Tuy nhiên trọng tâm được khôi phục lại mà nhiều trường học Việt Nam đang đặt ra trong chương trình dạy máy tính cho thấy có thể có những tin tốt hơn trong tương lai.
Dương Linh
( Theo BBC )